Doanh nghiệp xuất khẩu dè dặt với đơn hàng mới

- Thứ Năm, 20/01/2022, 06:24 - Chia sẻ
Kim ngạch xuất khẩu nửa đầu tháng 1.2022 giảm gần 6 tỷ USD, đạt gần 13 tỷ USD. Đây được cho là diễn biến bình thường do thời điểm nghỉ Tết Nguyên đán đang tới gần. Tuy nhiên, theo phản ánh của nhiều doanh nghiệp, xuất khẩu hiện còn nhiều khó khăn, đặc biệt là chi phí dịch vụ hậu cần (logistics) tăng cao, thời gian giao hàng kéo dài khiến nhiều doanh nghiệp không dám nhận đơn hàng mới.

2 tuần, nhập siêu gần 2 tỷ USD

Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, kim ngạch xuất khẩu, nhập khẩu nửa đầu tháng 1.2022 giảm mạnh so với nửa cuối tháng 12.2021.

Cụ thể, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu cả nước đạt gần 28 tỷ USD. Trong đó, xuất khẩu đạt 12,95 tỷ USD, giảm mạnh gần 6 tỷ USD. Có 4 nhóm hàng xuất khẩu đạt kim ngạch từ 1 tỷ USD trở lên gồm: điện thoại và linh kiện với 1,85 tỷ USD; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện với 1,58 tỷ USD; dệt may với 1,44 tỷ USD; máy móc, thiết bị với gần 1,4 tỷ USD.

Giá nguyên liệu, chi phí hậu cần tăng cao khiến doanh nghiệp thận trọng với đơn hàng mới
Nguồn: ITN

Tương tự, kim ngạch nhập khẩu cũng giảm gần 1,5 tỷ USD, đạt 14,6 tỷ USD. Hai nhóm hàng nhập khẩu “tỷ đô” là: máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện 3,5 tỷ USD; máy móc, thiết bị 1,95 tỷ USD.

Kết quả này làm đảo chiều cán cân thương mại, từ chỗ xuất siêu 2,6 tỷ USD trong nửa cuối tháng 12.2021 sang nhập siêu 1,65 tỷ USD. Theo các chuyên gia, nhập siêu trong thời điểm đầu năm là diễn biến bình thường. Lý do là gần tới kỳ nghỉ Tết kéo dài nhiều ngày nên hoạt động sản xuất, xuất khẩu có phần giảm tốc. Ở chiều ngược lại, các doanh nghiệp tăng nhập khẩu hàng hóa phục vụ tiêu dùng trong dịp Tết Nguyên đán.  

Doanh nghiệp không dám nhận đơn hàng

Bên cạnh đó, tại hội thảo “Giải quyết khó khăn cho doanh nghiệp xuất nhập khẩu nhằm tạo thuận lợi thương mại trong bối cảnh Covid-19” do Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) phối hợp với Sở Công thương TP. Hồ Chí Minh vừa tổ chức, đại diện doanh nghiệp cho biết, xuất khẩu trong bối cảnh bình thường mới còn gặp nhiều khó khăn.

Theo ông Nguyễn Chánh Phương, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP. Hồ Chí Minh, chi phí dịch vụ hậu cần (logistics) là khó khăn lớn nhất hiện nay với ngành gỗ. Đặc thù của ngành gỗ nội thất là thể tích hàng rất lớn, cần lượng lớn container. Tuy nhiên, giá container hiện rất cao. Mặc dù người mua hàng trả chi phí vận chuyển, nhưng khi phí cao quá, lại thiếu container, thì người ta chưa lấy hàng nên tồn kho tăng cao đẩy doanh nghiệp vào cảnh thiếu dòng tiền. “Nhiều doanh nghiệp không dám nhận đơn hàng trong bối cảnh này”, ông Phương cho hay.

Các doanh nghiệp lương thực, thực phẩm cũng trong tình cảnh tương tự. Theo bà Lý Kim Chi, Chủ tịch Hội Lương thực, thực phẩm TP. Hồ Chí Minh, đây là dịp doanh nghiệp ngành lương thực, thực phẩm bận rộn sản xuất hàng Tết và giao đơn hàng xuất khẩu. Tuy nhiên, các doanh nghiệp phải đối diện tình trạng thiếu lao động thời vụ, giá đầu vào và đặc biệt là chi phí logistics cao, thời gian vận chuyển kéo dài nên nhiều doanh nghiệp tỏ ra thận trọng khi nhận đơn hàng. Thậm chí nhiều doanh nghiệp phải từ chối đơn hàng. Bà Chi cho biết, trước đây, từ lúc đặt chuyến tới khi hàng hóa đến Mỹ là 28 ngày, bây giờ thời gian chờ container rỗng có thể tới 2 - 3 tháng. “Sản phẩm của chúng tôi có hạn dùng chỉ một năm mà mất đến 3 tháng vận chuyển thì thời gian sử dụng bị rút ngắn rất nhiều”, bà Chi nói.

Tìm cách thức giao nhận mới

Thừa nhận khó khăn của các doanh nghiệp xuất khẩu, ông Huỳnh Văn Cường, Phó chủ tịch Hiệp hội Logistics TP. Hồ Chí Minh cho biết, các doanh nghiệp thành viên đã cố gắng giữ không tăng giá trong thời gian qua nhưng do chỉ chiếm một công đoạn nhỏ trong toàn bộ quá trình xuất khẩu nên chi phí tổng thể vẫn tăng. Cụ thể, các công ty logistics Việt Nam chỉ cung cấp các dịch vụ phổ thông cơ bản. Ngoài việc chưa đủ tiềm lực, kinh nghiệm thì vấn đề cốt lõi là 65% hàng nhập khẩu và 73% hàng xuất khẩu được thực hiện bởi doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Hầu hết gói logistics đều được chỉ định từ các gói thầu quốc tế và đương nhiên miếng bánh còn lại trong nước chỉ là một phân đoạn nhỏ trong chuỗi cung ứng.

“Nếu doanh nghiệp không bảo đảm được sản xuất nên đã có sự dịch chuyển đơn hàng sang vùng/quốc gia khác, thậm chí nếu tình trạng diễn ra lâu sẽ đối mặt với nguy cơ mất hẳn khách hàng do sự thay đổi chuỗi cung ứng”. Trước thực tế này, ông Cường khuyến cáo doanh nghiệp xuất khẩu chủ động lựa chọn các giải pháp, địa điểm, cách thức giao nhận mới thay vì cách thức truyền thống. Cụ thể là tăng cường giao nhận hàng hóa tại các cảng sông gần với nhà máy. Về phía Chính phủ cần khoanh vùng các công ty sản xuất được xác định là mũi nhọn của quốc gia, định hướng ưu tiên hợp tác với các công ty logistics đầu ngành Việt Nam theo đúng tinh thần “người Việt Nam ưu tiên dùng dịch vụ của công ty Việt Nam”.

Hà Lan