Đọc sách: Xúc động trên từng trang

- Thứ Sáu, 15/10/2021, 05:50 - Chia sẻ
Đọc hồi ký Gánh gánh… gồng gồng… của Xuân Phượng, một người đọc khó tính chắc vẫn bị thuyết phục. Một người đọc giỏi kiềm chế, chắc vẫn phải dừng lại từng trang vì xúc động.

Một lão bà chín mươi tuổi ngồi viết lại truyện đời mình. Một cuộc đời thật nhiều khúc ngoặt, thật nhiều biến cố, li kỳ hơn tiểu thuyết, hấp dẫn hơn tiểu thuyết. Những sự kiện có thật, những con người có thật bảo chứng cho nó, kích ứng những ký ức tương tự ở người đọc.

Đạo diễn Xuân Phượng tại buổi ra mắt hồi ký Gánh gánh... gồng gồng... ở TP. Hồ Chí Minh
Nguồn: nongnghiep.vn

Cô học sinh trường Pháp ở Đà Lạt, mười sáu tuổi về Huế bỏ nhà đi theo kháng chiến. Ngày toàn quốc kháng chiến, tháng 12.1946, cô gái mười bảy tuổi đột nhập vào trường Kỹ thuật thực hành Huế, đưa lệnh của bộ chỉ huy mặt trận Huế cho phép bộ đội rút lui. Cùng đồng đội nhảy qua hàng rào, cô thoát được, nhưng người bạn cùng đi trúng đạn giặc Pháp, xác vắt qua hàng rào. Năm 1947 cô đi bộ xuyên rừng từ Huế ra Nghệ An, tham gia đoàn tuyên truyền liên khu Bốn. Thiếu nữ kháng chiến trải qua nhiều công tác: ở quân y vụ liên khu Bốn, chuyển về  bộ Quốc phòng làm thuốc nổ, vài lần gặp tai nạn nổ tung cả xưởng. Rồi cô chuyển sang làm báo Công tác thóc gạo của Bộ Tài chính. Sau chiến thắng Điện Biên Phủ 1954, cô về Hà Nội, đi học y rồi phụ trách phòng khám nhi khu Ba Đình. Từng thuyết minh trực tiếp phim tiếng Pháp, chuyển sang làm bác sĩ cho ủy ban liên lạc văn hóa với nước ngoài, đi chăm sóc các nhà làm phim phương Tây vào tuyến lửa Vĩnh Linh quay phim dưới bom đạn. Sau chuyến đi ấy, đạo diễn người Hà Lan Joris Ivens từng đoạt giải ở liên hoan phim Venice gợi ý Xuân Phượng nên chuyển sang làm phim. Bốn mươi tuổi, bà mới bắt đầu sự nghiệp làm phim tài liệu với nhiều phim đoạt giải thưởng quốc tế. Năm 1975, bà là phóng viên chiến trường, theo sát từng bước chiến dịch Hồ Chí Minh, đi quay phim suốt từ Huế, Đà Nẵng, Nha Trang vào đến Sài Gòn. Sau khi về hưu, bà mở phòng tranh, đi lại như con thoi sang các nước phương Tây để triển lãm mỹ thuật Việt Nam. Bà trở thành một nhà ngoại giao nhân dân năng động, ngay cả khi tuổi đã cao.

Ngay đầu sách là một khoảnh khắc thay đổi số phận. Cô nữ sinh mười sáu tuổi cùng người cậu trốn nhà đi theo kháng chiến. Dắt xe đạp ra bến sông, người cậu nhớ ra để quên chiếc bơm xe, quay lại lấy. Đúng lúc giặc Pháp càn đến. Xuân Phượng vứt xe, nhảy xuống đò chạy luôn. Thế là cả nhà chỉ có một mình cô đi kháng chiến. Ông cậu sau đó sang Pháp học để trốn lính. Hơn bốn mươi năm sau, Xuân Phượng mới gặp lại ông trong một nhà dưỡng lão ở Pháp.

Một chi tiết gây ấn tượng: năm 1954, nghe tin chiến thắng Điện Biên Phủ, Xuân Phượng trên lưng địu con nhỏ, vai gánh một đầu là đứa con lớn, một đầu là mấy con gà và xoong nồi, một mình đi bộ từ An toàn khu Tuyên Quang về Hà Nội. Có lúc nặng quá, chị bỏ quang gánh, địu đứa nhỏ đến gửi ở một quán bên đường rồi quay lại gánh đứa lớn đến. Cứ luân chuyển như thế qua mấy trăm cây số. Về gần đến Hà Nội thì đói lả ngất đi trước một ngôi chùa. Có một bà tư sản Hàng Ngang tưởng đấy là ba mẹ con ăn mày, bà thương xót đưa lên xe hơi chở về Hà Nội. Có người chiến thắng về Hà Nội trong cờ hoa. Có người chiến thắng về Hà Nội trong hoàn cảnh như chị. Một ẩn dụ về vô vàn cách thức mà những người chiến thắng đến với hòa bình. Với Xuân Phượng, chuyến đi ấy cho bà thêm bài học về tình thương và trong suốt cuộc đời, bà thực hành lòng nhân ái với bất cứ số phận thua thiệt nào gặp trên đường. Bà cưu mang thiếu sinh quân bị lạc đơn vị trong kháng chiến, đưa hàng xóm đi đẻ ban đêm, đỡ đẻ cho người sinh khó trong địa đạo Vĩnh Linh không đèn đóm. Gia đình ấy đã xin tên Xuân Phượng để đặt cho cháu bé vừa ra đời.

Xúc động trên từng trang. Chẳng hạn năm 1967 Xuân Phượng dẫn đạo diễn Hà Lan đi quay phim chú bé chín tuổi Phạm Công Đức ở Vĩnh Linh. Em Đức được phong dũng sĩ diệt Mỹ vì có công giúp bộ đội ta đánh phá sân bay giặc bên bờ Nam sông Bến Hải. Bốn mươi năm sau, bà quay lại nơi đó làm phim, tìm kiếm mãi, cuối cùng gặp được thầy giáo dạy toán cấp ba Phạm Công Đức. Trong sách có bức ảnh chú bé Đức chín tuổi năm 1967 và ảnh bà đến thăm gia đình thầy giáo Đức giờ có bốn con năm 2007.

Có cả kỷ niệm với ngôi sao điện ảnh Jane Fonda và ca sĩ Joan Baez thời chiến ở Hà Nội. Dưới căn hầm bị bom giật đùng đùng, Xuân Phượng đã bảo Joan Baez hát lên, ca sĩ Mỹ đã hát và lấy lại bình tĩnh. Có cả chuyện tình cờ tìm được cô bạn học người Pháp thời ở Đà Lạt, gặp lại nhau khi hai người đều trên tuổi tám mươi, trong ảnh cả hai tóc bạc trắng.

Hơn bốn mươi năm xa cách, năm 1989 Xuân Phượng gặp lại mẹ ở Paris. Bà mẹ tuổi ngoài tám mươi bay từ Mỹ sang gặp cô con gái đã sáu mươi. “Mấy mẹ con dắt nhau ra chỗ chờ xe. Đang đi, trước mặt có một cái ụ, má nắm chặt tay tôi: “Coi chừng vấp, con!” Má tôi chưa kịp nhận ra rằng tôi không còn là đứa bé mười sáu tuổi của bà”.

Một người con gái như Xuân Phượng khó mà vấp ngã được.

Tác giả kể tiếp: “Chúng tôi cười cười khóc khóc trong niềm vui đoàn viên. Trong một bữa cơm trưa, bỗng mẹ tôi chống đũa nhìn tôi: “Con ơi, sao con theo họ làm chi, để gia đình ly tán, phải rời quê cha đất tổ con ơi!”… Tôi không trả lời mẹ ngay hôm ấy, nhưng cũng từ đấy nảy ra ý định phải kể lại đời mình.

Tôi mong muốn gia đình thương yêu hiểu rõ thêm những gì tôi đã trải qua.

Và cũng vì những người trẻ chưa hề biết đến chiến tranh, tôi quyết định viết lại ĐỜI TÔI”.

Xuân Phượng đã viết, trước hết là một quyển hồi ký bằng tiếng Pháp: Ao dai, xuất bản tại Paris, rồi được dịch ra tiếng Anh, tiếng Ba Lan.

Còn bây giờ người phụ nữ sinh năm 1929 viết lại cuốn hồi ký ấy bằng tiếng Việt. Năng động và đầy nhiệt huyết, bà luôn là một nhà cách mạng đúng nghĩa. Ngôn ngữ cuốn sách sáng rõ, có khi dí dỏm, và thường xuyên khơi gợi cảm xúc. Sắp xếp tư liệu một cách khoa học, mạch lạc, thể hiện một tư duy tinh tường, ngăn nắp. Đọc cuốn sách này, người ta được tiếp thêm năng lượng, thêm khao khát suy tư và hành động.

________

* Gánh gánh… gồng gồng…, hồi ký của Xuân Phượng, NXB Văn hóa - Văn nghệ 2020.

Hồ Anh Thái