"Đôi cánh” của nền kinh tế

- Thứ Bảy, 20/02/2021, 07:12 - Chia sẻ
Trao đổi về việc triển khai Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam VŨ TIẾN LỘC cho rằng, phát triển bền vững, thúc đẩy nền kinh tế tuần hoàn và đổi mới sáng tạo sẽ là “đôi cánh” giúp nền kinh tế Việt Nam bay lên trong thời gian tới. Để tiếp tục hoàn thiện "đôi cánh" này cần triển khai nhiều công việc, từ hoàn thiện thể chế, lập chương trình hành động, tiếp tục tham gia hiệp định thương mại tự do có tính chất quyết định để tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu…
	Nguồn Internet
Nguồn Internet

Hành trình của những khát vọng

- Điểm rất mới trong Văn kiện Đại hội lần thứ XIII của Đảng là khơi dậy khát vọng phát triển của dân tộc và đưa ra mục tiêu có tầm nhìn xa đến năm 2045. Ông suy nghĩ như thế nào về điều này?

- Điểm mới này được đưa ra trong Văn kiện Đại hội XIII của Đảng là hoàn toàn có cơ sở. Bởi 5 năm qua là một "nhiệm kỳ vàng", với những "thành tựu kép". Nước ta đã đạt được những thành tích đồng bộ của công cuộc cải cách khi vừa thúc đẩy được công tác xây dựng Đảng, phòng chống tham nhũng, lại vừa phát triển được kinh tế; vừa duy trì được ổn định kinh tế vĩ mô, hoạt động sản xuất kinh doanh, vừa phòng chống được dịch bệnh Covid - 19; đồng thời, vừa phát huy được nội lực, mở rộng hợp tác kinh tế.

Đáng chú ý, công tác phòng chống tham nhũng nhiệm kỳ này có bước chuyển biến tích cực, rõ nét, không chỉ có ý nghĩa đối với hoạt động xây dựng Đảng mà còn tạo ra môi trường kinh doanh bình đẳng, công bằng, tạo điều kiện cho sự phát triển kinh tế - xã hội. Cải cách thể chế cũng được đẩy mạnh trong nhiệm kỳ qua với những đợt sóng mạnh mẽ.

Đây là hành trang rất quan trọng để Đảng ta xác định các chiến lược phát triển đất nước trong nhiệm kỳ Đại hội XIII và tầm nhìn đến năm 2030, 2045. Lần đầu tiên trong chủ đề Đại hội lần thứ XIII của Đảng đã đề ra yêu cầu khơi dậy khát vọng Việt Nam, khát vọng hùng cường. Đây là thông điệp có sức thôi thúc mạnh mẽ. Lần đầu tiên chúng ta đưa ra tầm nhìn cho đến năm 2045, kỷ niệm 100 năm thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, tầm nhìn đó là, Việt Nam phải trở thành một nước phát triển có thu nhập cao. Có thể thấy, không chỉ riêng giai đoạn này, nhìn lại hành trình của dân tộc ta từ đầu thế kỷ XX sẽ thấy, đó là một hành trình của những khát vọng.

 - Hành trình khát vọng của dân tộc ta trong thế kỷ XX, cũng như thời gian qua trong hình dung của ông như thế nào? 

- Từ năm 1911 đến năm 1954 là hành trình thực hiện khát vọng tự do độc lập với nhiều dấu mốc quan trọng, khi Nguyễn Ái Quốc từ bến cảng Nhà Rồng ra đi tìm đường cứu nước, thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, rồi Người về nước, lãnh đạo Đảng và Nhân dân ta giành thắng lợi trong cuộc cách mạng tháng Tám năm 1945, thành lập Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Giai đoạn 1954 - 1975 là hành trình thực hiện khát vọng thống nhất đất nước. Và, từ năm 1986 - khi Đảng ta bắt đầu sự nghiệp đổi mới, là hành trình thực hiện khát vọng chiến thắng đói nghèo và cuối thập kỷ đầu tiên của thế kỷ XXI chúng ta đã trở thành nước có thu nhập trung bình. Bây giờ, chúng ta tiếp tục hành trình đưa đất nước hùng cường, xây dựng đất nước mạnh giàu, sánh vai với các cường quốc năm châu như Bác Hồ hằng mong muốn. 

Với ý nghĩa như vậy, Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng còn có ý nghĩa vô cùng quan trọng thúc đẩy hành trình khát vọng của dân tộc với mục tiêu đến năm 2045 Việt Nam trở thành nước phát triển có thu nhập cao - một quốc gia hưng thịnh, hùng cường, người dân ai ai cũng được hưởng cuộc sống ấm no, hạnh phúc.

Phát triển một bước về lý luận của mô hình phát triển

	Các đại biểu nghe tham luận trình bày tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng Ảnh: Lê Bình
Các đại biểu nghe tham luận trình bày tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng
Ảnh: Lê Bình

- Đại hội XIII đã thông qua Nghị quyết và các văn kiện định ra đường hướng, chiến lược phát triển đất nước với những quyết sách mạnh mẽ, tầm nhìn xa và khát vọng lớn lao. Bây giờ, như Tổng Bí thư, Chủ tịch Nước Nguyễn Phú Trọng đã nhiều lần nhấn mạnh, quan trọng nhất là đưa Nghị quyết, đưa tinh thần và quyết tâm của Đại hội vào cuộc sống. Theo ông, quá trình triển khai cần chú trọng điều gì?

- Tại Văn kiện của Đại hội lần này có một nội dung khác tôi đánh giá cao và thấy cần sớm cụ thể hóa là đưa ra khái niệm xây dựng và hoàn thiện thể chế thúc đẩy phát triển bền vững. Tại các đại hội trước mới đưa ra khái niệm xây dựng và hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa. Sự thay đổi này phù hợp với xu hướng phát triển của nhân loại. Việc xây dựng thể chế thúc đẩy phát triển bền vững và hướng tới một nền kinh tế theo định hướng xã hội chủ nghĩa không chỉ là nguyện vọng của Nhân dân ta, đất nước ta mà cũng là xu thế phát triển của thời đại.

Các tham luận trình bày tại Đại hội lần thứ XIII của Đảng, tôi rất mừng khi thấy nhiều tham luận đã đề cập các khía cạnh khác nhau của mô hình kinh tế phát triển của nước ta trong thời gian tới. Trong đó, mô hình được các đại biểu nhấn mạnh là phát triển nền kinh tế tuần hoàn để bảo đảm phát triển xanh, bền vững. Mặt khác, một số đại biểu cũng đề cập đến phát triển nền kinh tế số, đẩy mạnh chuyển đổi số. Hai hướng phát triển nêu trên đều rất quan trọng và là động lực chính cho sự phát triển của đất nước trong thời gian tới. Cụ thể, đổi mới, sáng tạo và phát triển kinh tế số là những yếu tố tạo nền tảng cho nước ta phát triển nhanh. Phát triển bền vững và nền kinh tế tuần hoàn sẽ bảo đảm cho nước ta có mô hình phát triển thân thiện với môi trường. Hai yếu tố này sẽ là “đôi cánh” để nền kinh tế Việt Nam bay lên trong thời gian tới. 

Chúng ta đều biết, sau những biến động vừa qua trong nền kinh tế, chính trị toàn cầu, những giá trị phát triển bền vững đang được đề cao và những giá trị của chủ nghĩa xã hội đang được coi trọng. Chính mô hình phát triển của Việt Nam là một mô hình phù hợp và được thế giới đánh giá cao. Đại hội lần thứ XIII của Đảng một lần nữa khẳng định con đường chúng ta đã chọn, mô hình chúng ta đã xây dựng; đồng thời, tại Văn kiện Đại hội đã có sự phát triển một bước về hệ thống lý luận của mô hình này.

Đây là nền tảng quan trọng để chúng ta tiếp tục hoàn thiện mô hình phát triển nền kinh tế theo hướng không chỉ chú trọng việc tăng trưởng và đạt lợi ích vật chất mà còn coi trọng những giá trị xã hội, cân bằng giữa kinh tế và môi trường, bảo đảm cuộc sống hạnh phúc cho tất cả mọi người. Như vậy, Đại hội lần này là một dấu mốc rất quan trọng trong hành trình tiến tới mục tiêu năm 2045 trở thành một nền kinh tế phát triển, có thu nhập cao, theo định hướng xã hội chủ nghĩa.

- Việt Nam đã ký kết, tham gia rất nhiều hiệp định thương mại tự do. Theo ông, trong bối cảnh thế giới và khu vực biến động khó lường như hiện nay, việc thực thi các hiệp định này có ý nghĩa như thế nào đối với sự phát triển của nước ta? 

- Các hiệp định thương mại tự do rất quan trọng đối với nền kinh tế Việt Nam. Trước hết, đây là động lực thúc đẩy cải cách thể chế ở nước ta trong những năm tiếp theo, cũng như để mở cửa thị trường của chúng ta. Trong bối cảnh đại dịch Covid - 19 xảy ra, chúng ta đã chứng kiến các thị trường lớn trên thế giới suy giảm, các thị trường nhập khẩu lớn đều khó khăn, các nước cạnh tranh về xuất khẩu đều giảm nhưng riêng Việt Nam vẫn tăng xuất khẩu. Đây là tác động trực tiếp của các hiệp định thương mại tự do.

Trong thời gian tới, nước ta sẽ phê chuẩn Hiệp định RCEP. Hiệp định này dù không đặt ra những chuẩn mực cao như Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu, Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương nhưng cũng mở một thị trường lớn, đặc biệt là cơ hội để tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Như chúng ta đã biết, các chuỗi trong sản xuất công nghiệp chủ yếu ở các nền kinh tế ở khu vực Đông Á như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc... Tham gia RCEP tạo điều kiện để chúng ta kết nối với các nền kinh tế, chuỗi sản xuất lớn nhất trong khu vực, tạo cơ hội phát triển cho Việt Nam.

Như vậy để thấy rằng, chúng ta phải tập trung triển khai tích cực, hiệu quả các hiệp định thương mại tự do đã ký kết, tranh thủ tối đa các cơ hội mà các hiệp định này mang lại để từ đó, tạo chuyển biến mạnh mẽ hơn nữa cho nền kinh tế Việt Nam trong thời gian tới.

 - Xin cảm ơn ông!

Thanh Hải ghi