Đời cây, đời người

- Chủ Nhật, 21/02/2021, 06:12 - Chia sẻ
Đã thành thông lệ, những ngày đầu xuân, nhiều địa phương trên cả nước phát động Tết trồng cây. Không chỉ lên kế hoạch trồng rừng, trồng cây tập trung trên địa bàn đô thị, khu công nghiệp, hành lang giao thông... nhiều tỉnh, thành phố vận động mỗi hộ gia đình, đảng viên, cộng đồng doanh nghiệp, cơ quan, đơn vị trồng và chăm sóc 5 - 7 cây, vừa làm cho môi trường thêm xanh - sạch - đẹp, vừa tăng thu nhập.

Đặc biệt, Tết trồng cây năm nay gắn liền với Chương trình trồng 1 tỷ cây xanh giai đoạn 2021 - 2025, vốn là sáng kiến của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc. Trên diễn đàn Quốc hội cuối năm ngoái, ông đưa ra đề xuất này sau khi chứng kiến những trận bão xảy ra ở miền Trung làm hơn 240 người chết và mất tích, nửa triệu ngôi nhà hư hỏng hoặc bị phá hủy, thiệt hại về cơ sở hạ tầng khoảng 1,3 tỷ USD - cho thấy sự mong manh, dễ tổn thương của môi trường, khí hậu và cả đời sống con người.

Việt Nam hiện nằm trong nhóm 6 quốc gia dễ bị ảnh hưởng nhất bởi biến đổi khí hậu và là 1 trong 9 quốc gia có ít nhất 50 triệu người sẽ phải hứng chịu tác động của biến đổi khí hậu. Không nghi ngờ gì nữa, rủi ro thiên tai và khí hậu chính là mối đe dọa trực tiếp cho khát vọng đưa Việt Nam trở thành quốc gia thu nhập cao. Thiệt hại trực tiếp và gián tiếp do thiên tai gây ra ảnh hưởng không chỉ đến khả năng chống chịu (ứng phó với thảm họa) và tính bền vững (không làm nguy hại đến tương lai) của nền kinh tế, mà còn đến năng lực duy trì tốc độ tăng trưởng nhanh và bao trùm. Tác động của suy thoái môi trường đến người dân cũng đang trở nên rõ ràng hơn, nhất là với người nghèo và yếu thế, những người vốn không có nhiều cơ chế ứng phó - như nguồn lực tài chính - để tự vệ, và họ thường sinh sống ở những nơi dễ bị ảnh hưởng bởi thiên tai. Theo ước tính của Ngân hàng Thế giới, đến năm 2030, trên 400 nghìn người dân Việt Nam có thể rơi vào tình trạng nghèo cùng cực do những hệ quả ngoài ý muốn liên quan đến biến đổi khí hậu.

Chỉ trong một thời gian ngắn gần đây, nhiều nước trên thế giới cũng chứng kiến những thảm họa rất hiện hữu trên diện rộng, có thể là hậu quả trực tiếp của biến đổi khí hậu. Những trận bão tuyết dữ dội chưa từng có ở nước Mỹ những ngày này một lần nữa nhắc chúng ta rằng biến đổi khí hậu đã cận kề và là vấn đề của hiện tại chứ không phải chuyện lâu dài dăm ba chục năm sau. Người xưa thường nói, đừng để nước đến chân mới nhảy nhưng giờ nước đã thật sự đến chân mọi người.

Biến đổi khí hậu đòi hỏi một tầm nhìn bao quát để điều chỉnh chính sách, chủ trương nhằm tìm cách tổ chức cuộc sống thích ứng với sự khắc nghiệt chắc chắn còn kéo dài của thiên nhiên; đồng thời đòi hỏi mỗi người trong chúng ta phải hành động từ việc nhỏ, ví dụ không dùng đồ nhựa một lần hay là trồng cây, gây rừng… Cây xanh cho con người bóng mát và không khí trong lành, chết cũng làm vật dụng cho con người. Cái duyên của một vùng đất, một thành phố lắm khi là nhờ màu xanh thanh bình của cây cối. Và hơn cả màu xanh, trồng cây, giữ rừng chính là kéo dài đời sống con người, bởi cây xanh sẽ kéo dài sự sống của trái đất - vốn đang “chết dần” vì biến đổi khí hậu, vì ô nhiễm môi trường.

Hà Lan