Sổ tay:

Đổi mới cách tiếp cận về giảm nghèo

- Thứ Tư, 12/05/2021, 07:09 - Chia sẻ
Đổi mới thực chất cách tiếp cận trong giảm nghèo bằng các chính sách hỗ trợ có điều kiện, giảm hỗ trợ cho không; lồng ghép các chương trình giảm nghèo, hỗ trợ tránh dàn trải, lãng phí là những góp ý của các chuyên gia xung quanh dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về đẩy mạnh thực hiện mục tiêu giảm nghèo đa chiều, bao trùm, bền vững đến năm 2030.

Kết quả thực hiện Nghị quyết số 76/2014/QH13 ngày 24.6.2014 về đẩy mạnh thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững đến năm 2020 cho thấy: Giai đoạn 2016 - 2020, các kết quả giảm nghèo đạt và vượt mục tiêu, chỉ tiêu Quốc hội, Chính phủ giao. Tỷ lệ hộ nghèo là 9,88% năm 2015 (năm đầu kỳ) giảm xuống còn 2,75% năm 2020 (năm cuối kỳ), trong 5 năm giảm bình quân 1,43%/năm; tỷ lệ hộ nghèo dân tộc thiểu số giảm bình quân 4%/năm; tỷ lệ hộ nghèo ở các huyện nghèo giảm bình quân 5,65%/năm, vượt chỉ tiêu Quốc hội giao (giảm bình quân 4%/năm).

Để có được kết quả này, Chính phủ đã ban hành một loạt các văn bản quy phạm pháp luật; chương trình, đề án liên quan đến giảm nghèo chung, nhằm hỗ trợ toàn diện cho người nghèo thuộc các lĩnh vực dạy nghề, tạo việc làm, tín dụng ưu đãi, giáo dục, y tế, nhà ở, nước sạch, môi trường, thông tin truyền thông, trợ giúp pháp lý, trợ giúp xã hội, giải quyết đất ở, đất sản xuất, giao rừng... Bên cạnh các chính sách chung, các chính sách giảm nghèo đặc thù cũng được chú trọng ban hành, ưu tiên đối với các đối tượng yếu thế, vùng đồng bào dân tộc, vùng đặc biệt khó khăn.

Với nỗ lực chung, Việt Nam được đánh giá là điểm sáng trong công tác giảm nghèo. Cho đến nay Việt Nam đã 8 lần ban hành chuẩn nghèo quốc gia theo mô hình tháp giảm nghèo, đáp ứng nhu cầu người nghèo từ thấp lên cao, phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của đất nước từng giai đoạn. Tuy nhiên, quá trình thực hiện chính sách pháp luật về giảm nghèo cho thấy, kết quả giảm nghèo chưa bền vững, nguy cơ tái nghèo còn cao, chênh lệch giàu - nghèo còn lớn; việc giảm nghèo tại vùng “lõi nghèo” có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, địa lý hiểm trở, chia cắt, vùng đồng bào dân tộc ít người còn nhiều thử thách... 

Hiện Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đang xây dựng Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về đẩy mạnh thực hiện mục tiêu giảm nghèo đa chiều, bao trùm, bền vững đến năm 2030. Trong đó, đã đạt ra nhiều mục tiêu quan trọng như: Hằng năm giảm tỷ lệ nghèo đa chiều từ 1 - 1,5%, hạn chế tình trạng tái nghèo và phát sinh nghèo; đến năm 2025, tỷ lệ hộ nghèo đồng bào dân tộc thiểu số giảm bình quân trên 3%/năm; 50% huyện nghèo, 50% xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo thoát khỏi tình trạng khó khăn. Đặc biệt, đến năm 2030, phấn đấu cơ bản các huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo thoát khỏi tình trạng khó khăn, xây dựng tiêu chí nông thôn mới.

Góp ý vào Dự thảo này, nhiều chuyên gia cho rằng, cần đổi mới thực chất cách tiếp cận trong giảm nghèo bằng các chính sách hỗ trợ có điều kiện, từng bước xóa bỏ chính sách hỗ trợ cho không, khuyến khích người dân làm giàu theo pháp luật, xây dựng mô hình hợp tác xã, tổ hợp tác, tổ tự quản giúp đỡ nhau thoát nghèo; đồng thời cần lồng ghép các chương trình hỗ trợ để tránh sự dàn trải, lãng phí như Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo và an sinh xã hội bền vững cần được lồng ghép với 2 chương trình, gồm: Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số, miền núi và Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.

Phạm Hải