Đổi mới cơ chế phân cấp ngân sách nhà nước

- Thứ Năm, 02/12/2021, 08:11 - Chia sẻ
2021 tiếp tục là năm khó khăn do ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19, cũng là năm kéo dài thời kỳ ổn định ngân sách. Trong bối cảnh nguồn thu ngân sách nhà nước (NSNN) hạn hẹp, dự báo khả năng dư địa tăng thu ở địa phương không nhiều, ngân sách Trung ương tiếp tục phải hỗ trợ các địa phương chưa thể tự cân đối ngân sách. Vì vậy, tại Kỳ họp thứ Hai, Quốc hội Khóa XV, nhiều đại biểu Quốc hội (ĐBQH) đề nghị, cần có giải pháp bảo đảm tính chủ đạo của ngân sách Trung ương theo quy định của Hiến pháp và Luật Ngân sách nhà nước. Đồng thời, cần sớm sửa đổi Luật Ngân sách nhà nước và các văn bản pháp luật có liên quan để tiếp tục đổi mới cơ chế phân cấp NSNN.

Khắc phục bất cập trong giao chỉ tiêu ngân sách

Theo báo cáo đánh giá tình hình thực hiện NSNN năm 2021, dự toán NSNN, phương án phân bổ ngân sách Trung ương năm 2022 và kế hoạch tài chính NSNN 3 năm 2022 - 2024 của Chính phủ trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ Hai, năm 2022, cả nước có 18 tỉnh, thành phố nộp ngân sách về Trung ương và được phân chia tỷ lệ điều tiết ngân sách, tăng hai địa phương so với năm 2021. Thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội và dự toán NSNN năm 2022 tại Kỳ họp thứ Hai vừa qua, ĐBQH Nguyễn Thị Yến (Bà Rịa - Vũng Tàu) khẳng định, đây là tín hiệu rất đáng mừng. Tuy nhiên, trong điều kiện dịch bệnh còn diễn biến phức tạp, các tỉnh, thành phố phải ưu tiên ngân sách chi cho công tác phòng, chống dịch, triển khai nguồn vốn theo kế hoạch đầu tư công trung hạn đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Vì vậy, Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương cần quan tâm, cân nhắc tỷ lệ điều tiết ngân sách cho phù hợp trong thời gian tới.

Việc thực hiện tỷ lệ điều tiết không phù hợp sẽ hạn chế sự phát triển của các địa phương. Minh chứng cho luận điểm này, ĐBQH Bùi Xuân Thống (Đồng Nai) nêu ví dụ, năm 2020, Đồng Nai được giao chỉ tiêu thu là 47.185 tỷ đồng, tỷ lệ điều tiết là 47%, dự toán năm 2022 là 58.032 tỷ đồng, tăng gần 23%, nhưng tỷ lệ điều tiết từ 47% giảm xuống 45%. “Với việc giao chỉ tiêu tăng và giảm tỷ lệ điều tiết như trên thì Đồng Nai rất khó khăn về nguồn lực để phát triển.

Trong khi các địa phương như TP. Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương sau đợt dịch thứ tư vừa qua đã bị tổn thương nặng nề về kinh tế - xã hội, cần rất nhiều nguồn lực để nhanh chóng phục hồi kinh tế, bảo đảm an sinh, để người lao động yên tâm quay trở lại khôi phục sản xuất”. Theo đó, đại biểu Bùi Xuân Thống kiến nghị, Chính phủ cần xem xét lại việc giao chỉ tiêu thu ngân sách phù hợp, khắc phục những bất cập trong giao chỉ tiêu này. Bên cạnh đó, cần xem xét nâng tỷ lệ điều tiết ngân sách phù hợp cho các tỉnh trong khu vực kinh tế trọng điểm phía Nam để có nhiều cơ hội đóng góp xứng đáng hơn vào sự phát triển của đất nước.

Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 diễn biến khó lường, nhiệm vụ chi thuộc ngân sách Trung ương là rất nặng nề. Vì vậy, ĐBQH Hồ Thị Kim Ngân (Bắc Kạn) kiến nghị, cần chủ động cân đối, bảo đảm tập trung nguồn lực NSNN, ngân sách Trung ương đủ mạnh để thực hiện các nhiệm vụ tăng cường nguồn lực dự trữ quốc gia. Đại biểu cũng nhấn mạnh, cần tiếp tục cơ cấu lại NSNN theo hướng hiệu quả, an toàn và bền vững, góp phần củng cố nền tảng vĩ mô, thúc đẩy tăng trưởng, giải quyết các vấn đề an sinh xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh.

Sớm sửa Luật Ngân sách nhà nước 

Ngân sách Trung ương giữ vai trò chủ đạo, bảo đảm thực hiện các nhiệm vụ chi quốc gia, hỗ trợ địa phương chưa cân đối được ngân sách và hỗ trợ các địa phương theo quy định. Tuy nhiên, trong các báo cáo về đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025, cơ cấu NSNN, vốn đầu tư nguồn ngân sách Trung ương chỉ bằng 44,4%, nguồn ngân sách địa phương đạt 55,6% tổng số thực hiện.

Để bảo đảm cơ cấu vốn ngân sách Trung ương và ngân sách địa phương đạt được như Nghị quyết của Quốc hội về kế hoạch đầu tư công đặt ra, bảo đảm vai trò chủ đạo của ngân sách Trung ương, đại biểu Hồ Thị Kim Ngân đề nghị, Chính phủ nghiên cứu sớm sửa đổi Luật Ngân sách nhà nước, quán triệt phân cấp NSNN theo hướng phải bảo đảm vai trò chủ đạo của ngân sách Trung ương. Đồng thời, rà soát, đề xuất sửa đổi các luật có liên quan để phân định rõ hơn quyền và trách nhiệm giữa Trung ương và địa phương; cân nhắc trong việc điều tiết khoản thu ngân sách Trung ương về địa phương nhằm bảo đảm vai trò chủ đạo của ngân sách Trung ương, vừa bảo đảm cho phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.

Thời gian qua, cơ chế phân cấp ngân sách giữa trung ương và địa phương đã đạt nhiều kết quả tích cực. Luật Ngân sách nhà nước cũng đã phân cấp mạnh hơn giữa ngân sách Trung ương và ngân sách địa phương theo nguyên tắc ngân sách Trung ương giữ các nguồn thu quan trọng và phải đảm nhận các khoản chi chủ yếu. Tuy nhiên, đến nay, cơ chế phân cấp ngân sách đã bộc lộ những bất cập, đó là vai trò chủ đạo của ngân sách Trung ương giảm, làm giảm khả năng, vai trò định hướng của ngân sách Trung ương, giảm khả năng đầu tư dứt điểm các công trình trọng điểm, mang tính đột phá đối với sự phát triển của nền kinh tế...

Bên cạnh đó, do phạm vi nguồn lực chính quyền địa phương được hưởng, nhất là đối với các tỉnh, thành phố nhận số bổ sung từ ngân sách Trung ương, cũng như cơ chế phân cấp tương đối đặc thù (không phân chia theo sắc thuế mà phân chia theo tổng nguồn thu trên địa bàn), nên vai trò của chính quyền địa phương trong việc quyết định nguồn thu và nhiệm vụ chi tương đối hạn chế.

Thực tế cho thấy, trong một số năm gần đây, tỷ trọng chi đầu tư nguồn ngân sách Trung ương trong tổng chi đầu tư phát triển nguồn NSNN có xu hướng giảm dần. Điều này thể hiện sự khó khăn của ngân sách Trung ương, chưa bảo đảm vai trò chủ đạo, khó thực hiện tốt các nhiệm vụ chi đầu tư phát triển nguồn ngân sách Trung ương theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước. Báo cáo giải trình của Ủy ban Tài chính - Ngân sách về dự toán NSNN năm 2022 cho biết, tỷ trọng thu ngân sách Trung ương trong tổng thu NSNN có xu hướng giảm nhanh, từ khoảng 62,7% năm 2011 xuống 54,2% năm 2016 và 52,2% năm 2020.

Với khung cân đối NSNN 3 năm 2022 - 2024 và cơ chế phân cấp hiện hành, tỷ trọng dự toán thu ngân sách Trung ương trong tổng dự toán thu NSNN bình quân khoảng 52,7%; tỷ trọng chi ngân sách Trung ương bình quân khoảng 60,7% tổng dự toán chi NSNN. Tuy nhiên, sau khi bổ sung cân đối cho các địa phương, thì chi ngân sách Trung ương bình quân chỉ còn khoảng 47,7% tổng chi NSNN và có xu hướng giảm, làm hạn chế việc điều tiết, thực hiện các chính sách lớn do Trung ương ban hành.

Trong Nghị quyết số 34/2021/QH15 về dự toán NSNN năm 2022 được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ Hai, Quốc hội giao Chính phủ sớm nghiên cứu, đề xuất sửa đổi Luật Ngân sách nhà nước và các văn bản pháp luật có liên quan để đổi mới cơ chế phân cấp NSNN, cơ bản khắc phục tình trạng lồng ghép trong quản lý NSNN, tăng cường vai trò chủ đạo của ngân sách Trung ương, đồng thời nâng cao tính chủ động cho các địa phương; nghiên cứu, đề xuất sửa đổi các luật thuế và các quy định liên quan để mở rộng cơ sở thu, chống xói mòn nguồn thu, bao quát khu vực kinh tế phi chính thức, các hoạt động thương mại điện tử; áp dụng mức thuế suất hợp lý, khai thác hiệu quả nguồn lực từ đất đai và phát triển kết cấu hạ tầng.

Nghị quyết của Quốc hội cũng giao Chính phủ tiếp tục cơ cấu lại thu NSNN theo hướng bền vững; tập trung chỉ đạo quyết liệt để thực hiện nghiêm Luật Quản lý thuế, chống thất thu, chống chuyển giá, trốn thuế, gian lận thương mại. Đôn đốc thu hồi nợ thuế, giảm nợ đọng thuế, tăng thu NSNN để bổ sung nguồn lực cho phòng, chống dịch Covid-19 và phục hồi kinh tế - xã hội. Kiểm soát chặt chẽ việc hoàn thuế giá trị gia tăng. Tiếp tục cải cách thủ tục hành chính về thuế, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý thuế. Thực hiện nghiêm quy định về đấu giá khi thực hiện bán, chuyển nhượng, cho thuê tài sản công, giao đất, cho thuê đất theo quy định của pháp luật. Đẩy nhanh tiến độ cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại các doanh nghiệp. Siết chặt kỷ luật, kỷ cương, tăng cường trách nhiệm người đứng đầu trong quản lý, sử dụng tài chính, ngân sách.

Nghị quyết của Quốc hội là căn cứ để Chính phủ điều hành chi NSNN chặt chẽ, tiết kiệm, hiệu quả dành nguồn lực cho phòng, chống dịch Covid-19, phục hồi kinh tế và dự phòng cho các trường hợp bất khả kháng, khắc phục hậu quả thiên tai trong thời gian tới.

Nhật An