Đổi mới cơ chế tài chính cho phát triển khoa học công nghệ

- Thứ Bảy, 09/06/2012, 08:44 - Chia sẻ
Những vướng mắc trong huy động vốn, những bất cập về cơ chế tài chính cho hoạt động KH - CN là những vấn đề được các đại biểu đưa ra thảo luận tại Hội thảo Đầu tư và cơ chế tài chính phát triển KH - CN do Ban Tuyên giáo Trung ương phối hợp với Bộ KH - CN tổ chức ngày 5.6 vừa qua.

Vốn cho KHCN hạn chế

Phát biểu tại hội thảo, Bộ trưởng Bộ KH - CN Nguyễn Quân cho biết: trong những năm qua, KH - CN đã có bước phát triển mạnh, đạt được nhiều thành tựu quan trọng, đóng góp thiết thực vào sự phát triển kinh tế - xã hội, đưa nước ta từ một nước kém phát triển gia nhập nhóm nước có thu nhập trung bình. Sau Hội nghị Trung ương 2 khóa VIII, đầu tư cho KH - CN đã được đánh giá đúng mức, theo đó dành 2% tổng chi ngân sách hàng năm cho KH - CN.



Nguồn: tinhte.vn

Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, mức đầu tư 2% là quá khiêm tốn. Nếu tính bình quân đầu người thì đầu tư cho KH - CN của Việt Nam chỉ khoảng 0,7 - 10 USD, trong khi các nước khác ở mức 150 - 200 USD. Theo đó, tổng đầu tư cho KH - CN của Việt Nam gần như thấp nhất khu vực và thế giới. Bên cạnh đó, mặc dù vốn đầu tư cho KH - CN đã dần tăng, nhưng thực tế còn thấp nhiều so với yêu cầu và việc sử dụng vẫn còn nhiều bất hợp lý, hiệu quả chưa cao. Vốn đầu tư cho hoạt động KH - CN vẫn dựa vào ngân sách nhà nước là chính và chưa có được những chính sách, biện pháp hợp lý để huy động nguồn lực của toàn xã hội để đầu tư phát triển KH - CN.

Bộ trưởng Nguyễn Quân thừa nhận: hiện nay, ngoài nguồn tài chính từ ngân sách nhà nước, thì việc huy động nguồn lực của xã hội và doanh nghiệp cho hoạt động KH - CN vẫn chưa nhiều. Qua khảo sát có thể thấy nhiều quốc gia có mức đầu tư từ xã hội gấp 5 - 10 lần đầu tư từ ngân sách nhà nước, thậm chí, nhiều doanh nghiệp còn đầu tư cho KH - CN với mức tuyệt đối lớn hơn đầu tư ngân sách. Điển hình như Tập đoàn Samsung của Hàn Quốc đầu tư 1 tỷ USD/năm cho phát triển KH - CN, lớn hơn nhiều so với mức đầu tư từ ngân sách của Việt Nam. Nói như vậy để thấy nguồn lực cho đầu tư KH - CN của Việt Nam không chỉ thiếu về lượng mà còn yếu về khả năng huy động sự góp sức từ xã hội.

Ngay như mục tiêu chiến lược phát triển KH - CN từ 2003 tới 2010 phải đạt 1,5% GDP cho đầu tư KH - CN, 2020 là 2% GDP, song con số này còn khá xa so với thực tế mức tổng đầu tư xã hội hiện nay chưa đạt tới 1% GDP, trong đó, quá nửa đầu tư là từ ngân sách nhà nước, còn lại từ doanh nghiệp. Theo tính toán, để đạt mục tiêu trên, tổng đầu tư xã hội sẽ phải tăng với tốc độ trên 2%/năm.

Cần thay đổi cơ chế

Nhiều ý kiến cho rằng, những năm qua, đầu tư cho KH - CN chủ yếu từ ngân sách nhà nước nên chịu sự ràng buộc về quy chế tài chính của ngân sách, nhiều khi chưa hợp lý nhưng chưa được sửa đổi, bổ sung kịp thời. Nội dung, định mức và thủ tục chi còn nhiều bất cập. Đơn cử như việc trả tiền cho việc mời đại biểu tham gia hội nghị chỉ được phép chi 70 nghìn đồng/người/ngày. Với mức chi như vậy hỏi rằng trong thời buổi giá cả leo thang như hiện nay có phù hợp không (?!). Theo ông Lê Công Lý - Phó giám đốc Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh, cơ chế khoa học không nên quy định cứng mà quy định rộng ra, giao cho chủ nhiệm đề tài chủ động trong 1 khoản nào đó…

Nhìn ở khía cạnh khác, giáo sư, Viện sĩ Nguyễn Văn Hiệu nhấn mạnh: sự cần thiết phải thay đổi quan điểm về đầu tư cho KH - CN là chú trọng đầu tư cơ sở vật chất kỹ thuật. Quan trọng hơn là đầu tư con người để sử dụng hiệu quả cơ sở vật chất kỹ thuật đó và đó mới là yếu tố quyết định sự thành công của phát triển KH - CN.

Liên quan đến việc doanh nghiệp được trích tối đa 10% lợi nhuận trước thuế cho KH - CN, không ít ý kiến cho rằng, quy định như vậy là chưa hợp lý, không ít doanh nghiệp không trích cũng không sao. Để nâng cao hiệu quả hoạt động nghiên cứu khoa học, cần quy định mức trích tối thiểu là 5% và theo đó nếu tuân thủ nghiêm thì nguồn lực đầu tư cho KH - CN từ các doanh nghiệp sẽ khá dồi dào. Cùng với đó, theo TS Phạm Thị Thu Hằng - Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam: để thúc đẩy hoạt động đầu tư, đổi mới KH - CN trong doanh nghiệp, ngoài sự quyết tâm, nỗ lực từ chính bản thân các doanh nghiệp nhất thiết cần phải có cơ chế, chính sách hỗ trợ từ phía Nhà nước. Trong đó, trước tiên là cần thực hiện chính sách miễn, giảm thuế đối với doanh nghiệp trong quá trình thử nghiệm ứng dụng công nghệ mới và giai đoạn đầu của quá trình sản xuất sản phẩm đại trà. Cần xây dựng cơ chế tài chính đặc thù cho các doanh nghiệp thực hiện việc đầu tư đổi mới công nghệ. Nhà nước có thể mua lại các sản phẩm KH - CN của doanh nghiệp theo cơ chế khoán hoặc đặt hàng trong quá trình doanh nghiệp chế biến chạy thử công nghệ mới.

Đề cập đến nguồn lực đầu tư phát triển KH - CN, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Thị Minh cho biết: sẽ sớm hoàn thiện các quỹ phát triển KH - CN. Cụ thể, xây dựng chức năng nhiệm vụ của quỹ đổi mới công nghệ quốc gia, huy động các nguồn lực ngoài ngân sách nhà nước, thực hiện nhiệm vụ cho vay và bảo lãnh vốn vay. Nghiên cứu sửa đổi các chính sách khuyến khích các doanh nghiệp trích lập và sử dụng có hiệu quả quỹ phát triển KH - CN. Đồng thời, nâng cao hiệu quả công tác thanh tra, kiểm tra định kỳ kết quả hoạt động KH - CN, đánh giá nghiệm thu chất lượång, kết quả nghiên cứu và hỗ trợ ứng dụng.

Một vấn đề nữa được các đại biểu đặc biệt quan tâm và kiến nghị, đó là cần cải cách, đổi mới cơ chế phân bổ và phê duyệt các đề án, dự án KH - CN. Thực tế là các đề án, dự án trình lên, thời gian chờ phê duyệt mất quá lâu, thậm chí lâu đến mức từ khi trình lên đến lúc phê duyệt thì đã lạc hậu mất rồi.

Theo Phó trưởng Ban Tuyên giáo TƯ Phạm Văn Linh, để đổi mới hoạt động đầu tư và tháo gỡ những vướng mắc về cơ chế tài chính cho phát triển KH - CN cần thực hiện các nhóm giải pháp sau: nâng cao nhận thức về đầu tư và cơ chế tài chính cho KH - CN; có cơ chế tài chính phù hợp để nhà khoa học sống được bằng nghề của mình; tập trung đổi mới cơ chế tài chính, cơ chế đầu tư cho KH -CN; chú trọng đến sản phẩm đầu ra của đề tài, dự án KH - CN; huy động tối đa nguồn lực của toàn xã hội đầu tư cho KH - CN; có cơ chế đặc thù với khu vực tư nhân; có chính sách ưu đãi đối với những lĩnh vực ưu tiên, trọng điểm; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc sử dụng kinh phí đi đôi với công tác thi đua khen thưởng.

Chí Tuấn