Đổi mới mô hình đào tạo nguồn nhân lực

- Thứ Sáu, 14/05/2021, 08:33 - Chia sẻ
Hợp tác với doanh nghiệp, tập đoàn công nghệ hàng đầu thế giới xây dựng mô hình phòng thí nghiệm công nghiệp số tại các trường đại học sẽ giúp cung cấp và nâng cao kiến thức về công nghệ số cũng như kỹ năng thực hành cho sinh viên trong thực tiễn.

Chuẩn bị nguồn nhân lực chất lượng cao

Quan điểm chỉ đạo của Chính phủ tại Đề án nâng cao chất lượng giáo dục đại học giai đoạn 2019 - 2025 của Việt Nam là “tăng cường gắn kết giữa cơ sở giáo dục đại học và người sử dụng lao động trong toàn bộ quá trình đào tạo” nhằm mục tiêu “tạo sự chuyển biến mạnh mẽ, thực chất về chất lượng đào tạo, nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ của hệ thống giáo dục đại học đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực; góp phần nâng cao chất lượng và năng suất lao động”.

Cách mạng Công nghiệp lần thứ Tư tạo nên cuộc cải cách đáng kể về công nghệ sản xuất. Trong đó, “nhà máy thông minh” là một cơ sở cho sản xuất được số hóa và kết nối cao, sử dụng công nghệ như trí tuệ nhân tạo (AI), robot, phân tích, dữ liệu lớn và internet vạn vật (IoT) để có thể tự vận hành và tự điều chỉnh trong sản xuất. Việc sử dụng rộng rãi các cảm biến và thiết bị IoT kết nối các máy móc và cho phép hiển thị tình trạng của máy móc cũng như các quy trình của nhà máy, tạo ra một mạng internet công nghiệp (IIoT).

 Theo FMI (Future Market Insights), thị trường "nhà máy thông minh" toàn cầu có giá trị 51 tỷ USD vào năm 2014 và dự kiến sẽ tăng với tốc độ 13,3% mỗi năm cho đến năm 2025. Đầu tư nhà máy thông minh là một xu hướng phát triển mới mẻ tại Việt Nam và được xây dựng tại các công ty có thương hiệu lớn, hoặc công ty có vốn đầu tư tư nước ngoài.

  Những ứng dụng công nghệ đã được doanh nghiệp đưa vào thực tế sản xuất nhưng theo các chuyên gia, để đạt được trình độ sản xuất tiên tiến như "nhà máy thông minh" đúng nghĩa thì cần có quá trình phát triển mạnh mẽ về cơ sở hạ tầng, máy móc thiết bị và đặc biệt là nguồn nhân lực lao động chất lượng cao có khả năng làm chủ công nghệ mới. Chính vì vậy, mục tiêu hợp tác là xây dựng mô hình phòng thí nghiệm công nghiệp số tại các trường đại học nhằm cung cấp và nâng cao kiến thức về công nghệ số cũng như kỹ năng thực hành cho sinh viên trong hoạt động sản xuất thực tiễn. Phòng thí nghiệm sẽ là nơi hợp tác đào tạo giữa các viện, khoa trong trường và giữa trường với các doanh nghiệp bên ngoài. Kết quả đầu ra của các phòng thí nghiệm ứng dụng công nghệ 4.0 làm tăng số công trình khoa học được công bố trên các tạp chí uy tín quốc tế, nâng cao chất lượng đào tạo sau đại học, góp phần giữ vững và tăng vị trí xếp hạng quốc tế của các trường, nâng cao vị thế của khoa học Việt Nam trong khu vực và trên thế giới.

Mô hình đào tạo nguồn nhân lực tại Việt Nam trong giai đoạn Cách mạng Công nghiệp lần thứ Tư cần tập trung tăng cường năng lực nghiên cứu cho các nhóm nghiên cứu; hình thành tổ hợp nhóm nghiên cứu mạnh trong các trường đại học. Tăng cường quan hệ hợp tác trong và ngoài nước và các doanh nghiệp để tạo ra khả năng nhạy bén hơn với các vấn đề mới trong lĩnh vực khoa học và công nghệ, tạo thế mạnh luôn đi đầu trong các lĩnh vực nghiên cứu và giảng dạy.

Đáp ứng quá trình chuyển đổi số

Cùng với đó, phát triển các trường đại học nghiên cứu đa lĩnh vực với nòng cốt là kỹ thuật và công nghệ, trong đó các đơn vị chuyên môn được tổ chức thành một số trường, khoa, viện và trung tâm nghiên cứu trực thuộc. Xây dựng hình mẫu thành công, phát triển bền vững của một đại học tự chủ toàn diện với mô hình quản trị tiên tiến, hệ thống tài chính vững mạnh, hạ tầng khuôn viên và cơ sở vật chất hiện đại ngang tầm khu vực. Xây dựng môi trường học thuật sáng tạo, cởi mở và quốc tế hóa; thu hút sinh viên ưu tú, học giả xuất sắc trong nước và quốc tế và nâng chất lượng của tất cả các chương trình đào tạo đạt mức cao theo các tiêu chuẩn kiểm định khu vực hoặc quốc tế; đưa các trường lên nhóm đầu khu vực theo xếp hạng khả năng việc làm của người tốt nghiệp. Hình thành một trung tâm sáng tạo công nghệ xuất sắc của khu vực, thu hút mạnh tài trợ và đầu tư; đưa hệ thống giáo dục quốc gia lên nhóm đầu khu vực theo xếp hạng năng lực sáng tạo đồng thời trọng tâm cho sáng tạo và chuyển giao công nghệ phải đến từ hệ thống các trường đại học.

Việc đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cần phải hướng tới những mục tiêu phát triển cụ thể của đất nước trong những năm tới như đường sắt tốc độ cao Bắc Nam, Cảng Hàng không quốc tế Long Thành, tổng quy hoạch phát triển điện năng, năng lượng tái tạo... Theo hướng chuyển đổi số và ứng dụng mạnh mẽ thành tựu của cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ Tư, tất cả các dự án trọng điểm quốc gia này đều có tỷ trọng nhất định dành cho công nghiệp chế biến chế tạo trong nước tham gia nên phải đào tạo đón đầu trong công cuộc đổi mới và phát triển của đất nước.

Đồng hành với nhiều doanh nghiệp hàng đầu về công nghệ, khoa học tiên tiến là yếu tố tất yếu để rút ngắn thời gian tiếp cận thị trường. Cập nhật nhanh các chương trình đào tạo, nghiên cứu từ thực tiễn của các doanh nghiệp hàng đầu trên thế giới cũng chính là bước đi đột phá nhằm đạt tiêu chí rất quan trọng là tỷ lệ phần trăm sinh viên có việc làm ngay trong năm đầu tiên sau khi ra trường. Đây cũng chính là tiêu chí của hầu hết các trường đại học trên thế giới.

Với chiến lược chuyển đổi số và đổi mới phương thức đào tạo, nhiều trường đại học trong cả nước đã, đang và sẽ làm làm việc với các tập đoàn công nghệ hàng đầu thế giới để xây dựng thêm nhiều phòng thí nghiệm ứng dụng công nghệ 4.0 để chuẩn bị nguồn cung cấp nguồn lực chất lượng cao đáp ứng quá trình chuyển đổi số.

TS. Nguyễn Hoàng Hiệp - Đại học Lincoln - Malaysia