Đổi mới nhận thức và hành động, tạo dựng nền giáo dục chất lượng

- Chủ Nhật, 05/09/2021, 06:50 - Chia sẻ
Chia sẻ với Báo Đại biểu Nhân dân nhân dịp năm học mới 2021 - 2022, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo NGUYỄN KIM SƠN khẳng định, để tạo dựng một nền giáo dục chất lượng theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, việc cần làm ngay là đổi mới về nhận thức và hành động trong mọi việc; tất cả chính sách, hoạt động phải lấy mục đích giải quyết các vấn đề thực tiễn làm cơ sở.

Trước mắt chúng ta sẽ là một năm học đầy thử thách. Mỗi thầy cô giáo thời gian qua đã rất tâm huyết, năng động, không ngại khó, đang thích ứng nhanh với công nghệ và môi trường làm việc trực tuyến. Tôi mong rằng, các thầy cô sẽ tiếp tục phát huy tối đa tinh thần trách nhiệm này, linh hoạt, chủ động, sáng tạo trong giảng dạy để đạt được mục tiêu về chất lượng.

Với các em học sinh và các bậc phụ huynh, tôi mong các em và các vị phụ huynh sẽ bằng những cách khác nhau khắc phục khó khăn về điều kiện học tập để thích nghi, không bị gián đoạn quá trình học tập, và quan trọng hơn là các em có thể tìm thấy niềm vui trong việc học tập và rèn luyện mới.

Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo NGUYỄN KIM SƠN

Ưu tiên số 1 của giáo dục phổ thông là dạy người

-  Năm học 2021 - 2022 được dự báo tiếp tục gặp khó khi dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp, học sinh có thể phải học trực tuyến, thi trực tuyến. Xin Bộ trưởng cho biết, ngành giáo dục đã có sự chuẩn bị như thế nào để đạt mục tiêu, nhiệm vụ năm học, giữ và nâng cao chất lượng giáo dục trong bối cảnh dịch bệnh?

- Trước diễn biến khó lường của dịch bệnh Covid-19, ngay từ năm học 2020 - 2021, ngành giáo dục đã chuyển trạng thái, linh hoạt phương pháp đào tạo, tập trung để làm tốt cả hai việc: Cố gắng theo đuổi mục tiêu chất lượng giáo dục và bảo đảm an toàn cho thầy và trò. Theo đó, hình thức dạy học trực tuyến đã trở thành một phần quan trọng trong triển khai kế hoạch năm học của ngành. Không chỉ là giải pháp tình thế trong điều kiện học sinh phải tạm dừng đến trường, dạy học trực tuyến được xác định là việc lâu dài để vừa thích ứng vừa triển khai chuyển đổi số để phát triển.

Thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục rà soát để có những điều chỉnh, bổ sung phù hợp, trong đó chú trọng hướng dẫn, tập huấn về dạy học trực tuyến cho đội ngũ giáo viên. Để việc dạy và học trực tuyến hiệu quả hơn, Bộ GD - ĐT sẽ tăng cường kho học liệu số, bài giảng trên truyền hình và các hoạt động hỗ trợ khác. Cùng với các giải pháp cấp bách, ngành giáo dục cũng có kế hoạch triển khai các hoạt động lâu dài để tăng cường chuyển đổi số trong quản trị, quản lý giáo dục; triển khai hệ thống thông tin quản lý giáo dục toàn ngành.

Để giữ và nâng cao chất lượng giáo dục trong bối cảnh dịch bệnh, tôi mong các địa phương quan tâm và chủ động triển khai dạy học trực tuyến, nhanh chóng giải quyết các vấn đề phát sinh trong quá trình thực hiện. Đặc biệt, cần quan tâm hỗ trợ các trường hợp học sinh và gia đình khó khăn, thiếu phương tiện học tập, tổ chức các nhóm học tập an toàn, chia sẻ phương tiện và hỗ trợ phương pháp học tập.

Về phía phụ huynh học sinh, khi học trực tuyến, mong các bậc phụ huynh đồng hành với ngành giáo dục, quan tâm, phối hợp với nhà trường hơn nữa trong quá trình học của con trẻ, nhất là đối với giáo dục mầm non và tiểu học.

- Năm học 2021 - 2022 sẽ triển khai Chương trình giáo dục phổ thông mới ở lớp 2 và lớp 6; đồng thời tiếp tục chuẩn bị các điều kiện triển khai cho những lớp tiếp theo. Ngành giáo dục đã làm gì để thực hiện nhiệm vụ này, thưa Bộ trưởng?

- Sau một năm triển khai Chương trình giáo dục phổ thông mới với lớp 1, Bộ GD - ĐT đã tổ chức hội nghị tổng kết với các địa phương để đánh giá, rút kinh nghiệm cho việc triển khai ở những lớp tiếp theo. Kết quả triển khai năm đầu tiên cho thấy, hầu hết địa phương đã dồn nguồn lực về cơ sở vật chất và đội ngũ giáo viên cho lớp 1, lớp 2. 

Trước những khó khăn đặt ra về cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên của địa phương, Bộ GD - ĐT sẽ có kế hoạch và tham mưu để tháo gỡ. Tuy nhiên, sự chủ động và phối hợp của địa phương là rất quan trọng. Vì vậy, tôi mong các địa phương đã dành sự quan tâm ưu tiên, thì sẽ quan tâm ưu tiên hơn nữa cho lần đổi mới quan trọng này. Bộ GD - ĐT sẽ làm việc với hệ thống các trường đại học sư phạm để trao đổi về các nội dung tập huấn, bồi dưỡng giáo viên; cũng như phát triển các ngành đào tạo thuộc nhóm sư phạm để từng bước giải quyết vấn đề thiếu giáo viên, đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục phổ thông những năm tiếp theo.

Dù quá trình triển khai còn gặp nhiều khó khăn, đặc biệt trong tình hình dịch bệnh như hiện nay, nhưng chúng ta phải kiên trì với tư tưởng, quan điểm về đổi mới; bám sát, bám chắc mục tiêu và triết lý đổi mới. Trong đó, lấy ưu tiên số 1 của giáo dục phổ thông là dạy người, dạy thái độ sống, kỹ năng sống, trách nhiệm xã hội, năng lực tự học, đi cùng với các năng lực khác về nhận thức, tư duy… làm nền tảng để tạo dựng nguồn nhân lực chất lượng cao cho đất nước. 

Quán triệt tinh thần thực học, thực nghiệp

Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo ngành giáo dục phải “học thật, thi thật, nhân tài thật”. Bộ trưởng cũng từng khẳng định ngành sẽ có giải pháp cụ thể cho vấn đề này. Vậy, các giải pháp cụ thể đó là gì và sẽ được triển khai như thế nào trong năm học tới?

	ộ trưởng Nguyễn Kim Sơn thăm hỏi các em học sinh Cụm liên trường Kim Tân, tỉnh Lào Cai. Ảnh: Thế Đại
Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn thăm hỏi các em học sinh Cụm liên trường Kim Tân, tỉnh Lào Cai.
Ảnh: Thế Đại

- Tạo dựng một nền giáo dục có chất lượng là chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, cũng là mong muốn của tất cả chúng ta. Đây là nhiệm vụ lớn của ngành giáo dục. Tuy nhiên, sự chuyển đổi này không đơn thuần nằm ở công tác quản lý nhà nước của Bộ GD - ĐT mà còn cần sự vào cuộc tích cực của các bộ, ban, ngành liên quan, các tổ chức, doanh nghiệp và xã hội. Đây là một quá trình lâu dài, cần có lộ trình và thời gian, nhưng việc cần làm ngay là phải đổi mới về nhận thức và hành động trong mọi việc từ nhỏ đến lớn, tất cả chính sách, hoạt động phải lấy mục đích giải quyết các vấn đề thực tiễn làm cơ sở.

Theo tinh thần đó, việc quản lý nhà nước, ban hành chính sách sẽ được rà soát, triển khai theo hướng lấy mục tiêu giải quyết những vấn đề cụ thể của ngành để xây dựng, ban hành và thực thi. Bộ cũng sẽ điều chỉnh nội dung dạy học theo hướng thiết thực, giảm và tiến tới bỏ hẳn những nội dung rườm rà, thiếu hiệu quả, bảo đảm phù hợp với bối cảnh dịch bệnh. Cùng với đó, quán triệt tinh thần thực học, thực nghiệp, xóa bỏ những phương pháp rập khuôn, cứng nhắc, sáo rỗng trong dạy và học để cả thầy và trò phát huy được tinh thần sáng tạo. Các Sở GD - ĐT, Phòng GD - ĐT, nhà trường cần triển khai việc học, kiểm tra đánh giá sao cho đúng và thực chất. Quá trình dạy học cần quan tâm tới thực tiễn, trải nghiệm, trang bị kỹ năng tự học, chú trọng nội dung giáo dục đạo đức, nhân cách và phát triển toàn diện cho học sinh. Đây là việc phải kiên định, kiên trì và xuyên suốt.

Ở bậc đại học, cơ chế tự chủ đang tạo ra những bước tiến cho bậc học này, đi cùng với đó là trách nhiệm giải trình trước xã hội về chất lượng đào tạo. Thực tế thời gian qua, nhiều cơ sở giáo dục đại học đã đề cao mục tiêu chất lượng thông qua xây dựng chương trình, thiết kế chuẩn đầu ra sao cho sát thực tiễn; hay lấy nghiên cứu khoa học, đổi mới sáng tạo làm nền tảng để tạo ra chất lượng. Mặc dù vậy, nhìn trên tổng thể, giáo dục đại học còn nhiều việc phải làm. Bộ GD - ĐT với vai trò quản lý nhà nước sẽ tiếp tục rà soát để sửa đổi, hoàn thiện các quy định nhằm siết chặt chất lượng đào tạo ở bậc học này; đồng thời, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát.

- Xin cảm ơn Bộ trưởng!

Cẩm Vân thực hiện