Đổi mới nhưng cần chuẩn mực

- Thứ Năm, 10/06/2021, 08:04 - Chia sẻ
Nhiều năm trở lại đây, xu hướng đổi mới đề thi theo tính thực tế đã không còn xa lạ trong các kỳ thi. Học sinh không còn bắt buộc phải làm những bài kiểm tra với yêu cầu viết đúng, viết đủ những nội dung trong sách giáo khoa mà đã thể hiện được năng lực bản thân, có cơ hội để nói lên tiếng nói, quan điểm, cách nhìn của chính mình trước các vấn đề xã hội. Tuy nhiên, có những đề thi được đánh giá cao thì cũng có đề nhận nhiều ý kiến trái chiều từ dư luận và nhà chuyên môn.

Mới đây, đề văn thi vào lớp 10 của một trường chuyên tại Khánh Hòa gây tranh luận trái chiều khi đưa ra giả định: “Nếu phải ở trong nước sôi, em sẽ chọn làm củ khoai tây hay quả trứng?”. Nhiều người cho rằng, vì sao không đưa ra một giả định hợp lý hơn, không gây ra những hiểu nhầm không đáng có khi đặt vào tình huống có thể gây tổn thương mình hoặc người khác. Dẫu câu chuyện chỉ nhằm mục đích minh họa cho nhận định về mối quan hệ giữa bản lĩnh và hoàn cảnh.

Thực tế, bên cạnh những đề văn mạnh dạn và sáng tạo, chúng ta cũng từng tranh luận và thậm chí là băn khoăn về tính giáo dục với một số trường hợp nhất định. Bởi ngoài những đòi hỏi mang tính khoa học, đề thi còn phải phù hợp với những đặc điểm về nhận thức, tâm sinh lý lứa tuổi... để hướng các em đến xu hướng phát triển những cảm xúc tích cực, khống chế những cảm xúc tiêu cực. Có trường hợp giáo viên chạy theo những xu hướng, hiện tượng “hot” trong xã hội mà quên mất việc lựa chọn dữ liệu phù hợp với các em để đưa vào đề thi.

Đây không phải lần đầu xuất hiện một đề thi gây tranh cãi. Trước đó, từng có những đề thi đề cập đến các hiện tượng mạng xã hội hay ca sĩ được giới trẻ hâm mộ như Sơn Tùng MTP, Chi Pu, ý tưởng cải tiến chữ viết của PGS. Bùi Hiển, bộ phim Hàn Quốc “Hậu duệ mặt trời”… cũng thu hút nhiều tranh luận trái chiều. Tính mở trong đề thi là cần thiết và tích cực. Nhưng đưa gì vào đề thi lại cần phải có sự cân nhắc, không thể nóng vội chạy theo vấn đề, hiện tượng xã hội. Nếu không, chính sự đổi mới này sẽ dẫn đến sự hời hợt, phản cảm, thiếu tính định hướng giáo dục.

Có thể nói, xu hướng ra đề thi theo hướng mở đặt ra muôn vàn khó khăn cho đội ngũ giáo viên khi phải tìm những hướng ra đề hay, vừa giúp phát huy tính sáng tạo của học trò, nhưng cũng phải bảo đảm tính giáo dục, thẩm mỹ. Đặc biệt, phải phù hợp với nội dung chương trình, cấu trúc đề thi, tính lịch sử, văn hóa. Giáo viên phải xem cái mới đó sẽ tác động đến học sinh như thế nào, giá trị giáo dục nằm ở đâu. Ngoài tính thời sự thì trước hết cần phải mang tính giáo dục và định hướng. Nếu thiếu hai yếu tố này, dù có mở, có nóng đến đâu, thì cũng khó đạt được hiệu quả giáo dục.

Thật khó để đặt ra một quy chuẩn riêng. Tuy nhiên, một đề thi môn ngữ văn chỉ thực sự hay và thu hút khi nội dung mà đề bài hướng tới phù hợp với năng lực của người học. Lâu nay, nhiều người đã có cách hiểu không đúng tinh thần “đổi mới giáo dục”. Sự sáng tạo, đổi mới trong phương pháp dạy học không nằm ngoài mục tiêu mang lại hiệu quả tốt hơn, cho học sinh lĩnh hội được những bài học mới mẻ hơn, chứ không phải cứ với cái cũ thì là đổi mới, là sáng tạo.

Duy Anh