HĐND tỉnh Thái Nguyên nhiệm kỳ 2016-2021

Đổi mới phương thức, nâng cao chất lượng

- Thứ Bảy, 27/03/2021, 01:21 - Chia sẻ
Nhiệm kỳ 2016 - 2021 là nhiệm kỳ có những thời cơ, thuận lợi, khó khăn và thách thức đan xen đối với Thái Nguyên. Nhưng với nhiều đổi mới về tổ chức và hoạt động, chú trọng nâng cao hiệu lực, hiệu quả các quyết định, quyết sách, HĐND tỉnh Thái nguyên đã góp phần quan trọng trong việc duy trì và phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng an ninh của tỉnh.

Ban hành 279 Nghị quyết cụ thể hóa chủ trương của Trung ương, cấp ủy, đáp ứng kịp thời tình hình thực tế địa phương

Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, HĐND tỉnh Thái Nguyên đã tổ chức 16 kỳ họp, ban hành 279 Nghị quyết về phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh, xây dựng chính quyền, cải cách hành chính và an sinh xã hội. Các nghị quyết của HĐND ban hành đã kịp thời cụ thể hóa chủ trương của Trung ương, cấp ủy, đáp ứng kịp thời đòi hỏi của tình hình thực tế địa phương, làm cơ sở pháp lý cho UBND các cấp và các cơ quan chuyên môn tổ chức triển khai thực hiện. Nhiều nghị quyết đã đi vào cuộc sống, đáp ứng nguyện vọng của cử tri.

HĐND tỉnh Thái Nguyên Khóa XIII tổng kết nhiệm kỳ 2016 - 2021

Các nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2016 – 2020, các quy hoạch, chương trình, để án phát triển ngành, lĩnh vực tầm nhìn đến năm 2025 được ban hành là những định hướng lớn cho các cấp, ngành, địa phương trên địa bàn tỉnh triển khai đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng. Giá trị sản xuất công nghiệp tăng bình quân 15,77%. Giá trị xuất khẩu trên địa bàn tăng bình quân 10,85%. Tăng trưởng kinh tế bình quân đầu người năm 2020 đạt 88,7 triệu đồng. Giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản tăng 4,5%/năm. Đến hết năm 2020 toàn tỉnh có 108 xã đạt chuẩn nông thôn mới, đạt 75,5%, vượt mục tiêu Nghị quyết đề ra, trong đó có 3/9 đơn vị cấp huyện hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới.

Môi trường đầu tư của tỉnh ngày càng thông thoáng, công khai, minh bạch. Hiện nay trên địa bàn tỉnh có gần 7.600 doanh nghiệp với số vốn đăng ký trên 105 nghìn tỷ đồng, 164 dự án FDI còn hiệu lực với tổng số vốn đăng ký đầu tư trên 8,6 tỷ USD. Các Nghị quyết của HĐND tỉnh về cơ chế hỗ trợ cho các đối tượng chính sách xã hội cũng luôn được quan tâm. Nghị quyết về chương trình công tác dân tộc nhằm phát triển toàn diện về kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số đã thu hút được cả hệ thống chính trị vào cuộc… Các chính sách xã hội được triển khai đồng bộ, kịp thời, đạt hiệu quả thiết thực. Đến hết năm 2020, tỷ lệ hộ nghèo giảm, chỉ còn 2,82%.

Hoạt động giám sát, khảo sát của Thường trực HĐND và các Ban của HĐND tỉnh ngày càng thiết thực. Đã tổ chức có hiệu quả 37 cuộc giám sát chuyên đề, 91 cuộc khảo sát với trên 1.000 lượt cơ quan, đơn vị được khảo sát; tổ chức 4 phiên chất vấn, giải trình của Thường trực HĐND tỉnh để nghe UBND tỉnh giải trình về các nội dung mà cử tri và đại biểu quan tâm.

Thông qua hoạt động chất vấn, nhiều vấn đề đã được UBND tỉnh, Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị trả lời và triển khai thực hiện có hiệu quả, cụ thể như: Ủy ban nhân dân tỉnh đã chỉ đạo huy động nguồn lực để đầu tư thực hiện Dự án cấp điện cho vùng sâu vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và hoàn thành mục tiêu xóa "xóm trắng" về điện lưới quốc gia; bố trí kinh phí và triển khai Dự án cấp bách xóa phòng học tạm cho các trường học ở vùng miền núi, vùng sâu, vùng xa (33/33 phòng học tạm đã đưa vào sử dụng); chính sách hỗ trợ cho phụ nữ hộ nghèo là người dân tộc thiểu số sinh con đúng chính sách dân số được thực hiện kịp thời, đúng đối tượng thụ hưởng theo quy định…

Hoạt động tiếp xúc cử tri của đại biểu HĐND có nhiều đổi mới thông qua việc tiếp xúc trực tiếp tại thôn, bản, tổ dân phố; tổ chức tiếp xúc theo chuyên đề. Đa số các đại biểu đã phát huy được vai trò, trách nhiệm trước cử tri, liên hệ chặt chẽ với nhân dân, lắng nghe ý kiến, tâm tư nguyện vọng của cử tri, giải quyết kịp thời các kiến nghị chính đáng của cử tri.

Lấy sự hài lòng của người dân là phương châm hoạt động

Nhìn lại chặng đường đã qua của nhiệm kỳ 2016 – 2021 HĐND tỉnh Thái Nguyên Khóa XIII, có thể nói, sự đổi mới mạnh mẽ trong công tác giám sát, đặc biệt trong việc tổ chức các phiên chất vấn, giải trình của HĐND, của Thường trực HĐND tỉnh về các vấn đề mà xã hội quan tâm được cử tri và nhân dân đồng thuận, đánh giá cao đã khẳng định vị trí, vai trò của HĐND tỉnh là cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương, đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của nhân dân.

Để nâng cao hiệu lực, hiệu quả các quyết sách của HĐND, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh uỷ, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên Nguyễn Thanh Hải cho rằng, cần tạo lập không khí dân chủ, công khai, thẳng thắn, ý thức xây dựng trong hoạt động của HĐND, nhất là trong các kỳ họp, trong hoạt động giám sát và trong việc quyết định những vấn đề quan trọng về kinh tế - xã hội của tỉnh. Tăng cường hoạt động giám sát, có trọng tâm, trọng điểm, tập trung vào những vấn đề còn nhiều vướng mắc, bất cập mà cử tri quan tâm; đồng thời, thường xuyên kiểm tra, theo dõi việc thực hiện kết quả sau giám sát để kịp thời khắc phục những hạn chế, yếu kém.

Chú trọng nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động tiếp xúc cử tri và việc giải quyết các kiến nghị, khiếu nại, tố cáo của nhân dân. Thường xuyên đổi mới và nâng cao chất lượng các kỳ họp, phát huy trí tuệ của đại biểu trong việc quyết định các vấn đề quan trọng của tỉnh. Quan tâm đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn, nâng cao chất lượng hoạt động của đại biểu HĐND các cấp, nâng cao năng lực, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ của đội ngũ cán bộ làm công tác tham mưu cho HĐND ngày càng chuyên nghiệp, hiện đại, hiệu quả.

Bí thư Tỉnh uỷ, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên Nguyễn Thanh Hải nhấn mạnh, nhiệm kỳ 2016 – 2021 đang dần khép lại với những kết quả tích cực. Hòa chung với thành công rất tốt đẹp của Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII và Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XX sẽ tạo nền tảng và động lực quan trọng, cổ vũ Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc trong tỉnh phát huy truyền thống đoàn kết, tranh thủ thời cơ, vượt qua thách thức, quyết tâm xây dựng Thái Nguyên trở thành một trong những trung tâm kinh tế công nghiệp hiện đại của khu vực trung du, miền núi phía Bắc và vùng Thủ đô Hà Nội vào năm 2030.

Xuân Tùng