Đổi mới quản lý phát triển khoa học và công nghệ trong nông nghiệp

- Thứ Năm, 13/06/2013, 08:39 - Chia sẻ
Việt Nam được thế giới biết đến là một nước nông nghiệp với những bước tiến vượt bậc. Việc đẩy mạnh ứng dụng rộng rãi các tiến bộ KH - CN trong nông nghiệp không chỉ góp phần xóa đói, giảm nghèo, bảo đảm an ninh lương thực quốc gia mà còn đưa Việt Nam trở thành một trong những nước xuất khẩu nông sản hàng đầu thế giới.
 
Phó thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân thăm khu ươm tạo các loài hoa lan quý tại Khu nông nghiệp công nghệ cao TP Hồ Chí Minh

Theo Bộ NN và PTNT, hơn 10 năm qua, KH - CN đã đóng góp 30% giá trị gia tăng trong tăng trưởng nông nghiệp, giúp Việt Nam gia tăng giá trị sản lượng nông - lâm - thủy sản xuất khẩu lên mức gần 20 tỷ USD. Chỉ tính riêng 5 năm từ 2008-2012, có 4.386 đề tài nghiên cứu khoa học và dự án sản xuất thử nghiệm tạo ra 273 giống cây trồng; lai tạo và chọn lọc thành công 29 dòng, giống vật nuôi mới; 20 quy trình công nghệ về bảo vệ thực vật, chưa kể hơn 24 nghìn mẫu nguồn gene quý hiếm của các loài cây trồng có ở Việt Nam với gần 20 nghìn gene đang bảo tồn tại Ngân hàng gene quốc gia và trên 5 nghìn gene lưu giữ tại cơ quan mạng lưới đang được Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam quản lý, đáp ứng cao nhất nhu cầu sản xuất trong nước.

Tính chung đến nay, đã có trên 90% diện tích lúa, 80% diện tích ngô, 60% diện tích mía, bông, cây ăn quả... được dùng giống mới. Còn trong chăn nuôi, mỗi năm Viện Chăn nuôi, Bộ NN và PTNT đã chuyển giao vào sản xuất khoảng 1.700 con lợn giống, 600.000 liều tinh bò, trên 15 triệu con gia cầm giống các loại… Kim ngạch xuất khẩu nông nghiệp nhờ đó không ngừng gia tăng với tốc độ 24%/năm, và ước tính mỗi năm tổng kim ngạch xuất khẩu nông sản cả nước thu về khoảng 14 - 16 tỷ USD. Tính đến thời điểm hiện tại, Việt Nam đã và đang có nhiều mặt hàng có thị phần lớn và chiếm vị thế cao trên thế giới như: hạt điều, hạt tiêu, lúa gạo, cà phê, cao su, chè và một số mặt hàng thủy sản…

Tuy nhiên, việc ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật để nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của sản phẩm nông nghiệp còn hạn chế. Phần lớn nông sản xuất khẩu ở dạng sơ chế nên giá trị gia tăng thấp. Nhiều đề tài sau khi nghiệm thu không triển khai được vào sản xuất do chất lượng kém và không xuất phát từ yêu cầu thực tiễn; thậm chí có đề tài nghiệm thu xong rồi… để đó. Chia sẻ về vấn đề này, Giám đốc Sở KH - CN tỉnh Bình Thuận Lê Văn Tiến cho biết, trong giai đoạn 2006 - 2010 có hơn 110 đề tài khoa học nhưng số lượng ứng dụng được vào thực tế chỉ chiếm một phần nhỏ, số còn lại “cất trong ngăn kéo” sau khi được phê duyệt và tổ chức thực hiện. Một trong những nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng này là do cơ chế chính sách còn bất cập, đầu tư thấp. Theo điều tra sơ bộ của Ngân hàng Thế giới mới đây cho thấy, tổng đầu tư cho một cán bộ nghiên cứu ở Việt Nam chỉ bằng 9% của Indonesia và Thái Lan; bằng 2,5% của Malaysia. Nếu nhìn vào con số trên, thật khó để cán bộ KH - CN có động lực, hăng hái, dốc toàn tâm cho việc nghiên cứu.

Phó vụ trưởng Vụ KH - CN và môi trường, Bộ NN và PTNT Triệu Văn Hùng thừa nhận sự liên kết giữa KH - CN và doanh nghiệp trong thời gian qua còn yếu. Nghiên cứu KH - CN nông nghiệp mới tập trung chủ yếu ở tổ chức nhà nước, trong khi các thành phần kinh tế khác, nhất là doanh nghiệp chưa thật sự mặn mà với nghiên cứu KH - CN nông nghiệp. Bên cạnh đó chúng ta còn thiếu nhiều cán bộ khoa học chuyên sâu trong từng lĩnh vực, nhất là các lĩnh vực công nghệ cao. Ngoài ra hệ thống cơ sở vật chất dành cho nghiên cứu còn nhiều hạn chế.

Trước thực trạng trên, nhiều chuyên gia cho rằng để phát triển KH - CN nông nghiệp phải đổi mới quản lý. Cần phân công trách nhiệm cụ thể cho các bộ, ngành, bởi thực tế thời gian qua, việc phân công nhiệm vụ nghiên cứu về lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn chưa rõ ràng và cụ thể giữa các bộ, cơ quan ngang bộ dẫn đến tình trạng nhiều đề tài, dự án chồng chéo, gây lãng phí. Bên cạnh đó, khuyến khích đầu tư tư nhân và quốc tế; đơn giản hóa thủ tục quản lý tài chính, hướng vào khoán đến sản phẩm KH - CN cuối cùng. Ngoài ra có chính sách khuyến khích đặc biệt về vật chất và tinh thần để người nghiên cứu và chuyển giao công nghệ được hưởng lợi từ chính kết quả làm việc của mình.

Viện trưởng Viện Nghiên cứu cây ăn quả miền Nam, Ts Nguyễn Minh Châu cho biết: để KH - CN đến được với nông dân thì khâu đột phá phải bắt đầu từ đổi mới cơ chế quản lý. Ngoài ra, Nhà nước cần hỗ trợ về vốn và trên hết là bỏ qua những rào cản về thủ tục hành chính, hiện không chỉ nguồn vốn phục vụ lĩnh vực nghiên cứu khoa học bị hạn chế mà vốn cho các ngành trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản cũng gặp khó tương tự. Nông dân có làm nhưng thực thu rất thấp dẫn đến tâm lý muốn ly nông, ly hương, bỏ đồng ruộng hoang hóa.

Đồng quan điểm, Viện trưởng Viện Chính sách chiến lược phát triển nông nghiệp - nông thôn (IPSARD) Đặng Kim Sơn cho biết: ở các nước phát triển, kinh phí nghiên cứu và chuyển giao khoa học ứng dụng trong lĩnh vực nông nghiệp của tư nhân thường cao hơn Nhà nước. Do đó, cần ban hành các chính sách khuyến khích đặc biệt để thu hút đầu tư của các tổ chức quốc tế và tư nhân trong nước vào hoạt động KH - CN, kể cả việc thành lập cơ quan nghiên cứu, cơ quan khuyến nông, cơ quan dịch vụ KH - CN, cơ quan kinh doanh sản phẩm KH - CN. Trước hết, hãy bắt đầu từ việc quản lý, đơn giản hóa thủ tục, hỗ trợ đất đai và giảm thuế...

Ở góc nhìn khác, đại diện Viện Quản lý kinh tế Trung ương - Ts Chu Tiến Quang cho rằng việc phát triển KH - CN trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn phải quan tâm đến vai trò của người nông dân, đặt người nông dân làm trung tâm. Bên cạnh đó, cần tăng cường hơn nữa công tác chuyển giao KH - CN cho người nông dân. Đây là một khoảng trống lớn từ trước tới nay vẫn chưa được lấp đầy. Để làm tốt việc đó, phải gắn kết giữa hệ thống nghiên cứu KH - CN Nhà nước với tư nhân, HTX, người nông dân. Hiện nay, rất nhiều sáng tạo khoa học của người nông dân nhưng chưa được công nhận và tiếp sức kịp thời, Ts Quang nhấn mạnh. Đồng quan điểm, Ts Sơn bổ sung, hiện nay hoạt động nghiên cứu và chuyển giao khoa học không coi người sản xuất kinh doanh là khách hàng, KH - CN là hàng hóa.

Thứ trưởng Bộ NN và PTNT Nguyễn Thị Xuân Thu cho biết, trong Chiến lược phát triển KH - CN nông nghiệp và phát triển nông thôn giai đoạn 2011 - 2020, Bộ NN và PTNT đặt ra mục tiêu, đến năm 2015 thành tựu KH - CN đóng góp 40% GDP ngành nông nghiệp và 50% đến năm 2020. Cũng theo đó, có ít nhất 10 tổ chức KH - CN trong lĩnh vực nông nghiệp đạt trình độ ngang tầm khu vực và thế giới. Lĩnh vực ưu tiên đầu tư nghiên cứu, chuyển giao tập trung vào ứng dụng công nghệ sinh học để tạo giống cây trồng, vật nuôi, thủy sản chất lượng cao. Đặc biệt, ưu tiên đầu tư cho vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa trọng điểm, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, vùng có nguy cơ xảy ra thiên tai, dịch bệnh. Với những mục tiêu trên cùng với sự quan tâm của Nhà nước như Nghị quyết 20 về phát triển khoa học và công nghệ tại Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương VI, tin rằng KH - CN nước nhà sẽ có bước trưởng thành vượt bậc ngang tầm với khu vực và thế giới.

Đăng Nam
Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn