Đổi mới thực chất cách tiếp cận trong giảm nghèo

- Thứ Tư, 30/06/2021, 05:27 - Chia sẻ
Thẩm tra đề xuất chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu giảm nghèo và an sinh xã hội bền vững giai đoạn 2021 - 2026 tại phiên họp toàn thể sáng 29.6, các thành viên Ủy ban về các vấn đề Xã hội nhấn mạnh, để tăng tốc giảm nghèo bền vững trong thời kỳ phát triển mới của đất nước, cần đổi mới thực chất cách tiếp cận trong giảm nghèo, có giải pháp đột phá nhằm khắc phục tồn tại, hạn chế trong công tác giảm nghèo thời gian qua.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề Xã hội Nguyễn Hoàng Mai phát biểu tại phiên họp
Ảnh: Hồ Long

Cần giải pháp đột phá, vượt trội

Theo Tờ trình của Chính phủ, việc xây dựng chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo và an sinh xã hội bền vững giai đoạn 2021 - 2025 (Chương trình) là rất cần thiết, cấp bách trong giai đoạn hiện nay, nhằm đáp ứng yêu cầu thực hiện thành công Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng; Chiến lược phát triển kinh tế, xã hội 10 năm 2021 - 2030 và phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội 5 năm 2021 - 2025. Chương trình cũng tập trung giải quyết một số nội dung phát triển kinh tế, xã hội cấp bách, cần đầu tư công của quốc gia như: Thực hiện mục tiêu giảm tỷ lệ hộ nghèo, hộ cận nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều quốc gia giai đoạn 2022 - 2025; phát triển hệ thống giáo dục nghề nghiệp và việc làm bền vững; phát triển hệ thống trợ giúp xã hội chuyên nghiệp; thực hiện Mục tiêu phát triển bền vững đến năm 2030, trong đó có các mục tiêu “Chấm dứt mọi hình thức nghèo ở mọi nơi; tạo việc làm đầy đủ, năng suất và việc làm tốt cho tất cả mọi người; bảo đảm giáo dục chất lượng, rộng mở và công bằng; giảm bất bình đẳng trong xã hội”.

Qua rà soát, hoàn thiện hồ sơ đề xuất chủ trương đầu tư Chương trình và trên cơ sở ý kiến của Ủy ban Tài chính - Ngân sách, Ủy ban về các vấn đề Xã hội và Hội đồng Thẩm định Nhà nước, báo cáo đề xuất Chương trình đã thu gọn các dự án thành phần, giảm từ 5 dự án (15 tiểu dự án) xuống còn 4 dự án (11 tiểu dự án). Tổng nguồn vốn đề xuất thực hiện được điều chỉnh giảm từ 102.815 tỷ đồng xuống còn 90.260 tỷ đồng, gồm ngân sách Trung ương 50.000 tỷ đồng, ngân sách địa phương 21.760 tỷ đồng, huy động từ các nguồn hợp pháp khác 18.500 tỷ đồng. Chính phủ cũng đề xuất nhiều nhóm giải pháp để thực hiện Chương trình, trong đó, nhóm giải pháp về cơ chế, chính sách tập trung vào chính sách khuyến khích người dân vươn lên thoát nghèo, cơ chế hỗ trợ đối với những địa phương thực hiện hiệu quả Chương trình, phát triển hệ thống giáo dục nghề nghiệp chất lượng gắn với nhu cầu thị trường lao động, khởi nghiệp, tạo việc làm bền vững, trợ giúp xã hội chuyên nghiệp…

Phó Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề Xã hội Bùi Sỹ Lợi nhấn mạnh, sau hai giai đoạn thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo, đến thời điểm này, yêu cầu đặt ra đối với Chương trình là nguồn lực dành cho công tác giảm nghèo bền vững phải tập trung và cao hơn; công tác chỉ đạo thực hiện chương trình phải sát sao hơn; các giải pháp cần có tính đột phá hơn, phải khắc phục cho được những tồn tại, hạn chế trong thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo thời gian qua; đồng thời, nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực hiện Chương trình. “Người nghèo phải là chủ thể của quá trình giảm nghèo bền vững. Chính họ phải tự quyết định việc mình có thoát nghèo không, Nhà nước chỉ tạo điều kiện, cơ hội, tạo sinh kế còn các hộ nghèo tự vươn lên. Có như vậy, chúng ta mới đạt được các mục tiêu đề ra trong Chương trình là: Đến năm 2025 giảm 1/2 số hộ nghèo so với đầu kỳ, giảm 1,5 triệu người nghèo/năm theo tiêu chí nghèo đa chiều của quốc gia; 50% số huyện nghèo, 50% số xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo thoát khỏi tình trạng đặc biệt khó khăn…”, Phó Chủ nhiệm Bùi Sỹ Lợi nhấn mạnh.

Theo đánh giá của Thường trực Ủy ban về các vấn đề Xã hội, một “điểm rất hay” trong đề xuất chủ trương đầu tư Chương trình là Nhà nước tạo cơ hội cho mỗi hộ nghèo, mỗi người nghèo có một việc làm, thu nhập ổn định. Đó chính là tạo điều kiện, cơ hội, tạo sinh kế cho người nghèo tự vươn lên thoát nghèo. Thường trực Ủy ban cũng nhấn mạnh, Chương trình cần bảo đảm tinh thần cốt lõi của Nghị quyết 76 của Quốc hội về đẩy mạnh thực hiện các mục tiêu giảm nghèo bền vững đến năm 2020 là “thực hiện chính sách hỗ trợ có điều kiện gắn với đối tượng, địa bàn và thời hạn thụ hưởng”.

Tránh trùng lặp, bỏ sót đối tượng

Dự kiến trong giai đoạn 2021 - 2026, chúng ta sẽ có 3 Chương trình mục tiêu quốc gia gồm: Chương trình về Giảm nghèo và an sinh xã hội bền vững, chương trình về xây dựng nông thôn mới và chương trình về phát triển kinh tế, xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Lưu ý vấn đề này, tại phiên họp toàn thể, các thành viên Ủy ban về các vấn đề Xã hội đặc biệt nhấn mạnh yêu cầu phải xác định đúng đối tượng thụ hưởng của Chương trình, tránh trùng lặp với hai chương trình còn lại. Bởi như e ngại của đại biểu Quốc hội Nguyễn Anh Trí (Hà Nội), sẽ rất khó thực hiện có chất lượng, đúng tiến độ khi có ba chương trình liên quan tới mục tiêu giảm nghèo vì dễ xảy ra chuyện trùng lặp về đối tượng, địa bàn triển khai, nội dung, thời gian đầu tư… dẫn tới đầu tư dàn trải, kém hiệu quả giữa các chương trình.

Chia sẻ điều này, Phó Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề Xã hội Nguyễn Hoàng Mai cho biết, mặc dù Chương trình đã bảo đảm không trùng lặp về đối tượng thụ hưởng và địa điểm thực hiện với hai chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới và phát triển kinh tế, xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi nhưng các dự án, tiểu dự án của 3 chương trình có sự tương đồng. Theo đánh giá của Thường trực Ủy ban về các vấn đề Xã hội, sự trùng lặp này do cơ quan trình chưa làm rõ, chưa thống kê chính xác đối tượng thụ hưởng và địa bàn thực hiện; chưa cụ thể hoá nội dung hỗ trợ, đầu tư đến từng đối tượng cụ thể, trách nhiệm của từng dự án. Vì vậy, Chính phủ cần tiếp tục rà soát các dự án, tiểu dự án trong Chương trình để trình Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư.

Phó Chủ nhiệm Nguyễn Hoàng Mai cũng nêu vấn đề, dự kiến Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn tới sẽ không đầu tư tại khoảng 70 huyện nghèo, 200 xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo thuộc diện bao phủ của Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo và an sinh xã hội bền vững. Điều này cần được cân nhắc bởi Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo và an sinh xã hội bền vững sẽ không thể thực hiện được đầy đủ các nhiệm vụ của chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, gây khó khăn cho các địa bàn triển khai chương trình giảm nghèo trong việc thực hiện các tiêu chí xây dựng nông thôn mới. Do đó, Chính phủ cần chỉ đạo các bộ, cơ quan liên quan tiếp tục phối hợp rà soát, phân tích, đánh giá các nội dung có thể trùng lặp hoặc bỏ sót giữa ba chương trình mục tiêu quốc gia để đề xuất cơ chế lồng ghép, tích hợp các nội dung hoạt động, bảo đảm hiệu quả đầu tư.

Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cho biết: sau 5 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 - 2020, công tác giảm nghèo bền vững đã đạt được một số thành tựu nổi bật: Tỷ lệ hộ nghèo đã giảm từ 9,88% năm 2015 xuống còn 2,75% năm 2020, trung bình mỗi năm tỷ lệ hộ nghèo giảm 1,43%; tỷ lệ hộ nghèo ở 64 huyện nghèo cuối năm 2020 còn 23,42%, trung bình mỗi năm giảm 5,4%. Giai đoạn 2016 - 2020, giảm hơn 60% số hộ nghèo so với tổng số hộ nghèo đầu kỳ, với hơn 6 triệu người thoát nghèo, hơn 2 triệu người thoát cận nghèo. Các mục tiêu, chỉ tiêu về giảm nghèo đều đạt và vượt so với nghị quyết của Quốc hội đề ra.

Mặc dù vậy, kết quả giảm nghèo chưa thực sự bền vững tại một số địa phương, tỷ lệ tái nghèo giai đoạn 2016 - 2020 bình quân 3,74%/năm so với tổng số hộ thoát nghèo; tỷ lệ hộ nghèo phát sinh bình quân là 20,88% so với tổng số hộ thoát nghèo. Một số nơi tỷ lệ hộ nghèo còn rất cao, một số xã vẫn còn hơn 40% hộ nghèo, có nơi còn đến 60%; một số huyện còn đến 40 - 50% hộ nghèo. Thực trạng nghèo đói, thiếu hụt tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản ở nước ta vẫn ở mức cao và phân bố không đồng đều giữa các vùng miền, có xu hướng tập trung rõ rệt ở vùng nông thôn, miền núi, vùng đồng bào dân tộc, vùng bãi ngang ven biển và hải đảo, nơi mà điều kiện tự nhiên rất khó khăn và chịu nhiều tác động của biến đổi khí hậu, kinh tế, xã hội chậm phát triển so với các vùng miền khác trong cả nước.

Nhật An