Kết thúc khóa Bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng cho đại biểu Hội đồng nhân dân

Đổi mới, tinh gọn và hiệu quả

- Thứ Hai, 13/12/2021, 06:31 - Chia sẻ
Lần đầu tiên sử dụng không gian số hóa trong giảng dạy, dư âm của 3 đợt tổ chức Lớp bồi dưỡng kiến thức kỹ năng dành cho đại biểu HĐND cấp tỉnh và cấp huyện, xã, do Bộ Nội vụ mà trực tiếp là Vụ Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ công chức, viên chức đảm trách rất ấn tượng. Sự thành công đến từ trách nhiệm, tâm huyết của các bên tham gia; đặc biệt sự thích ứng linh hoạt của Bộ Nội vụ từ khâu biên soạn, thiết kế chương trình, giáo trình đến khâu tổ chức giảng dạy và lựa chọn chuyên gia thuyết trình theo hướng đổi mới, tinh gọn, hiệu quả: “Nói những gì đại biểu cần - chia sẻ những điều đại biểu chưa biết”.
Các đại biểu và chuyên gia trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm về hoạt động dân cử

Xuất phát từ đòi hỏi thực tiễn!

Đó là nhận định đầu tiên về nội dung của Bộ giáo trình bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng cho đại biểu Hội đồng nhân dân (HĐND) cấp tỉnh và cấp huyện, cấp xã nhiệm kỳ 2021 - 2026 do Bộ Nội vụ chủ biên và phát hành. Điều này được thể hiện rõ ở sự đổi mới từ nội dung đến phương pháp tổ chức, giảng dạy.

Đại biểu HĐND tỉnh, Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh Bình Thuận Hoàng Công Dương cho hay, đây là lần đầu tiên ông tham gia và trúng cử đại biểu HĐND cấp tỉnh. Có rất nhiều điều bỡ ngỡ, đòi hỏi người đại biểu phải nhập cuộc chuyên nghiệp ngay từ đầu. Hay nói cách khác, mỗi đại biểu phải định hướng đúng để hành động đúng ngay khi vào vị trí xuất phát. Tuy nhiên, làm được điều này thì ngoài nhận thức, hiểu biết, đòi hỏi đại biểu phải có trong tay vô vàn kỹ năng mà ngay một lúc, khó có thể tích lũy được.

“Điều chúng tôi tâm đắc nhất đó chính là nội dung của Bộ giáo trình được phân tách rất rõ cho từng cấp, sát với từng đối tượng là đại biểu HĐND cấp tỉnh và đại biểu HĐND cấp huyện, xã. Các chuyên đề tập trung vào các kiến thức, kỹ năng cần thiết nhất trong việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của đại biểu HĐND. Điều đó giúp các vị đại biểu nắm và biết mình phải làm gì, được làm đến đâu và làm như thế nào. Đặc biệt, ở chương trình bồi dưỡng đại biểu HĐND cấp huyện, cấp xã nhiệm kỳ 2021 - 2026 đã chia nội dung bồi dưỡng thành các chuyên đề bắt buộc và các chuyên đề tự chọn. Việc thiết kế các chuyên đề tự chọn sẽ đáp ứng được nhu cầu bồi dưỡng đa dạng, linh hoạt đối với đại biểu HĐND và phù hợp với đặc điểm của từng địa phương” - ông Hoàng Công Dương nói.

Đồng quan điểm với đại biểu Hoàng Công Dương, Chủ tịch HĐND tỉnh Bắc Kạn Phương Thị Thanh cho rằng, những kiến thức bồi dưỡng cho đại biểu HĐND các cấp năm nay rất sát thực tế. Nội dung các chuyên đề bám sát thực tiễn cuộc sống và những đòi hỏi của hoạt động dân cử đặt ra. Cách thức chuyển tải nội dung của các diễn giả sinh động, cuốn hút dù không giảng trực tiếp. Đặc biệt là những chuyên đề được diễn giả chú trọng mức độ tương tác, giúp học viên nhớ lâu, nhớ nhanh và không nhàm chán.

“Điều này không chỉ giúp cho các tân đại biểu mà ngay cả những người hoạt động lâu năm trong nghị trường như tôi cũng vô cùng hữu ích" - bà Phương Thị Thanh nhấn mạnh.

Trang bị kiến thức, kích hoạt kỹ năng

Ở góc độ nghiên cứu khoa học, TS. Đàm Bích Hiên, Khoa Nhà nước - Pháp luật và Lý luận cơ sở, Học viện Hành chính Quốc gia đánh giá cao về sự đổi mới nội dung, chương trình bồi dưỡng đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026. Đồng thời, đưa ra 3 giải pháp để tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả bồi dưỡng đại biểu HĐND các cấp.

Thứ nhất, cần xây dựng khung chương trình, nội dung bồi dưỡng tổng thể cho các đại biểu HĐND trong cả nhiệm kỳ. Hiện nay, nội dung, chương trình chủ yếu xây dựng để bồi dưỡng cho các đại biểu đầu nhiệm kỳ, trong khi việc bồi dưỡng phải làm thường xuyên trong cả nhiệm kỳ, nhằm hỗ trợ cho các đại biểu trong việc thực hiện tốt chức trách của mình. Nội dung bồi dưỡng ở đầu nhiệm kỳ cần tập trung vào các kiến thức cơ bản và kỹ năng để giúp cho đại biểu sớm có khả năng tham gia các hoạt động của HĐND, theo đó, cần cập nhật các thông tin và kiến thức, kỹ năng chuyên sâu theo các lĩnh vực chuyên môn phù hợp với các hoạt động của đại biểu.

Thứ nữa, để đáp ứng sự đa dạng về thành phần dân tộc, tôn giáo, trình độ của các đại biểu HĐND, cần có nội dung bồi dưỡng dành riêng cho từng nhóm đối tượng đại biểu khác nhau như bồi dưỡng dành cho đại biểu lần đầu trúng cử, đại biểu tái cử, đại biểu chuyên trách, đại biểu không chuyên trách, đại biểu là nữ, đại biểu là người dân tộc thiểu số... Các nội dung bồi dưỡng này cần thiết kế phù hợp với đặc điểm của từng nhóm đại biểu. Ví dụ, chương trình dành cho đại biểu lần đầu trúng cử nên tập trung vào những kiến thức chung về tổ chức và hoạt động của đại biểu HĐND, các kỹ năng hoạt động cơ bản. Đối với chương trình dành cho đại biểu tái cử cần tập trung vào các kiến thức nâng cao và các kỹ năng chuyên sâu.

“Một điểm cần lưu ý nữa là cần thực hiện đánh giá về chất lượng chương trình bồi dưỡng sau khi tổ chức các khóa bồi dưỡng đại biểu HĐND. Việc đánh giá phải dựa trên các tiêu chí khoa học, cụ thể. Kết quả đánh giá là một trong những căn cứ để bổ sung, hoàn thiện, nâng cao chất lượng chương trình bồi dưỡng” - TS. Đàm Bích Hiên nhấn mạnh.

Riêng đối với phương thức bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng cho đại biểu HĐND nhiệm kỳ 2021 - 2026, nhiều chuyên gia đánh giá cao hình thức tổ chức bồi dưỡng trực tuyến của Bộ Nội vụ. Đây không chỉ là sự bắt buộc trong bối cảnh dịch bệnh phức tạp mà là sự thể hiện bản lĩnh của Bộ Nội vụ trong chuyển đổi số. Hình thức trực tuyến giúp tiết kiệm chi phí, đáp ứng nhu cầu bồi dưỡng kịp thời, bảo đảm cho học viên có thể học mọi lúc, mọi nơi và thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch Covid-19.

Tuy nhiên, để tiếp tục đổi mới phương thức bồi dưỡng đại biểu HĐND các cấp, các chuyên gia khuyến cáo Bộ Nội vụ ngoài việc nâng cao chất lượng đội ngũ giảng dạy, cần đa dạng hóa phương thức bồi dưỡng đại biểu HĐND, nhất là phương thức trực tuyến. Phải xây dựng hệ thống bài giảng dưới dạng tài liệu pdf, word, video, hình ảnh... Đặc biệt, cần chú trọng đến việc chia sẻ dữ liệu thông tin để các đại biểu có thể truy cập, lựa chọn các bài giảng phù hợp với nhu cầu thực tế của mình. Từ đó, đáp ứng nhu cầu bồi dưỡng thường xuyên, đa dạng của các đại biểu, tăng tính chủ động của người học... Có như vậy, các kiến thức, kỹ năng mới được kích hoạt cao nhất, mang lại vị thế cho đại biểu HĐND và cơ quan dân cử.

Thái Bình