Đổi mới vì Nhân dân

- Thứ Hai, 16/08/2021, 06:22 - Chia sẻ

Trên cơ sở Nghị quyết số 30/2021/QH15 của Quốc hội, chỉ trong thời gian ngắn, Chính phủ đã chuẩn bị và trình Ủy ban Thường vụ quốc hội cho ý kiến về một nghị quyết để giải quyết, đáp ứng tình hình phòng, chống dịch Covid-19. Tại phiên họp khẩn, các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội thảo luận, nhất trí với dự thảo Nghị quyết của Chính phủ. Đây có thể gọi là "quy trình ban hành văn bản quy phạm pháp luật đặc biệt" để đáp ứng tình hình nhiệm vụ cấp bách, thể hiện xuất sắc tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh với tinh thần “dĩ bất biến, ứng vạn biến”, vì lợi ích của Tổ quốc, của Nhân dân nhưng vẫn bảo đảm tinh thần thượng tôn pháp luật.

Dĩ bất biến, ứng vạn biến

Đã từng nhiều năm tham gia công tác ở khối cơ quan giúp việc của Quốc hội và HĐND, tôi thấy hoạt động của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội phải họp, làm ngoài giờ hành chính thì nhiều, nhưng ít khi phải họp khẩn, họp bất thường. Vậy mà cuối giờ chiều ngày 6.8 vừa qua, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tổ chức họp khẩn, họp bất thường xem xét, cho ý kiến về một dự thảo Nghị quyết của Chính phủ trình xin ý kiến về việc thực hiện các giải pháp cấp bách phòng, chống dịch Covid-19. Phải chăng, đây là đổi mới trong hoạt động của Quốc hội?

Vâng, đúng là đổi mới, vì ngay tại Kỳ họp thứ Nhất của Quốc hội khóa mới, Nghị quyết số 30/2021/QH15 được ban hành đã có nhiều nội dung đổi mới để đáp ứng với tình hình thực tế. Nghị quyết số 30 đã có nhiều nội dung tạo điều kiện để Chính phủ chủ động, linh hoạt xử lý các tình huống cụ thể đáp ứng yêu cầu khẩn cấp trong phòng chống dịch bệnh. Trên cơ sở Nghị quyết 30 của Quốc hội, chỉ trong thời gian ngắn, Chính phủ đã chuẩn bị và trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về một nghị quyết để giải quyết, đáp ứng tình hình phòng, chống dịch Covid-19, mà lẽ ra nghị quyết này phải được xây dựng theo đúng quy trình của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Đây có thể gọi là "quy trình ban hành văn bản quy phạm pháp luật đặc biệt" để đáp ứng tình hình nhiệm vụ cấp bách. Mà trong thời điểm này, có việc gì cấp bách hơn là phòng chống dịch bệnh Covid-19 để bảo bệ sức khỏe, tính mạng của Nhân dân?

Tại phiên họp khẩn, các thành viên của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thảo luận và nhất trí với dự thảo Nghị quyết của Chính phủ. Ngay trong tối 6.8, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã ký ban hành Nghị quyết 268/NQ-UBTVQH15 về việc cho phép Chính phủ ban hành nghị quyết có một số nội dung khác với quy định của luật để đáp ứng yêu cầu phòng, chống dịch Covid-19.

Những hoạt động nêu trên của Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thể hiện xuất sắc tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh với tinh thần “dĩ bất biến, ứng vạn biến”, đưa ra đường lối, chủ trương mang tính chiến lược vì lợi ích của Tổ quốc, lợi ích của Nhân dân, nhưng vẫn bảo đảm tinh thần thượng tôn pháp luật.

Đồng hành thực hiện các mục tiêu của đất nước

Nghị quyết 268 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đồng ý với 4 nội dung trong dự thảo Nghị quyết của Chính phủ:

Một là, cho phép các Bộ Y tế, Quốc phòng, Công an, UBND các tỉnh quyết định thành lập cơ sở thu dung, điều trị người nhiễm Covid-19 đồng thời là giấy phép hoạt động, đề nghị bổ sung thời hạn hiệu lực của nội dung này (đến hết năm 2022) và chỉ áp dụng trong trường hợp cấp bách phòng, chống dịch Covid-19 theo kịch bản ứng phó dịch và điều kiện thực tiễn tại mỗi địa phương.

Hai là, giao Bộ Y tế được quy định các thủ tục hành chính trong thông tư theo thủ tục rút gọn để đáp ứng yêu cầu cấp bách của công tác phòng, chống dịch là khác với quy định tại khoản 4 Điều 14 và khoản 3 Điều 147 của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, chỉ giới hạn phạm vi ban hành thủ tục hành chính ở các nội dung được nêu trong dự thảo Nghị quyết.

Ba là, đồng ý với dự thảo Nghị quyết quy định: “Việc thanh toán chi phí khám chữa bệnh cho bệnh nhân Covid-19 (bao gồm cả chi phí điều trị các bệnh khác trong quá trình điều trị Covid-19) do ngân sách nhà nước bảo đảm theo chi phí thực tế. Tuy nhiên, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị, đối với bệnh nhân mắc Covid-19 có các bệnh nền khác (như tiểu đường, tim mạch, thận...) thì việc thanh toán chi phí khám, chữa bệnh đối với các bệnh này phải thực hiện theo quy định Luật Bảo hiểm y tế và các quy định của pháp luật khác có liên quan để bảo đảm khả năng đáp ứng của ngân sách nhà nước.

Bốn là, đồng ý giao Thường trực HĐND quyết định các vấn đề thuộc thẩm quyền của HĐND và báo cáo HĐND tại kỳ họp gần nhất để bảo đảm phù hợp với bối cảnh rất nhiều địa phương đang phải thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch nghiêm ngặt như hạn chế tập trung đông người, thực hiện giãn cách xã hội. Cùng với đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đề nghị cần tăng cường sự lãnh đạo, kiểm tra chặt chẽ của cấp ủy ở các địa phương trong quá trình thực hiện, tránh việc lạm dụng quy định này để quyết định các nội dung không thực sự cấp bách, không trực tiếp liên quan đến công tác phòng, chống dịch Covid-19 tại địa phương.

Cũng ngay trong cùng ngày 6.8, Nghị quyết của Chính phủ đã được Thủ tướng ký ban hành, kịp thời triển khai những công việc cấp bách phục vụ phòng chống dịch. Đúng là một cách làm được phối hợp chặt chẽ, thống nhất giữa hai nhánh cơ quan quyền lực của Nhà nước, Quốc hội luôn ủng hộ và đồng hành cùng Chính phủ để thực hiện tốt nhất các mục tiêu của đất nước.

Đổi mới để mang lại hiệu quả, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ là cần thiết, nhưng không phải là sự "dễ dãi", như tại cuộc làm việc mới đây với Thường trực  6 Ủy ban của Quốc hội về 7 dự án Luật sẽ được trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ Hai, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh quyết tâm phải bảo đảm chất lượng công tác xây dựng luật.

Lương Anh Tế, Nguyên Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Hải Dương