Soạn thảo văn bản quy phạm pháp luật

Đổi mới việc lấy ý kiến doanh nghiệp

- Chủ Nhật, 20/12/2020, 06:45 - Chia sẻ
Theo ghi nhận của nhiều hiệp hội doanh nghiệp, trong những năm gần đây, các cơ quan chức năng ngày càng coi trọng tiếng nói của cộng đồng doanh nghiệp trong quá trình soạn thảo, xem xét thông qua các văn bản quy phạm pháp luật. Tuy vậy còn một số tồn tại, hạn chế cần sớm khắc phục ở cả hai phía cơ quan chức năng và cộng đồng doanh nghiệp trong quá trình xây dựng chính sách, soạn thảo các văn bản quy phạm pháp luật.

Doanh nghiệp được lấy ý kiến sớm hơn

Đại diện cho cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, ĐBQH Vũ Tiến Lộc (Thái Bình) cho biết, trách nhiệm lấy ý kiến cộng đồng doanh nghiệp trong xây dựng văn bản quy phạm pháp luật đã được quy định tại Nghị định 161/2005 của Chính phủ, Nghị định 24/2009 của Chính phủ. Đặc biệt, Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 quy định không chỉ lấy ý kiến Mặt trận Tổ quốc, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) các tổ chức thành viên khác của Mặt trận và các cơ quan, tổ chức khác... với dự thảo văn bản quy phạm pháp luật mà ngay từ khâu lập đề nghị xây dựng pháp luật đã phải tiến hành. Bên cạnh việc góp ý bằng văn bản, VCCI cũng tham gia sâu vào quá trình soạn thảo văn bản quy phạm pháp luật thông qua việc là thành viên của ban soạn thảo, tổ biên tập, hoặc đóng góp ý kiến tại các cuộc họp thẩm định, thẩm tra.

	Cần có chính sách tạo động lực phát triển mạnh mẽ hơn cho doanh nghiệp
Cần có chính sách tạo động lực phát triển mạnh mẽ hơn cho doanh nghiệp
Nguồn: ITN

Đó là với pháp luật trong nước, với pháp luật kinh tế quốc tế, tại Quyết định 06/2012 của Thủ tướng Chính phủ về việc tham vấn cộng đồng doanh nghiệp về các thỏa thuận thương mại quốc tế cũng xác định quyền thực hiện góp ý kiến của cộng đồng doanh nghiệp trong giai đoạn nghiên cứu khả thi. Doanh nghiệp cũng được tham gia cho ý kiến trong giai đoạn đàm phán, thông qua đầu mối là VCCI.

Đưa ra hai ví dụ nêu trên, Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc cho rằng, Nhà nước rất coi trọng tiếng nói của doanh nghiệp trong quá trình xây dựng, soạn thảo chính sách, pháp luật. Cùng với sự cởi mở, minh bạch hơn trong quy trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật từ phía cơ quan quản lý nhà nước, hoạt động góp ý và phản biện chính sách cũng được một số hiệp hội doanh nghiệp thực hiện hiệu quả. Ví dụ như Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam, Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam, Hiệp hội Dệt May Việt Nam… đã tích cực góp ý xây dựng chính sách với nhiều ý kiến có chất lượng.

Không chỉ có sự tham gia góp ý của tổ chức hiệp hội doanh nghiệp hay các tập đoàn, tổng công ty lớn mà cộng đồng doanh nghiệp nhỏ và vừa cũng đã có những "dấu ấn” trong quy trình xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc nhớ lại, năm 2018, một thông tư về phí cảng biển được soạn thảo, trong đó có thay đổi về mức phí. Quy định này tác động đến các doanh nghiệp kinh doanh kho bãi tại các cảng biển - chủ yếu là doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ. Tại thời điểm thông tư này sắp được ban hành, các doanh nghiệp kinh doanh kho bãi thông qua VCCI đã kiến nghị với cơ quan chủ trì soạn thảo. Từ kiến nghị này, một cuộc đối thoại giữa các doanh nghiệp cảng biển, kho bãi, cơ quan quản lý nhà nước và một số hiệp hội được tổ chức. Qua cuộc đối thoại này, nhiều kiến nghị của doanh nghiệp kho bãi được ghi nhận và quy định ban hành đã cân bằng lợi ích giữa các bên.

Vẫn có cản trở

Bên cạnh những chuyển biến tích cực với công tác lấy ý kiến Đối tượng chịu sự tác động nói chung và cộng đồng doanh nghiệp nói riêng trong quá trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, công tác này đến nay vẫn có không ít tồn tại, hạn chế. Trong đó, với công tác xây dựng dự án luật, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng lưu ý, việc tổ chức lấy ý kiến trong quá trình xây dựng dự án nhiều trường hợp còn hình thức, hiệu quả không cao. Đối tượng được lấy ý kiến chưa đầy đủ, trong khi đó, việc tham gia ý kiến của không ít cơ quan, tổ chức còn sơ sài, mang tính chiếu lệ. Một số cơ quan được lấy ý kiến chưa làm hết trách nhiệm, thường chỉ có ý kiến vào nội dung có liên quan trực tiếp đến lĩnh vực mình phụ trách, đối với những lĩnh vực khác cơ bản đồng ý.

Ngoài những hạn chế nêu trên, báo cáo của VCCI cho rằng, một trong những cản trở lớn nhất để doanh nghiệp, hiệp hội tham gia vào quá trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật là tính minh bạch trong quá trình giải trình ý kiến góp ý. Dù hiện nay, quá trình tiếp thu của cơ quan soạn thảo đã minh bạch hơn nhiều, nhất là qua phương thức lấy ý kiến bằng tổ chức hội thảo, tọa đàm, ý kiến góp ý được trao đổi ngay lập tức. Nhưng theo dõi trên website của cơ quan soạn thảo, việc đăng tải bản giải trình tiếp thu theo đánh giá của VCCI vẫn còn rất hạn chế.

Tất nhiên, việc tham gia vào quá trình này của cộng đồng doanh nghiệp cũng có một số hạn chế. Báo cáo của VCCI nêu rõ, những lĩnh vực tài chính, ngân hàng, bảo hiểm có số lượng doanh nghiệp gửi ý kiến góp ý khá nhiều, trong khi các lĩnh vực khác lại ít. Các doanh nghiệp gửi ý kiến về chủ yếu là các doanh nghiệp lớn, tổng công ty, có bộ phận phụ trách về pháp lý, rất hãn hữu mới nhận được ý kiến của doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Các doanh nghiệp nhỏ và vừa, thậm chí siêu nhỏ tuy chiếm đa số trong cộng đồng doanh nghiệp nước ta, nhưng thường họ bận rộn với “cuộc sống mưu sinh hàng ngày” nên để thường xuyên theo dõi và biết được các dự thảo văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến mình ở nhiều lĩnh vực khác nhau là rất khó khăn. Trong khi đó, theo ý phản ánh của doanh nghiệp thì thời gian lấy ý kiến ngắn, nội dung dự thảo khó hiểu (nội dung dự thảo thường là toàn văn, nhiều khi rất dài, nhiều thuật ngữ chuyên môn…) nên doanh nghiệp không đủ năng lực để góp ý.

Thời gian tới, hệ thống pháp luật về kinh tế tiếp tục được xây dựng ban hành mới hoặc sửa đổi, bổ sung. Việc huy động cộng đồng doanh nghiệp góp ý cho các văn bản quy phạm pháp luật sẽ góp phần bảo đảm chính sách, pháp luật hỗ trợ tốt hơn cho chính cộng đồng này. Nhưng, việc tổ chức lấy ý kiến của doanh nghiệp cần được thay đổi, thay vì đăng tải toàn văn dự thảo một cách máy móc, nên có diễn giải về từng nhóm vấn đề để phù hợp với năng lực đọc, hiểu, qua đó giúp họ tham gia góp ý nhiều và sâu hơn. Xây dựng cơ chế chia sẻ thông tin hiệu quả giữa cơ quan quản lý nhà nước với doanh nghiệp, hiệp hội. Tăng cường nguồn lực cho các tổ chức đại diện doanh nghiệp để tham gia hiệu quả hơn công tác góp ý văn bản quy phạm pháp luật. Tất nhiên, quan trọng nhất vẫn là nâng cao trách nhiệm, tính chịu trách nhiệm của cơ quan soạn thảo, thông qua tăng cường kiểm tra, siết chặt kỷ cương, kỷ luật trong công tác này, xử lý kịp thời các sai phạm.

Thanh Hải