Nhóm nghị sĩ hữu nghị trong ngoại giao nghị viện:

Đối ngoại Nhà nước nhưng mang tính nhân dân

- Thứ Sáu, 01/02/2019, 18:15 - Chia sẻ
Trao đổi với Báo Đại biểu Nhân dân đầu xuân Kỷ Hợi 2019, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại, Tổng Thư ký Tổ chức Nghị sĩ Hữu nghị (NSHN) Việt Nam QH Khóa XIV VŨ HẢI HÀ cho rằng, các nhóm NSHN giống như những cây cầu kết nối giữa các nghị viện, góp phần thúc đẩy quan hệ hữu nghị, hợp tác trên nhiều lĩnh vực giữa Việt Nam và các nước. Trong bối cảnh đất nước đang không ngừng hội nhập quốc tế sâu rộng hơn, hoạt động của các nhóm NSHN cần tiếp tục phát huy vai trò và lợi thế ngoại giao nghị viện.

Cầu nối nhỏ, tác động lớn

- Nếu coi mối quan hệ giữa Quốc hội nước ta với Nghị viện các nước là một chỉnh thể thì sự liên kết giữa các cá nhân ĐBQH, giữa từng nhóm NSHN có thể coi là những “mao mạch”, thưa ông?

- Đó là một hình ảnh so sánh thú vị và chính xác. Trong những khóa QH gần đây, hoạt động của các Nhóm NSHN đã trở thành một kênh quan trọng trong hoạt động ngoại giao nghị viện. Hoạt động của các nhóm NSHN mang tính linh hoạt, mềm dẻo và ngày càng đi vào chiều sâu, hiệu quả, thực chất với vai trò là diễn đàn trao đổi về các mối quan tâm của nghị sĩ, nghị viện các nước như thúc đẩy hợp tác kinh tế, thương mại ở cấp trung ương và địa phương.

Việc trao đổi đoàn, giao lưu, tiếp xúc giữa các ĐBQH nước ta với nghị sĩ các nước đã góp phần tăng cường sự hiểu biết lẫn nhau, tin cậy chính trị, thúc đẩy quan hệ hữu nghị, hợp tác giữa nước ta với các nước. Thông qua cơ chế nghị sĩ hữu nghị, ta đã vận động và giành được sự ủng hộ tích cực của nghị sĩ, Nghị viện và chính giới các nước trong giải quyết các vấn đề khu vực và quốc tế, những vấn đề liên quan trực tiếp đến lợi ích quốc gia.


Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển với các nghị sĩ Nghị viện châu Âu trong chuyến thăm và làm việc tại Việt Nam 
Ảnh: Thanh Chi

Hoạt động tích cực và hiệu quả của các nhóm NSHN của ta đã thúc đẩy phía bạn cũng thành lập các nhóm tương tự. Chẳng hạn, tháng 1.2018, Hạ viện Ấn Độ đã thành lập Nhóm Nghị sĩ hữu nghị Ấn Độ - Việt Nam, sau thành công của Thỏa thuận hợp tác giữa QH hai nước được ký kết trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức của Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân đến Ấn Độ tháng 12.2016, cùng sức lan tỏa từ hiệu quả hoạt động của Nhóm nghị sĩ hữu nghị Việt Nam - Ấn Độ.

Các nhóm NSHN như những cầu nối tuy nhỏ nhưng có tác động lớn trong quan hệ giữa QH Việt Nam với Nghị viện/QH các nước, tạo nên sức mạnh tổng thể, góp phần củng cố và thúc đẩy hợp tác giữa Việt Nam và các nước.

- Ông có thể chia sẻ một số điểm nhấn trong hoạt động của các nhóm NSHN từ đầu nhiệm kỳ đến nay?

- Năm 2018, Nhóm NSHN Việt Nam - Nhật Bản mở đầu những sự kiện đầy ý nghĩa nhân dịp kỷ niệm 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Nhật Bản (1973 - 2018) bằng việc tổ chức thành công Lễ hội Nhật Bản - Việt Nam tại TP Hồ Chí Minh. Sự kiện này đánh dấu chặng đường quan trọng trong quan hệ hai nước, với nhiều thành tựu hợp tác vượt bậc mà hai bên đã đạt được trong tất cả các lĩnh vực từ chính trị, kinh tế, văn hóa, giáo dục tới giao lưu nhân dân. Hoạt động sôi nổi của Nhóm NSHN Việt Nam - Nhật Bản tạo ấn tượng mạnh mẽ về tình cảm và sự nhiệt huyết của các nghị sĩ hai nước nhằm đóng góp cho quan hệ Việt Nam - Nhật Bản phát triển rực rỡ như hiện nay.

Tôi đặc biệt ấn tưởng với ảnh hưởng và tâm huyết của Cố vấn đặc biệt Liên minh NSHN Nhật Bản - Việt Nam Tsutomu Takebe, người hàng năm đều sang thăm Việt Nam thậm chí còn nhiều hơn về thăm quê hương của chính ông, với trung bình 6 - 9 lần/năm. Tuy tuổi đã cao nhưng ông Takebe luôn thể hiện sự sung sức và quyết tâm cùng các ĐBQH Việt Nam vun đắp cho quan hệ hữu nghị giữa hai Quốc hội, hai đất nước. Đặc biệt, ngọn lửa nhiệt huyết tiếp tục được ông truyền cho con trai, Arata Takebe, người hiện là Hạ nghị sĩ, Thứ trưởng Bộ Môi trường Nhật Bản kiêm Chánh Văn phòng Liên minh NSHN Nhật Bản - Việt Nam. Ông Arata Takebe đang tích cực hoạt động hợp tác với các đối tác Việt Nam nhằm giải quyết các vấn đề môi trường và phát triển bền vững.

Bên cạnh nhóm NSHN Việt Nam - Nhật Bản, nhiều Nhóm NSHN khác như: Hàn Quốc, Pháp, Nga, Mỹ, Ba Lan, Argentina, Hy Lạp cũng hoạt động rất tích cực, sôi nổi. Mới nhất là ngày 18.1 vừa qua, đã có trận cầu đặc biệt mà các cầu thủ chính là các ĐBQH Việt Nam và Nghị sĩ Hàn Quốc. Những hoạt động đó đã góp phần thúc đẩy thiết lập các mối quan hệ cá nhân giữa ĐBQH của ta với nghị sĩ các nước, từ đó đưa quan hệ đối ngoại của QH Việt Nam với các nước đi vào chiều sâu.

- Được biết Nghị viện châu Âu (EP) có nhóm Nghị sĩ hữu nghị yêu Việt Nam. Trên cương vị Chủ tịch Nhóm NSHN Việt Nam - EP, ông đánh giá thế nào về vai trò của nhóm này trong thúc đẩy quan hệ giữa Quốc hội Việt Nam và EP?

- Trước khi có nhóm NSHN yêu Việt Nam, EP có Nhóm Những người bạn Việt Nam (gồm 14 nghị sĩ) do nghị sĩ người Bỉ Marc Tarabella thuộc Nhóm đảng Xã hội và dân chủ trong EP làm Chủ tịch. Nhóm này ra mắt nhân chuyến thăm chính thức EP tháng 12.2011 của nguyên Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng. Sau đó, EP Khóa 8 đã thành lập nhóm NSHN yêu Việt Nam ngày 11.11.2015, với 32 thành viên, do ông Jan Zahradil, Phó Chủ tịch Ủy ban Thương mại quốc tế làm Chủ tịch.

Về phía ta, từ nhiệm kỳ Khóa XII, QH đã thành lập nhóm NSHN Việt Nam - EP và các nước trong EU; Nhóm Nghị sĩ hữu nghị Việt Nam - EP của QH Khóa XIV được thành lập tháng 11.2016, gồm 13 thành viên, hiện do tôi làm Chủ tịch.

Thời gian qua, nhóm NSHN hai bên duy trì kênh thông tin, trao đổi, tiếp xúc, đối thoại thường xuyên. Thông qua gặp gỡ, tọa đàm, các nghị sĩ châu Âu đã cập nhật thông tin về tình hình Việt Nam, hoạt động của QH Việt Nam, trao đổi với tinh thần thẳng thắn, xây dựng. Việc đối thoại là bổ ích để tăng cường sự hiểu biết lẫn nhau, qua đó thúc đẩy hợp tác giữa hai bên ngày càng hiệu quả, giảm dần khác biệt.

Chủ động trong hội nhập

- Năm 2018, QH đã phê chuẩn Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP). Đầu năm 2019, Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) dự kiến sẽ được ký kết và trình EP và QH ta phê chuẩn. Các NSHN hẳn đóng vai trò nhất định trong những tiến trình này, thưa ông?

- Tiến trình đàm phán, ký kết và phê chuẩn các Hiệp định đa phương thường diễn ra trong thời gian dài và có sự đóng góp của nhiều cơ quan, bộ, ban, ngành. Với CPTPP, các Nhóm NSHN của Việt Nam với Nhật Bản, Canada, Australia… đã thường xuyên tiếp xúc, trao đổi với nghị sĩ các nước này, đặc biệt trong thời điểm xúc tiến phê chuẩn Hiệp định.

Với EVFTA, hoạt động vận động EU ký và phê chuẩn được các Nhóm NSHN Việt Nam triển khai từ rất sớm. Sau này, khi hai bên nhất trí tách thành EVFTA và Hiệp định Bảo hộ Đầu tư (IPA), Nhóm NSHN tích cực ủng hộ EP phê chuẩn Hiệp định trước khi kết thúc nhiệm kỳ EP Khóa VIII. Đặc biệt, EP đã thành lập và tích cực thúc đẩy hoạt động của các nhóm khảo sát, thẩm tra, điều trần về các nội dung của Hiệp định, đã triển khai các chuyến thăm Việt Nam. Ủy ban Đối ngoại, Nhóm NSHN Việt Nam - EP tích cực làm việc với đại diện Chủ tịch và Phó Chủ tịch Ủy ban Thương mại quốc tế, cơ quan chuyên môn có nhiệm vụ thẩm tra, đưa ra các khuyến nghị đối với EP trong quá trình phê chuẩn; tích cực làm việc với đại diện EP góp phần giải quyết các vấn đề tồn đọng liên quan đến 3 công ước cốt lõi của Tổ chức Lao động Quốc tế, vấn đề kiểm dịch thực vật và thực hiện quy định cấm đánh bắt cá trái phép (IUU), phê chuẩn Hiệp định Đối tác tự nguyện về Thực thi luật lâm nghiệp, quản trị rừng và thương mại lâm sản (VPA/FLEGT). Tới đây, Nhóm NSHN Việt Nam - EP sẽ chủ trì đón tiếp, làm việc với đoàn Nhóm NSHN yêu Việt Nam của EP thăm Việt Nam (dự kiến vào tháng 2.2019). Việc vận động, thúc đẩy ký chính thức và phê chuẩn EVFTA sẽ là một trong những nội dung trao đổi chính trong chuyến thăm.

- Việt Nam đang ngày càng hội nhập sâu rộng hơn với khu vực và thế giới, hoạt động đối ngoại của QH ngày càng phát huy vai trò là kênh quan trọng trong công tác đối ngoại của Đảng, Nhà nước. Điều này đặt ra những thách thức và yêu cầu gì đối với các Nhóm NSHN, thưa ông? 

- Trong bối cảnh Việt Nam ngày càng hội nhập quốc tế sâu rộng, hoạt động đối ngoại của QH ngày càng phải phát huy lợi thế “vừa mang tính đối ngoại nhà nước, vừa mang tính nhân dân sâu sắc”. Điều này ít nhiều cũng đặt ra những thách thức không nhỏ đối với Tổ chức NSHN nói chung, từng nhóm NSHN và các ĐBQH thành viên nói riêng, nhất là khi nguồn lực dành cho hoạt động NSHN còn hạn chế.

 Với nhiệm vụ và hoàn cảnh như vậy, từng Nhóm NSHN của Việt Nam cần tích cực, chủ động lên kế hoạch hoạt động của năm, báo cáo Tổ chức Nghị sĩ hữu nghị Việt Nam, Ủy ban Đối ngoại; tăng cường phối hợp với các Đại sứ quán tại Việt Nam và Đại sứ quán Việt Nam tại các nước để làm cầu nối giữa các Nhóm NSHN.

Cá nhân tôi, với vai trò là Tổng Thư ký Tổ chức NSHN Việt Nam, sẽ là đầu mối thúc đẩy triển khai các điều khoản liên quan đến Nhóm NSHN trong các Thỏa thuận được ký kết giữa QH Việt Nam với Nghị viện các nước, phối hợp với các cơ quan hữu quan tổ chức các hoạt động hiệu quả, thiết thực hơn, nhằm phát huy hơn nữa vai trò của các Nhóm NSHN và các ĐBQH nói riêng trong hoạt động đối ngoại nghị viện.

- Xin trân trọng cảm ơn ông!

Thanh Chi thực hiện