“Vệ sĩ áo vàng” trong phát triển nông nghiệp xanh

- Thứ Năm, 25/04/2024, 18:45 - Chia sẻ

Phát triển cà phê bền vững, thân thiện môi trường là mục tiêu mà nông dân tỉnh Đắk Lắk đã và đang hướng đến thực hiện trong thời gian qua. Trong đó, giải pháp nuôi kiến vàng để phòng, chống các loại sâu bệnh gây hại trên cây cà phê mang lại những hiệu quả khá toàn diện trong việc bảo vệ môi trường và giúp tăng năng suất, chất lượng sản phẩm.

"Vệ sĩ áo vàng" giúp phát triển nông nghiệp xanh​​​

Theo Ông Lê Văn Vương, xã Ea Kao, TP. Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk - một trong những người tiên phong sản xuất cà phê hữu cơ tại tỉnh Đắk Lắk, việc làm thế nào giữ được vườn cây khỏe mạnh, sạch bệnh, năng suất ổn định khi không dùng thuốc hóa học là điều ông Vương luôn trăn trở.

Ông Lê Văn Vương chia sẻ về thực hiện mô hình sử dụng kiến vàng trong phòng, chống sinh vật gây hại cây cà phê

Năm 2023, ông tham gia thực hiện mô hình “Ứng dụng biện pháp sinh học sử dụng kiến vàng trong phòng, chống sinh vật gây hại cây cà phê tại một số tỉnh Tây Nguyên” do Trung tâm Bảo vệ thực vật miền Trung (Cục Bảo vệ thực vật) triển khai và đã mang lại hiệu quả rất tốt.

“Những chú kiến vàng này sẽ ăn những con rầy con rệp, con sâu để giúp cho cây cà phê không bị bệnh hại”, ông Vương chia sẻ.

Theo bà Phạm Thị Thu Trang, Trung tâm Bảo vệ thực vật miền Trung, Cục bảo vệ thực vật, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, việc nhân thả kiến vàng sẽ giúp cho bà con nông dân hạn chế được số lần sử dụng thuốc bảo vệ thực vật trên vườn cà phê, bên cạnh đó sẽ góp phần làm tăng năng suất cũng như chất lượng cà phê.

Mô hình giúp kiến vàng di chuyển trong vườn cây cà phê

Cụ thể, kiến vàng là một hình thức kiểm soát dịch hại tự nhiên và không có tác động tiêu cực đến môi trường như thuốc trừ sâu hóa học. Kiến vàng có hiệu quả cao trong việc kiểm soát sinh vật gây hại cà phê và các nghiên cứu đã chỉ ra rằng chúng có thể làm giảm đáng kể quần thể sâu hại. Việc sử dụng kiến vàng có thể mang lại lợi ích kinh tế cho nông dân, vì họ không phải tốn chi phí sử dụng thuốc bảo vệ thực vật đắt tiền và ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường.

Một trong những đặc điểm quan trọng nhất của kiến vàng là vai trò sinh thái của nó trong việc kiểm soát sinh vật. Thực tế đã chỉ ra rằng kiến vàng là kẻ săn mồi hiệu quả của nhiều loài sâu hại, bao gồm sâu đục quả cà phê, rầy và bọ trĩ. Ngoài ra, kiến vàng được biết đến là loài có khả năng thích nghi cao và có thể nhanh chóng phản ứng với những thay đổi của môi trường.

“Vệ sỹ áo vàng” trong phát triển nông nghiệp xanh -0
Tổ kiến vàng giúp nông dân diệt trừ sâu bệnh hại

Trong khi đó, việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật hóa học trong canh tác cà phê là một trong những nguyên nhân chính gây ra dư lượng thuốc trong cà phê xuất khẩu. Những hóa chất này được sử dụng để kiểm soát các đối tượng sinh vật gây hại nhưng nếu không được sử dụng đúng cách, chúng có thể để lại dư lượng có hại trong hạt cà phê.

Giáo sư Bùi Chí Bửu, Phó Chủ tịch Hội nghiên cứu bệnh hại thực vật Việt Nam

Theo Giáo sư Bùi Chí Bửu, Phó Chủ tịch Hội nghiên cứu bệnh hại thực vật Việt Nam nhận định, hiện nay ngành nông nghiệp thâm canh quá mức, bón phân quá nhiều, các nhà khoa học khuyến cáo rất kĩ về nông nghiệp xanh là làm sao quản lý bệnh mà phải thân thiện với môi trường và phải ứng phó kịp thời với biến đổi khí hậu.

Việc áp dụng giải pháp sinh học sẽ giúp quản lý dịch hại trên cây cà phê như một phương pháp bền vững và thân thiện với môi trường hơn, và con kiến vàng qua thực tế đã thấy được hiệu quả.

Khánh Ngân
#