Đổi tên Tổng cục Dạy nghề thành Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp

- Thứ Hai, 21/08/2017, 18:36 - Chia sẻ
Chiều 21.8, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ, TB&XH) tổ chức triển khai Quyết định số 29/2017/QĐ-TTg ngày 3.7.2017 của Thủ tướng Chính phủ về quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (GDNN) thuộc Bộ LĐ, TB&XH.

 Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung dự. Cùng dự có Nguyên Bộ trưởng Bộ LĐ,TB&XH, Chủ tịch Hiệp hội Giáo dục nghề nghiệp và Nghề Công tác xã hội Nguyễn Thị Hằng; đại diện lãnh đạo các Bộ, ngành và các đơn vị thuộc Bộ LĐ,TB&XH.

Theo Quyết định số 29/2017/QĐ-TTg, Tổng cục Giáo GDNN là tổ chức thuộc Bộ LĐ, TB&XH, thực hiện chức năng tham mưu, giúp Bộ trưởng Bộ LĐ, TB&XH quản lý nhà nước và tổ chức thực thi pháp luật về giáo dục nghề nghiệp (trừ sư phạm) trong phạm vi cả nước; quản lý, thực hiện các dịch vụ công về giáo dục nghề nghiệp thuộc thẩm quyền theo quy định của pháp luật.

Về cơ cấu tổ chức, Tổng cục GDNN có 12 đơn vị gồm: Vụ Đào tạo chính quy; Vụ Đào tạo thường xuyên; Vụ Nhà giáo; Vụ Cơ sở vật chất và thiết bị; Vụ Công tác học sinh, sinh viên; Vụ Kỹ năng nghề; Vụ Tổ chức cán bộ; Vụ Kế hoạch - Tài chính; Vụ Pháp chế - Thanh tra; Văn phòng; Cục Kiểm định chất lượng giáo dục nghề nghiệp; Viện Khoa học giáo dục nghề nghiệp.


Tổng Cục trưởng Nguyễn Hồng Minh báo cáo quá trình hình thành và phát triển của Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp

Tổng Cục trưởng Tổng cục GDNN Nguyễn Hồng Minh cho biết, sau Cách mạng tháng 8.1945 đến nay, cơ quan quản lý nhà nước về dạy nghề đã qua nhiều lần thay đổi tên gọi, chức năng với tính chất và quy mô phát triển khác nhau. Từ chỗ chỉ có một bộ phận quản lý GDNN thuộc Bộ LĐ,TB&XH để đào tạo đội ngũ công nhân, cán bộ quốc phòng, y tế, nông nghiệp… theo hình thức trường lớp nhỏ, ngắn hạn, phân tán trong chiến khu, vùng tự do, vừa làm vừa học, coi trọng thực hành, gắn với thực tiễn, phù hợp với hoàn cảnh “toàn dân kháng chiến, toàn diện kháng chiến”. Đến năm 1969, khi có Tổng cục Đào tạo công nhân kỹ thuật thuộc Bộ LĐ, TB&XH và đặc biệt, khi Chính phủ đổi tên thành Tổng cục Dạy nghề và chuyển về trực thuộc Hội đồng Bộ trưởng (năm 1978), cơ quan quản lý nhà nước về GDNN các cấp được củng cố, kiện toàn và có những đóng góp quan trọng trong công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước. Năm 1987, Tổng cục Dạy nghề sáp nhập vào Bộ Đại học và Trung học chuyên nghiệp thành Bộ Đại học, Trung học chuyên nghiệp và Dạy nghề, công tác quản lý nhà nước về giáo dục đào tạo nghề bị thu hẹp hơn và sau đó chỉ còn là một bộ phận trong Vụ Trung học chuyên nghiệp và Dạy nghề. Trước nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội và phát triển nhân lực trong thời kỳ công nghiệp hóa, đại hóa đất nước; thực hiện Quyết định của Bộ Chính trị, ngày 23.5.1998, Chính phủ đã thành lập Tổng cục Dạy nghề thuộc Bộ LĐ, TB&XH. Những quyết định quan trọng trên đã tạo bước phát triển mới cho công tác quản lý nhà nước về GDNN trước ngưỡng cửa thế kỷ 21.

Sau khi Luật Giáo dục nghề nghiệp có hiệu lực thi hành, Chính phủ đã thảo luận, thống nhất và đồng thuận cao giao Bộ LĐ-TB&XH thống nhất quản lý nhà nước về GDNN trên phạm vi cả nước và ban hành Nghị định số 14/2017/NĐ-CP, trong đó đổi tên Tổng cục Dạy nghề thành Tổng cục GDNN; chức năng, nhiệm vụ quyền hạn và cơ cấu tổ chức cụ thể của Tổng cục được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 29/2017/QĐ-TTg và có hiệu lực thi hành từ ngày 21.8.2017. Đây là niềm vui, vinh dự lớn của toàn ngành GDNN, đồng thời là trách nhiệm đòi hỏi thực hiện tốt hơn nữa chức năng, nhiệm vụ được giao đối với Tổng cục và đội ngũ cán bộ, công chức.


Bộ trưởng Đào Ngọc Dung trao Quyết định thay đổi chức vụ lãnh đạo cho Tổng Cục trưởng Tổng cục GDNN Nguyễn Hồng Minh

Phát biểu tại buổi Lễ, Bộ trưởng Bộ LĐ, TB&XH Đào Ngọc Dung nhấn mạnh, Tổng cục GDNN đã trải qua một quá trình phát triển với đủ bậc, thăng, trầm; đã đổi tên, đổi cơ quan quản lý nhiều lần, nhưng có điều không thay đổi đó là lo công ăn việc làm, dạy nghề cho học sinh, sinh viên và những người có nhu cầu, nhằm đáp ứng nhu cầu xã hội trong việc đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực Việt Nam. Theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, từ khi Trung ương quyết định tái lập Tổng cục Dạy nghề, ngày nay là Tổng cục GDNN, với sự vào cuộc quyết liệt của các đồng chí Lãnh đạo Bộ các thời kỳ, GDNN đã có những bước phát triển vượt bậc, tích cực, được xã hội công nhận. Vai trò, vị trí của GDNN trong xã hội ngày càng nâng lên, cho chúng ta rất nhiều thời cơ và thách thức.


Bộ trưởng Đào Ngọc Dung và các đồng chí Lãnh đạo khai trương biển tên mới của Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp

Bộ trưởng, mong muốn toàn Tổng Cục trưởng nhận thức đầy đủ hơn, sâu sắc hơn về chất đối với GDNN để có một quyết tâm mới, cách làm mới, tư duy mới trong công việc. Trước hết, cần hoàn thành toàn bộ hệ thống văn bản pháp quy, để hệ thống GDNN vận hành trong một khuôn khổ pháp lý đầy đủ và thông thoáng nhất; sớm hoàn thiện quy hoạch mạng lưới GDNN theo hướng tinh gọn, chất lượng và thực chất. Đặc biệt, cần tập trung vào 10 nhóm giải pháp đổi mới phát triển GDNN, trong đó quan trọng nhất là tự chủ, kết nối doanh nghiệp, chuẩn hóa GDNN. Bên cạnh đó, Tổng cục cần hiểu rõ sự nghiệp GDNN không phải riêng của Tổng cục hay của Bộ LĐ, TB&XH mà cần để nó hòa chung trong nhận thức của toàn xã hội.

Thái Bình