Đối thoại cấp cao về biến đổi khí hậu

- Thứ Năm, 11/10/2018, 00:08 - Chia sẻ
Sáng 10.10, tại Hà Nội, Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp với Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) và Ủy ban Liên chính phủ về biến đổi khí hậu (IPCC) tổ chức Hội nghị đối thoại cấp cao về biến đổi khí hậu (BĐKH). Tham dự hội nghị có Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Công Thành; Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cùng các nhà quản lý, hoạch định chính sách, đại diện các đối tác phát triển, nhà khoa học, doanh nghiệp, tổ chức chính trị - xã hội.

Phát biểu khai mạc, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Công Thành cho biết: Là một trong những quốc gia chịu tác động nặng nề của BĐKH, Việt Nam luôn chủ động và tích cực thực hiện các cam kết quốc tế và nỗ lực ứng phó với BĐKH. Cùng với việc phê duyệt Thoả thuận Paris, Việt Nam đã ban hành Kế hoạch thực hiện Thỏa thuận Paris về BĐKH, trọng tâm tập trung vào việc thực hiện Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC). Hội nghị tập trung thảo luận các vấn đề liên quan đến công tác ứng phó với BĐKH tại Việt Nam; đẩy mạnh hợp tác, kết nối các đối tác phát triển, cộng đồng khoa học, doanh nghiệp, các tổ chức, cá nhân ứng phó với BĐKH.

Đối với nội dung Báo cáo đặc biệt của IPCC về tác động của việc ấm lên toàn cầu 1,50C và những nỗ lực ứng phó BĐKH toàn cầu, Chủ tịch IPCC, TS. Hoesung Lee cho biết: Việc hạn chế sự nóng lên toàn cầu lên 1,5ºC sẽ đòi hỏi những thay đổi nhanh chóng, sâu rộng và chưa từng có trong tất cả các khía cạnh của xã hội. Với lợi ích rõ ràng đối với người dân và hệ sinh thái tự nhiên, việc hạn chế sự nóng lên toàn cầu đến 1,5ºC so với 2ºC có thể đi đôi với việc bảo đảm xã hội bền vững và công bằng hơn. Do đó, việc hạn chế này sẽ giảm tác động đến hệ sinh thái, sức khỏe con người để dễ dàng đạt được mục tiêu phát triển bền vững của Liên Hợp Quốc. “Đến năm 2100, mực nước biển toàn cầu sẽ dâng thấp hơn 10cm với sự nóng lên toàn cầu là 1,50C so với 20C. Khả năng xảy ra băng tan ở Bắc Băng Dương trong mùa hè cũng chỉ xảy ra một lần trong mỗi thế kỷ với sự nóng lên toàn cầu là 1,50C, so với ít nhất một lần mỗi thập kỷ với mức tăng là 20C. Đặc biệt, Rạn san hô sẽ giảm 70 - 90% khi nhiệt độ toàn cầu tăng 1,50C và tất cả sẽ bị mất đi nếu nhiệt độ tăng 20C” - Chủ tịch IPCC Hoesung Lee lấy ví dụ.

Cũng tại hội nghị, đại biểu đã nghe tham luận của các bộ về hoạt động nỗ lực ứng phó với BĐKH ở Việt Nam trên nhiều lĩnh vực. Đồng thời, hội nghị cũng thông tin thêm về việc thực hiện các cam kết quốc tế về BĐKH của Việt Nam, cụ thể: Việt Nam đã xây dựng và triển khai đồng bộ nhiều chính sách, giải pháp như, chiến lược quốc gia về BĐKH; chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh, chiến lược phát triển năng lượng tái tạo, các Kế hoạch hành động ứng phó với BĐKH, Kịch bản BĐKH và nước biển dâng…

Phát biểu bế mạc hội nghị, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Công Thành khẳng định: Hội nghị đã ghi nhận các các ý kiến đóng góp xây dựng liên quan đến thách thức và cơ hội cho phát triển KT - XH và bảo vệ môi trường, đặc biệt là thích ứng với BĐKH, tiềm năng phát triển năng lượng tái tạo và tiết kiệm năng lượng hiệu quả ở Việt Nam. Đây là những đề xuất, thông tin có giá trị, sẽ được các cơ quan chức năng của Bộ Tài nguyên và Môi trường và các bộ, ngành nghiên cứu trong quá trình đề xuất hoàn thiện thể chế, chính sách, pháp luật và tăng cường hành động ứng phó với BĐKH tại Việt Nam.

TRỌNG HIẾU