Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ làm việc trực tuyến với Hội đồng Kinh doanh Hoa Kỳ - ASEAN

Đối thoại thực chất, cởi mở, trách nhiệm, cùng có lợi

- Thứ Sáu, 01/10/2021, 06:29 - Chia sẻ
Thu hút sự tham gia của hơn 30 doanh nghiệp hàng đầu Hoa Kỳ đang hoạt động tại Việt Nam, cuộc làm việc trực tuyến giữa Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ với Hội đồng Kinh doanh Hoa Kỳ - ASEAN (USABC) diễn ra sáng qua đã thành công tốt đẹp. Các kiến nghị, đề xuất cụ thể trong từng lĩnh vực hợp tác của các doanh nghiệp Hoa Kỳ đã được người đứng đầu cơ quan lập pháp trực tiếp trả lời trên tinh thần cởi mở, thẳng thắn, trách nhiệm. Như mong muốn và khẳng định của Chủ tịch Quốc hội, các doanh nghiệp của Hoa Kỳ và USABC sẽ tăng cường hơn nữa các hoạt động đối thoại chính sách với các cơ quan của Chính phủ và Quốc hội Việt Nam, không chỉ tháo gỡ vướng mắc, khó khăn mà còn phải hướng đến mục tiêu "đôi bên đều có lợi", cả Chính phủ và doanh nghiệp đều thắng.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu tại cuộc làm việc

Ảnh: Lâm Hiển 

Đối tác, nguồn lực tin cậy

​​​​​Quan tâm đến dự án Luật Điện ảnh (sửa đổi) sẽ được Quốc hội Khóa XV cho ý kiến tại Kỳ họp thứ Hai tới, Giám đốc Chính sách công của Netflix tại khu vực Đông Nam Á Nguyễn Nguyệt cho biết, Netflix đánh giá rất cao quan điểm gần đây của Chủ tịch Quốc hội tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội thảo luận về dự án này rằng, điện ảnh không chỉ là một loại hình nghệ thuật mà còn là ngành công nghiệp mới nổi có thể có tác động giúp các ngành khác tăng trưởng vượt bậc, đặc biệt là du lịch. Netflix nhất trí rằng, cần rà soát toàn diện và sửa đổi khung pháp lý, từ đó thể hiện rõ quan điểm coi điện ảnh là một sản phẩm văn hóa có giá trị cao, một ngành công nghiệp theo đúng nghĩa của nó với các chính sách kèm theo nhằm phát triển ngành như một lĩnh vực kinh tế.

Theo xu thế toàn cầu, Việt Nam cần nhìn nhận các hoạt động điện ảnh trong môi trường công nghệ số với tư duy cởi mở, loại bỏ những rào cản và gánh nặng không cần thiết cho các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này. Để ngành công nghiệp điện ảnh Việt Nam có thể phát triển nhanh chóng, Việt Nam cần có những chính sách nhằm khuyến khích đầu tư vào các hoạt động trong lĩnh vực này từ các công ty trong và ngoài nước để đưa điện ảnh Việt Nam ra thế giới. Đại diện Netflix đề xuất, Việt Nam nên áp dụng phương pháp hậu kiểm đối với phim vì đây là phương án hiệu quả hơn cho cả doanh nghiệp và cơ quan quản lý nhà nước, trong khi vẫn bảo đảm phim được phân loại chính xác. Các chi phí và thủ tục không cần thiết sẽ hạn chế sự phát triển của ngành điện ảnh Việt Nam, hạn chế năng lực sáng tạo và giảm khả năng tiếp cận các sản phẩm văn hóa của người dân Việt Nam.

Được tiến hành theo đề xuất của Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc USABC Ted Osius, cuộc làm việc trực tuyến giữa Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ với USABC là dịp để các doanh nghiệp Hoa Kỳ đang hoạt động tại Việt Nam khẳng định cam kết mạnh mẽ trong việc tiếp tục duy trì hoạt động tại Việt Nam, ủng hộ chiến lược phòng, chống dịch Covid-19 và chuyển sang trạng thái bình thường mới của Việt Nam. Trong phát biểu tại cuộc làm việc, ông Ted Osius cho biết, USABC mong muốn hợp tác cùng Quốc hội, Chính phủ Việt Nam để duy trì sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm và thúc đẩy phát triển kinh tế. Cộng đồng doanh nghiệp Hoa Kỳ khẳng định cam kết ủng hộ mục tiêu kép của Việt Nam là kiểm soát đại dịch và phát triển kinh tế, cũng như thích ứng với trạng thái bình thường mới.

Giám đốc 3M tại Việt Nam Jacky Kang cho biết, là một trong những công ty khoa học hàng đầu thế giới và nhà cung cấp thiết bị bảo hộ cá nhân hàng đầu, 3M mong muốn chia sẻ với Việt Nam những kiến thức, kinh nghiệm chuyên môn và thực tiễn tốt nhất trong việc ứng phó đại dịch Covid-19. Giám đốc điều hành Citibank tại Việt Nam Ramachandran A.S khẳng định, Citibank là ngân hàng quốc tế hàng đầu đóng vai trò tích cực trong quá trình hội nhập kinh tế toàn cầu của Việt Nam trong 27 năm qua và mong muốn tiếp tục cung cấp các tiêu chuẩn mới về trải nghiệm khách hàng cũng như hỗ trợ Việt Nam trở thành điểm thu hút các khoản đầu tư trực tiếp nước ngoài có chất lượng.

Chuyển đổi số là một trong những mục tiêu trọng tâm của Chiến lược phát triển quốc gia giai đoạn 2021 - 2030. Việt Nam đang ở vị thế tốt để đạt được tham vọng số bằng cách tận dụng thế mạnh của mình và tạo ra các thể chế theo hướng khuyến khích, chấp nhận các sản phẩm, giải pháp, dịch vụ cũng như mô hình kinh doanh số mới. Đặt vấn đề này, đại diện Citibank cho biết, với những tiến bộ đáng kể trong quá trình chuyển đổi số, Citibank mong muốn chia sẻ với Việt Nam một số đề xuất nhằm hoàn thiện khuôn khổ pháp lý trong việc thúc đẩy tăng trưởng và chuyển đổi số, đặc biệt trong lĩnh vực tài chính. Citibank đang hợp tác chặt chẽ với các quốc gia trong khu vực và Việt Nam về các vấn đề dữ liệu, bao gồm quyền riêng tư, bảo mật và luồng dữ liệu xuyên biên giới, những vấn đề có ảnh hưởng to lớn đối với lĩnh vực tài chính và ngân hàng.

Chia sẻ cam kết trong hoạt động tại Việt Nam, Hiệp hội thúc đẩy ứng dụng khoa học công nghệ trong nông nghiệp - CropLife, cho biết sẽ đóng góp các giải pháp công nghệ mới, kết nối Việt Nam với mạng lưới các tổ chức quốc tế và chuyên gia quốc tế để trao đổi thông tin, hỗ trợ xây dựng hệ thống chính sách phù hợp cho việc ứng dụng khoa học công nghệ trong lĩnh vực nông nghiệp; tổ chức tham quan mô hình ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao và tham gia tổ chức các hoạt động tập huấn nông dân có quy mô cùng với các chuỗi ngành hàng hướng tới phục vụ mục tiêu đẩy mạnh xuất khẩu nông sản có giá trị cao tại Việt Nam.

Các doanh nghiệp của Hoa Kỳ hoạt động tại Việt Nam cũng đã chia sẻ một số khó khăn, vướng mắc trong duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh trong bối cảnh đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp. Đồng thời, đưa ra nhiều đề xuất, kiến nghị cụ thể nhằm bảo đảm sản xuất, kinh doanh an toàn trong quá trình ứng phó với dịch bệnh, cũng như phục hồi kinh tế và phát triển bền vững sau Covid-19.

Đáng giá cao các nỗ lực của Việt Nam trong kiểm soát dịch bệnh thời gian qua, Phó Chủ tịch Cấp cao kiêm Giám đốc điều hành khu vực của USABC Michael Michalak cho biết, cộng đồng doanh nghiệp tiếp tục phải vật lộn để phục hồi sản xuất kinh doanh trước những tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19, sự đứt gãy của chuỗi cung ứng, giá nguyên vật liệu tăng cao… Do đó, USABC kiến nghị, Chính phủ và Quốc hội Việt Nam tiếp tục có các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp trong việc miễn, giảm, gia hạn các loại thuế, phí và lệ phí; cân nhắc không xem xét tăng thuế hoặc bổ sung bất kỳ loại thuế mới nào trong thời gian tới để doanh nghiệp có thể tập trung vào phục hồi sản xuất, kinh doanh, từ đó đóng góp nhiều hơn nữa vào sự phát triển kinh tế của Việt Nam.

Mong muốn Quốc hội, Chính phủ Việt Nam có những chính sách hỗ trợ ngành ô tô vượt qua khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, Giám đốc Điều hành Ford Việt Nam Phạm Văn Dũng đề nghị, Việt Nam cân nhắc giảm 50% lệ phí trước bạ đối với xe đăng ký mới trong thời gian tới, nhằm kích cầu tiêu dùng trong nước và giúp ngành ô tô vượt qua khó khăn hiện nay; triển khai hình thức nộp thuế trước bạ, đăng ký xe theo hình thức trực tuyến để tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp đăng ký xe. Cùng với đó là tiếp tục duy trì và mở rộng hỗ trợ sản xuất trong nước thông qua chiết khấu thuế tiêu thụ đặc biệt trên cơ sở giá trị gia tăng nội địa; có các biện pháp hỗ trợ nhằm nâng cao tính cạnh tranh cho sản xuất trong nước.

Có thể thấy, hầu hết các ý kiến, kiến nghị của doanh nghiệp Hoa Kỳ đều thể hiện mong muốn Việt Nam tạo điều kiện để có thể làm ăn, kinh doanh lâu dài tại Việt Nam. Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đánh giá cao cam kết và các đề xuất của doanh nghiệp Hoa Kỳ trong việc duy trì hoạt động tại Việt Nam. Các ý kiến, đề xuất của doanh nghiệp Hoa Kỳ phản ánh mối quan tâm chung của cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam cũng như doanh nghiệp nước ngoài hoạt động tại Việt Nam trong bối cảnh hiện nay. Chủ tịch Quốc hội mong muốn, khu vực kinh tế tư nhân Hoa Kỳ tại Việt Nam, đặc biệt là các doanh nghiệp thành viên USABC sẽ tích cực phát huy vai trò là đối tác và nguồn lực tin cậy trong việc thúc đẩy các mục tiêu, ưu tiên kinh tế chung, đặc biệt trong việc hỗ trợ thực hiện các chiến lược, kế hoạch chuyển đổi số và phát triển bền vững của Việt Nam.

Sẽ tiếp tục có chính sách hỗ trợ về tài khóa và tiền tệ

Giải đáp trực diện vào những vấn đề các doanh nghiệp Hoa Kỳ nêu ra tại cuộc làm việc, trong đó có đề xuất liên quan đến chuyển đổi số, kinh tế số, phát triển ngành công nghiệp điện ảnh, Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, một trong những động lực tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong giai đoạn tới đây là dựa nhiều vào khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, nhấn mạnh yếu tố con người. Vì vậy, xây dựng và kiến tạo một hệ sinh thái khởi nghiệp, hệ sinh thái cho đổi mới sáng tạo ở Việt Nam là vấn đề được Quốc hội và Chính phủ Việt Nam đặc biệt quan tâm. Việt Nam mong muốn các doanh nghiệp Hoa Kỳ và USABC tiếp tục đóng góp ý kiến cho Việt Nam trong lĩnh vực này, nhất là về chuyển đổi số, phát triển nền kinh tế số.

Riêng với dự án Luật Điện ảnh (sửa đổi), Chủ tịch Quốc hội cho biết, vừa qua Ủy ban Thường vụ Quốc hội Việt Nam đã yêu cầu cơ quan soạn thảo phải đáp ứng được hai yêu cầu lớn. Một là, quan điểm phát triển điện ảnh không chỉ là một loại hình văn hóa nghệ thuật mà còn là một ngành công nghiệp văn hóa, một ngành kinh tế mới nổi. Vì vậy, dự luật này phải tạo ra hành lang pháp lý để thúc đẩy điện ảnh phát triển với tư cách là một ngành kinh tế, tuân theo các quy luật của một ngành kinh tế. Hai là, ngành điện ảnh ngày nay phải đáp ứng được yêu cầu về sản xuất, lưu hành, phát hành trong môi trường số. Rõ ràng, có những chính sách không thể áp dụng chung cho điện ảnh truyền thống và điện ảnh trong môi trường số. Do đó, phải đặt vấn đề tiền kiểm và hậu kiểm phù hợp. Quốc hội đang tiếp tục thảo luận về vấn đề này và cam kết sẽ bảo đảm tốt nhất theo các thông lệ và luật pháp quốc tế.

Chủ tịch Quốc hội ghi nhận các kiến nghị của doanh nghiệp Hoa Kỳ về giảm, giãn, hoãn thuế, phí nhằm hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn trong đại dịch Covid-19 và cho biết, vừa qua, Quốc hội và Chính phủ Việt Nam đã ban hành nhiều chính sách để hỗ trợ doanh nghiệp. Tại tọa đàm tham vấn chuyên gia trong nước và quốc tế về kinh tế - xã hội vừa diễn ra đầu tuần này cũng đã thống nhất cần tiếp tục có các gói hỗ trợ bằng cả chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ, trong đó chú trọng hơn các chính sách tài khóa nhằm đóng góp nhiều hơn cho việc hỗ trợ doanh nghiệp. Theo đó, không chỉ giãn, hoãn các khoản thuế mà còn hỗ trợ cho cả các doanh nghiệp đang bị thua lỗ, đang gặp khó khăn về dòng tiền hoặc hỗ trợ bằng tiền mặt cho người lao động và người sử dụng lao động. Ủy ban Thường vụ Quốc hội Việt Nam cũng đã gợi ý với Chính phủ nghiên cứu, có các chính sách mới hỗ trợ doanh nghiệp thua lỗ thông qua các chính sách giúp giảm chi phí đầu vào, chi phí về nhân công hoặc cho phép chuyển lỗ vào các thời kỳ sau nhiều hơn so với quy định của pháp luật hiện hành. Các giải pháp này đang được các cơ quan của Quốc hội và Chính phủ tích cực nghiên cứu, xây dựng.

Chủ tịch Quốc hội mong muốn, các doanh nghiệp của Hoa Kỳ và USABC sẽ tăng cường hơn nữa các hoạt động đối thoại chính sách với các cơ quan của Chính phủ và Quốc hội Việt Nam, không chỉ tháo gỡ vướng mắc, khó khăn mà còn phải hướng đến mục tiêu đôi bên đều có lợi, cả Chính phủ và doanh nghiệp đều thắng: Chính phủ thì nâng cao năng lực quản trị quốc gia, doanh nghiệp nâng cao được năng lực quản trị doanh nghiệp, qua đó, nền kinh tế và người dân, người lao động sẽ được hưởng lợi.

Nhật An