“Đối xử thật tốt với nhà đầu tư hiện tại”

- Chủ Nhật, 29/11/2020, 06:41 - Chia sẻ

Những dự báo về một làn sóng đầu tư mới có thể đổ vào Việt Nam xuất hiện với tần suất dày đặc kể từ khi xảy ra thương chiến Mỹ - Trung và sau đó là dịch Covid-19 khởi đầu rồi bùng phát ở nơi được coi là công xưởng của thế giới.

Trên thực tế, 10 tháng năm nay, Việt Nam thu hút được 23,48 tỷ USD vốn đầu tư nước ngoài (FDI). Kết quả này tuy chỉ bằng 80,6% so với cùng kỳ năm 2019 nhưng vẫn được đánh giá là tích cực trong xu hướng sụt giảm chung của dòng vốn đầu tư toàn cầu vì Covid-19. Theo số liệu Hội nghị Liên Hợp Quốc về Thương mại và Phát triển vừa công bố, dòng vốn FDI toàn cầu đã suy giảm gần 50% trong 6 tháng đầu năm so với cùng kỳ năm 2019 và dự kiến cả năm nay sẽ giảm 40%.

Dù vậy, chỉ dấu tích cực đó, và thậm chí cả việc hãng công nghệ hàng đầu thế giới Apple đang tăng cường hoạt động sản xuất và sự liên hệ với thị trường Việt Nam, cũng không có nghĩa “làn sóng” FDI đã “cập bờ” nước ta. Có thể nhận thấy điều này khi nhìn vào thực tế: FDI vào châu Á đang phục hồi và Trung Quốc nổi lên là một điểm sáng. Đi ngược lại với xu thế suy giảm chung, vốn FDI vào Trung Quốc vẫn tăng 2,5%, trong đó giá trị các thương vụ mua bán - sáp nhập tăng tới 84% so với cùng kỳ năm ngoái.

Rõ ràng, sức hút của thị trường đông dân nhất thế giới vẫn rất mạnh mẽ và các nhà đầu tư không dễ gì mà dịch chuyển ra khỏi nơi này. Theo điều tra của JETRO vào cuối năm 2019, trong số 142 doanh nghiệp Nhật Bản dự định di chuyển cơ sở sản xuất từ Trung Quốc, có 37 doanh nghiệp chọn Việt Nam là điểm đến, trong khi 21 doanh nghiệp chọn Thái Lan và 9 doanh nghiệp trở lại Nhật Bản đầu tư. Tuy vậy, đó mới chỉ là dự định. Trên thực tế chưa thấy Nhật Bản và các nước tiên tiến đầu tư nhiều vào Việt Nam, trong tốp đầu vẫn là những cái tên Singapore, Thái Lan, Trung Quốc…

Tương tự, Tổ công tác đặc biệt để đón “đại bàng” FDI đến làm tổ kể từ khi thành lập (giữa tháng 6 vừa qua) đã tiến hành nhiều hoạt động quan trọng, tiếp xúc với nhiều tập đoàn lớn... Bước đầu đã có những cam kết đầu tư hàng tỷ USD vào Việt Nam nhưng chưa nhiều cam kết trở thành hiện thực, ít nhất là thể hiện qua các giấy chứng nhận đăng ký đầu tư mới được ký.

Nhiều nhà đầu tư vẫn muốn ở lại và tìm đến Trung Quốc trong khi Indonesia, Thái Lan, Ấn Độ… liên tiếp đưa ra những lời mời gọi hấp dẫn khiến cuộc đua cạnh tranh thu hút FDI trong “kỷ nguyên Covid" càng khó khăn hơn. Hiện thực ấy buộc Việt Nam phải “tác chiến” với từng nhà đầu tư, từng dự án; thay đổi cách xúc tiến; đôn đốc, thúc đẩy nhà đầu tư sớm ra quyết định, nếu không sẽ mất cơ hội.

Đầu tháng 11 này, lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã họp bàn về các mức ưu đãi đầu tư đặc biệt dành cho những nhà đầu tư lớn và dự án quan trọng. Có gói ưu đãi đặc biệt ấy, chúng ta có cái để thảo luận với nhà đầu tư, khi ấy dự báo về làn sóng FDI chất lượng cao đổ vào nước ta nhiều khả năng mới thành hiện thực.

Bên cạnh đó, có một cách khác để mời gọi nhà đầu tư mới, nhất là những “đại bàng” FDI như Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Nên chỉ ra trong cuộc làm việc mới đây tại Khu công nghệ cao của thành phố. Đó là hãy đối xử thật tốt với những nhà đầu tư hiện tại; hãy tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của họ. Trăm nghe không bằng một thấy, hành động ấy quả là sẽ có tác dụng hơn vạn lần lời nói khi đi xúc tiến, mời gọi đầu tư.

Hà Lan