Thực hiện Nghị quyết 128/NQ-CP

Đòn bẩy để các địa phương khôi phục kinh tế

- Thứ Năm, 28/10/2021, 16:57 - Chia sẻ
Theo ý kiến của các chuyên gia y tế và các đại biểu Quốc hội, kiểm soát dịch bệnh chính cơ hội tốt để đẩy mạnh lưu thông hàng hóa giúp các địa phương vực dậy nền kinh tế đã bị đóng băng sau nhiều tháng giãn cách bởi đợt dịch Covid-19 lần thứ 4. Trong đó, việc thực hiện nghiêm Nghị quyết 128/NQ-CP là một giải pháp tối ưu để giúp các tỉnh, thành phố vừa kiểm soát dịch bệnh hiệu quả vừa phát triển kinh tế trong tình hình mới.

Làm tốt công tác phòng dịch

Ở khu vực các tỉnh Tây Nam Bộ, ngay sau khi Chính phủ ban hành Nghị quyết 128/NQ-CP, tỉnh Sóc Trăng đã nhanh chóng triển khai với quyết tâm cao. Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng cho biết, thực hiện theo Nghị quyết 128/NQ-CP, tỉnh sóc Trăng cũng đã ban hành Quyết định 2750/QĐ-UBND về thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng, có hiệu lực từ ngày 17.10.2021.

Theo quyết định này, người dân trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng tuân thủ 5K khi ra ngoài, sử dụng các ứng dụng công nghệ thông tin để khai báo y tế, đăng ký tiêm vaccine Covid-19, khám chữa bệnh, tỉnh Sóc Trăng quản lý thông tin người ra, vào các điểm công cộng, điểm sản xuất, kinh doanh bằng mã QR Code, các hoạt động đều phải thực hiện các biện pháp theo quy trình an toàn phòng, chống dịch Covid-19… Đồng thời, tỉnh Sóc Trăng tiếp tục duy trì các chốt kiểm soát dịch cấp tỉnh và cấp huyện. Đây là những giải pháp kiểm soát an toàn vừa vì sức khỏe của người dân vừa giúp cho chính quyền địa phương cùng doanh nghiệp tái khởi động lại sản xuất sau nhiều tháng cầm chừng, ứng phó dịch bệnh.

Nhiều doanh nghiệp hoạt động trở lại sau nhiều tháng giãn cách vì dịch Covid-19
Nhiều doanh nghiệp hoạt động trở lại sau nhiều tháng giãn cách vì dịch Covid-19

Cũng theo ông Trần Văn Lâu, khi mọi hoạt động sản xuất, phát triển kinh tế đã được UBND tỉnh Sóc Trăng cho phép trở về trạng thái thích ứng an toàn, linh hoạt với tình hình dịch bệnh Covid-19, Sở Công Thương tỉnh Sóc Trăng đã nhanh chóng triển khai Quyết định số 2375/QĐ-UBND ngày 15.9.2021 của UBND tỉnh Sóc Trăng về việc áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 trong trạng thái bình thường mới trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng trong tháng 10.2021. Đồng thời, Sở Công Thương tỉnh Sóc Trăng cũng đề ra kế hoạch hồi phục kinh tế trên địa bàn tỉnh trong tháng 11.2021 và nhiệm vụ trong tháng cuối năm 2021.

Còn đối với tỉnh Quảng Ninh, việc xác định rõ mức độ dịch bệnh trên địa bàn tỉnh từ sớm đã giúp địa phương triển khai tốt các hoạt động lưu thông hàng hóa, theo đó các thành phần tham gia xuất nhập khẩu tại biên giới được tiếp đón tại một vị trí tập trung và được bảo đảm các điều kiện để ăn nghỉ cũng như chuẩn bị cho việc xuất khẩu qua biên giới thuận tiện nhất. Do vậy, đã góp phần rất quan trọng để thực hiện kế hoạch xuất nhập khẩu của Chính phủ nhưng cũng đồng thời là bảo đảm an toàn để thực hiện mục tiêu kép của địa phương.

Hơn nữa, các tỉnh Hải Phòng, Quảng Ninh, năm 2021 khả năng tăng trưởng kinh tế rất cao, thu ngân sách vượt so với kế hoạch đặt ra, so với dự toán thì vấn đề đảm bảo an toàn là vấn đề quyết định và cần phải quan tâm.

Tuân thủ chỉ đạo của Chính phủ và quy định chung

Các vấn đề liên quan đến phòng chống dịch bệnh để tạo đà cho tiến trình khôi phục kinh tế đã được rất nhiều đại biểu quan tâm tại Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV.

Đại biểu Quốc hội Đỗ Thị Lan (Đoàn Quảng Ninh), Phó Chủ nhiệm Ủy ban xã hội của Quốc hội chia sẻ, Thủ tướng đã nói, các địa phương phải linh hoạt, phù hợp nhưng phải tuân thủ sự chỉ đạo của Chính phủ và theo quy định chung. Ví dụ, một cá nhân vừa ở địa phương có dịch hay đi qua vùng có dịch thì khi về địa phương phải xét nghiệm nhưng khi người đó đến một địa điểm để chuẩn bị xuất khẩu hàng hóa, thời gian chờ đợi lâu dài, tiếp cận với nhiều người thì càng phải thận trọng, việc xét nghiệm càng cần thiết.

Việc hướng dẫn đối với các hoạt động liên quan đến phát triển kinh tế và phòng chống dịch Covid-19 cần có sự thống nhất giữa các bộ chuyên ngành với Bộ Y tế để làm sao bảo đảm phòng, chống dịch Covid-19 an toàn; lưu thông được hàng hóa, thực hiện được các nhiệm vụ phát triển sản xuất - kinh doanh, bảo đảm các mục tiêu phát triển kinh tế khác của Chính phủ đã đề ra.

Cũng theo đại biểu Đỗ Thị Lan, nhà nước nên khuyến khích và động viên cũng như đánh giá đúng mức đối với các địa phương làm tốt công tác an toàn phòng, chống dịch Covid-19 và thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội có hiệu quả.

Ở góc độ quản lý của địa phương, đại biểu Quốc hội Hà Sỹ Đồng (Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị) cho biết, Chính phủ ban hành Nghị quyết 128 là một quyết sách rất đúng đắn, rất hợp lý trong thời điểm hiện nay. Bởi, đây sẽ là cơ sở để thống nhất phương án chống dịch từ Trung ương xuống địa phương. 

Nghị quyết 128 được xây dựng dựa trên 3 tiêu chí cụ thể, hợp lý, có thể áp dụng chung cho cả nước là số người bị nhiễm/100.000 dân/tuần, số người đã tiêm, khả năng thu dung điều trị... Do đó, để Nghị quyết 128 phát huy hiệu quả tốt nhất, thì phải triển khai thực hiện trên nguyên tắc vừa bảo đảm thống nhất, thông suốt trên toàn quốc, không chia cắt, tránh mỗi nơi làm một kiểu, vừa đồng thời phát huy được sự linh hoạt, chủ động, sáng tạo của mỗi địa phương.

Nói thêm về việc khôi phục kinh tế cho địa phương vào những tháng cuối năm và đặc biệt vào năm 2022, đại biểu Hà Sỹ Đồng cho rằng, để tháo gỡ khó khăn mà nền kinh tế nước ta đang gặp phải, cần chú trọng thực hiện 3 nhiệm vụ trọng tâm, đó là cơ cấu lại lĩnh vực đầu tư công, cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước, tổ chức tín dụng, phát triển đồng bộ hạ tầng và ưu tiên liên kết vùng để các địa phương liên kết với nhau, những vùng có lợi thế phát huy và kết nối lại thị trường trong nước và quốc tế. Việc triển khai 3 trụ cột này sẽ phụ thuộc rất nhiều vào công tác phòng dịch.

Tùng Dương