Đòn bẩy phát triển ngành du lịch

- Thứ Hai, 23/08/2021, 06:43 - Chia sẻ
Là tỉnh có nhiều tiềm năng cùng điều kiện thuận lợi để phát triển các dự án năng lượng tái tạo, trong đó có điện gió, Gia Lai đã và đang tích cực thu hút các nhà đầu tư. Bởi, phát triển điện gió không những là phương án tối ưu trong phát triển năng lượng sạch, mà còn là “đòn bẩy” thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, tạo điểm đến hấp dẫn để phát triển du lịch Gia Lai.

“Luồng gió mới” cho ngành du lịch

Để phát triển thế mạnh về năng lượng điện gió và mặt trời, thời gian qua, Gia Lai đã tích cực thu hút các nhà đầu tư. Nhờ đó, trong nhiệm 2016 - 2020, Gia Lai đã kêu gọi được trên 500 dự án, với tổng số vốn trên 800 nghìn tỉ. So với nhiệm kỳ trước đã tăng gấp 5 lần số dự án, số vốn tăng 36 lần. Hiện, toàn tỉnh có 163 dự án điện gió và điện mặt trời với tổng công suất 21.875 MW. Trong đó, 17 dự án điện gió đã được phê duyệt chủ trương đầu tư. Đến nay, 16 dự án đang được đầu tư, thi công tại các huyện: Ia Grai, Đak Đoa, Chư Prông, Kông Chro, Chư Pưh và thị xã An Khê.

	Nhà máy điện gió là điểm đến hấp dẫn thu hút khách du lịch
Nhà máy điện gió là điểm đến hấp dẫn thu hút khách du lịch

Theo Giám đốc Sở Công thương tỉnh Gia Lai Phạm Văn Binh, bên cạnh hiệu quả kinh tế rõ ràng mà các dự án điện gió đem lại, các công trình năng lượng sạch này cũng hứa hẹn mang lại “luồng gió mới” cho ngành du lịch bởi phần lớn được xây dựng gần với các điểm đến nổi tiếng. Đây là điều kiện thuận lợi trên hành trình kết nối du lịch trong tỉnh. Đơn cử, tại huyện Chư Prông, Công ty cổ phần Điện gió Chư Prông Gia Lai đang triển khai Dự án Nhà máy điện gió phát triển Miền núi; Công ty cổ phần Năng lượng gió Chư Prông Gia Lai thực hiện Dự án Nhà máy điện gió chế biến Tây Nguyên tại xã Bàu Cạn.

Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin huyện Chư Prông Nguyễn Xuân Thường cho hay, đây là khu vực có điểm đến hấp dẫn gắn liền với ngày hội hoa muồng vàng và con đường rợp bóng muồng đẹp như khung cảnh xứ Hàn. Các trụ turbine điện gió được dựng trên đồng chè rộng lớn, hòa cùng cảnh sắc thiên nhiên hứa hẹn tạo nên cảnh quan ấn tượng, đáng để du khách tìm đến tham quan, khám phá, trải nghiệm. Cùng với các điểm đến sẵn có, công trình điện gió sẽ làm phong phú thêm sản phẩm du lịch của địa phương.

Tại trang trại điện gió thuộc Nhà máy điện gió Ia Pết-Đak Đoa 1 do Công ty cổ phần Phong điện Ia Pết Đak Đoa số 1 đầu tư trên địa bàn huyện Đak Đoa thu hút khá đông người đến tham quan. Trong khi đó, trang trại điện gió ở khu vực xã Chư Don (huyện Chư Pưh) thuộc Nhà máy điện gió Nhơn Hòa 2 do Công ty cổ phần Điện gió Nhơn Hòa 2 đầu tư với 12 bộ turbine có tổng công suất 50MW trên diện tích 32,2ha cũng đã trở thành điểm tham quan của du khách gần xa.

Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin huyện Đak Đoa Kiều Thu Hương chia sẻ, các công trình điện gió là điểm nhấn đáng chú ý để thu hút du khách đến với Đak Đoa. Đặc biệt, công trình điện gió đang thi công nằm trên tuyến đường dẫn đến nhiều điểm đến hấp dẫn của huyện như đồi thông Glar (xã Glar), thác Đôi và ruộng bậc thang (xã Trang) hay hồ Ia Băng (xã Ia Băng)… là hành trình khám phá lý thú cho du khách.

Tạo bứt phá để phát triển kinh tế - xã hội

Theo bà Nguyễn Thị Sen - đại diện Chủ đầu tư Nhà máy Điện gió Phát triển miền núi và Chế biến Tây Nguyên, điện gió là nguồn năng lượng tái tạo vô tận trong giai đoạn mới phát triển, việc đầu tư vào điện gió góp phần tạo thêm nguồn năng lượng xanh phục vụ cho tăng trưởng kinh tế và sinh hoạt của người dân. Điện gió cũng góp phần thu hút khách du lịch vì toàn cảnh công trình rất hấp dẫn mà trước đây chỉ thấy có trên sách và phim ảnh. Phó Giám đốc Công ty Điện lực Gia Lai Lê Quang Trường cũng cho rằng, đối với Gia Lai thì phát triển nguồn năng lượng tái tạo chính là tạo sự bứt phá để phát triển kinh tế - xã hội. Các nông trường chè, cà phê, cao su khi kết hợp với phát triển điện gió sẽ tạo nên cảnh quan thu hút phát triển du lịch.

Phó Chủ tịch UBND huyện Chư Prông Phạm Vũ Tú chia sẻ, hội tụ các yếu tố thiên thời địa lợi, bao bọc bởi những đồi chè xanh mướt kết hợp với những điểm nhấn của các trụ turbine gió… 2 dự án điện gió ở Bàu Cạn (Chư Prông) không chỉ đem lại lợi ích rất lớn trong việc góp phần phát triển nguồn năng lượng sạch cho quốc gia, đem lại nguồn thu ngân sách không nhỏ và đều đặn cho tỉnh từ chủ đầu tư dự án, mà còn góp phần tạo sản phẩm du lịch đặc sắc cho ngành du lịch tỉnh nhà.

Để khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế nơi đang đầu tư xây dựng, các nhà đầu tư cho biết đã có kế hoạch vừa phát triển điện gió vừa phát triển du lịch. Đồng thời, tại các địa phương có các dự án điện gió đang xây dựng cũng đã có những động thái nhất định để phát triển tiềm năng này. Theo đó, Đảng ủy xã Chư Don đã đưa vào dự thảo Nghị quyết chuyên đề về xây dựng và phát triển du lịch trên địa bàn giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030. Trong đó có việc kết nối các công trình điện gió với các thắng cảnh trên địa bàn. Bí thư Đảng ủy xã Chư Don Đặng Lê Minh cho biết, cùng với các công trình điện gió đang dần hoàn thành, các cảnh quan đẹp trên địa bàn xã như hồ thủy lợi Plei Thơ Ga, núi Chư Don, thác Ia Nhí, Hòn đá chồng... sẽ là những lợi thế to lớn, là cơ sở để đưa du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng, tạo nguồn thu, góp phần giảm nghèo, phát triển kinh tế - xã hội cho địa phương.

Song, phát triển du lịch từ các công trình điện gió dù có nhiều tiềm năng và điều kiện thuận lợi nhưng cũng đòi hỏi nỗ lực bảo vệ môi trường, cảnh quan sinh thái sẵn có từ phía các nhà đầu tư. Đồng thời, các địa phương cũng phải làm tốt công tác khai thác, bảo vệ đi đôi với phát huy giá trị văn hóa độc đáo của các sản phẩm đặc trưng của địa phương để phục vụ du khách.

Hiểu Lam