"Đòn bẩy" vượt khó trong đại dịch!

- Thứ Năm, 16/09/2021, 08:59 - Chia sẻ
Trong chương trình làm việc sáng nay, 16.9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định ban hành một số giải pháp về miễn, giảm thuế nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, người dân chịu tác động của dịch Covid-19, trong đó có nội dung về miễn, giảm thuế đối với hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh. Nếu đề xuất này thông qua sẽ là động lực để giúp hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh vượt qua đại dịch.

Chúng ta đã trải qua 4 lần bùng phát dịch, ở lần thứ tư này ảnh hưởng nặng nề hơn, nhiều doanh nghiệp phải ngừng hoạt động; hoạt động sản xuất kinh doanh của các hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh bị ngưng trệ hoặc phải hoạt động cầm chừng, thậm chí là tạm ngừng hoạt động, người làm thuê tại các cửa hàng, cửa hiệu phải nghỉ việc, kể cả các hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh các mặt hàng thiết yếu tại các địa phương phải thực hiện giãn cách điều này ảnh hưởng lớn đến cuộc sống của họ.

Dịch Covid-19 ảnh hưởng nặng nề tới hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh. Ảnh minh họa

Thực tế cho thấy, bên cạnh người lao động nghèo, đối tượng hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh là nhóm dễ chịu tác động từ những khó khăn của nền kinh tế, đặc biệt trong thời gian đang phải chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19 rất phức tạp hiện nay. Để hỗ trợ nhóm đối tượng này, tiếp thu ý kiến của Thường trực Ủy ban Tài chính –Ngân sách, Chính phủ đã điều chỉnh lại nội dung về chính sách thuế đối với hộ, cá nhân kinh doanh theo hướng cho phép miễn toàn bộ số thuế phải nộp (thuế thu nhập cá nhân, thuế giá trị gia tăng và các loại thuế khác phải nộp phát sinh từ hoạt động sản xuất kinh doanh) của Quý III và IV năm 2021.

Về vấn đề này, đa số ý kiến trong Thường trực Ủy ban Tài chính – Ngân sách thống nhất với nội dung điều chỉnh của Chính phủ, vì đây là các đối tượng chịu ảnh hưởng nặng nề khi dịch Covid-19 xảy ra. Bởi đa phần các hộ đã phải tạm dừng kinh doanh hoặc có doanh số bị ảnh hưởng đáng kể, trong khi cơ chế thu thuế đối với các hộ này là dựa trên doanh số khoán được xác định từ đầu năm. “Việc miễn toàn bộ số thuế của 2 quý cuối năm là tương đương với mức giảm 50% số thuế phải nộp cả năm 2021 sẽ thuận lợi hơn trong quản lý thực hiện”, Ủy ban Tài chính – Ngân sách nhận định.

Không thể phủ nhận rằng, việc thực hiện chính sách miễn thuế này có thể làm giảm thu ngân sách nhà nước. Tuy nhiên, đây là nhóm đối tượng lớn, với khoảng 1,4 triệu hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh, nếu chính sách này được thực hiện, sẽ có tác động tích cực trên phạm vi rộng, góp phần đảm bảo an sinh xã hội, thúc đẩy phục hồi kinh tế nhanh hơn. Do đó, nhiều ý kiến cho rằng, việc miễn thuế đối với hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh ở thời điểm này là rất cần thiết.

Để có bước đi dài hơi, chúng ta buộc phải chấp nhận giảm thu ngân sách ở thời điểm này như một “bước lùi” tạm thời để tạo động lực cho hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh sớm có cơ hội trở lại trạng thái “bình thường mới”, hoạt động kinh doanh, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội.  

Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra là, việc miễn thuế này có nên áp dụng trên diện rộng hay không? Liệu chính sách miễn thuế này chỉ nên áp đối với các địa bàn có thực hiện giãn cách xã hội, nhằm hạn chế tác động giảm thu đối với ngân sách cho những địa bàn chưa phải thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ, do thuế đối với hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh là số thu của ngân sách địa phương hay không? Đây là điều mà các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cân nhắc, tính toán kỹ lưỡng trước khi quyết định, để vừa bảo đảm không ảnh hưởng nhiều thu ngân sách địa phương, vừa tạo động lực cho hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh vượt khó trong đại dịch.

Lê Hùng