Xây dựng hệ thống thông tin về nhà ở và thị trường bất động sản

Đơn giản hóa số liệu, quy trình cập nhật

- Thứ Sáu, 31/12/2021, 06:53 - Chia sẻ
Sau 5 năm thực hiện Nghị định số 117/2015/NĐ-CP của Chính phủ về xây dựng, quản lý và sử dụng hệ thống thông tin về nhà ở và thị trường bất động sản thì mới chỉ có 20 địa phương hoàn thành việc xây dựng hệ thống thông tin này. Trong khi đó việc công khai quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch phát triển nhà ở tại các địa phương chưa thực hiện nghiêm túc.
	9 chủ thể phải thực hiện việc cập nhật thông tin về đất đai, nhà ở Nguồn: ITN
9 chủ thể phải thực hiện việc cập nhật thông tin về đất đai, nhà ở
Nguồn: ITN

Nhiều số liệu, khó cập nhật 

Điều 13, Nghị định số 117/2015/NĐ-CP quy định có 9 chủ thể phải thực hiện tổng hợp, báo cáo thông tin, số liệu về Sở Xây dựng các địa phương bao gồm: Sở Tư pháp; Sở Tài nguyên và Môi trường; Sở Kế hoạch và Đầu tư; Cục Thuế; UBND cấp huyện; UBND cấp xã; Sàn giao dịch bất động sản; Tổ chức kinh doanh dịch vụ môi giới bất động sản; Chủ đầu tư dự án bất động sản với tần suất báo cáo hàng tháng, quý, 6 tháng và hàng năm.

Thực tế triển khai cho thấy, việc cung cấp thông tin không đạt yêu cầu về mặt số liệu, không đúng thời hạn báo cáo rất phổ biến. Đại diện Sở Xây dựng Nghệ An cho hay, nguyên nhân là do yêu cầu về chế độ, tần suất báo cáo, biểu mẫu thu thập thông tin nhiều, phức tạp. Đối với chủ thể báo cáo là chủ đầu tư dự án bất động sản phải thực hiện báo cáo với tần suất hàng tháng, quý với số lượng tiêu chí thu thập thông tin trong biểu mẫu quy định rất nhiều. Hơn nữa, quy định này khó có thể bảo đảm được khi mà thị trường biến động thường xuyên.

Mặt khác, do số lượng thông tin cần thu thập, tổng hợp liên quan đến nhiều ngành, lĩnh vực (ngành thuế, tư pháp, kế hoạch và đầu tư, tài nguyên và môi trường) và các cấp báo cáo khác nhau (cấp xã, cấp huyện), nhiều số liệu phải thực hiện qua điều tra, khảo sát mới có thể tổng hợp được nên việc tổng hợp, báo cáo đầy đủ thông tin, số liệu cho cơ quan có thẩm quyền gặp nhiều khó khăn, không đúng tiến độ theo quy định. Vướng mắc này một lần nữa cho thấy, việc chia sẻ dữ liệu chuyên ngành đang tiếp tục là điểm nghẽn lớn khi khai thác các nguồn tài nguyên dữ liệu. Nếu việc chia sẻ được thực hiện, thì rõ ràng công đoạn điều tra, khảo sát sẽ được cắt giảm đi ít nhiều.

Điều đáng nói, đến nay mới có 35/63 địa phương bố trí kinh phí để điều tra, thu thập thông tin, xây dựng cơ sở dữ liệu và duy trì hoạt động thường xuyên của hệ thống thông tin về nhà ở và thị trường bất động sản. Mặc dù, Điều 15, Khoản 6, Điều 22, Nghị định số 117/2015/NĐ-CP quy định kinh phí cho việc điều tra, thu thập thông tin, xây dựng cơ sở dữ liệu và duy trì hoạt động thường xuyên của hệ thống thông tin về nhà ở và thị trường bất động sản tại địa phương từ nguồn chi thường xuyên do ngân sách địa phương bảo đảm. Điều này đã lý giải một phần vì sao việc thu thập, cập nhật thông tin chưa được như mong muốn. 

Các thông tin đăng tải trên Cổng thông tin điện tử về quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị (tên miền www.quyhoach.xaydung.gov.vn) như: Nội dung thông tin đăng tải trong các đồ án quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị bao gồm: quyết định phê duyệt; bản đồ hiện trạng; sơ đồ tổ chức không gian kiến trúc cảnh quan; bản đồ quy hoạch sử dụng đất; bản đồ giao thông; bản đồ tổng hợp đường dây, đường ống kỹ thuật; thuyết minh tóm tắt…

Chưa xử lý việc chậm công khai quy hoạch

Ngoài việc cập nhật số liệu đất đai, nhà ở, thị trường bất động sản, từ đó hình thành Cơ sở dữ liệu về nhà ở và đất đai được quy định tại Nghị định số 117/2015/NĐ-CP; thì việc công bố các quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch phát triển đô thị đã được quy định tại Luật Xây dựng, Luật Đất đai, Luật Nhà ở... Tất cả không nằm ngoài mục tiêu quản lý thị trường bất động sản, nhà ở, hạn chế đến mức tối đa những biến động trên thị trường, tạo nên những cơn sốt ảo, sốt giả.

Tuy nhiên, theo thống kê của Bộ Xây dựng, toàn quốc hiện có 53 tỉnh, thành phố đã thực hiện việc đăng tải thông tin quy hoạch, với tổng số 1.087 hồ sơ đồ án quy hoạch. Còn 10 địa phương chưa thực hiện việc đăng tải. Ngoài ra, nhiều địa phương đăng tải với số lượng rất hạn chế chỉ 1 đồ án quy hoạch như: An Giang; Khánh Hòa; Bắc Kạn; Bến Tre; Cao Bằng; Nghệ An; Sơn La… Một số địa phương như: Tuyên Quang, Hòa Bình, Phú Thọ, Hải Dương, Hà Nam, Bình Thuận, Gia Lai, Hậu Giang, Sóc Trăng... chưa thực hiện việc đăng tải công khai thông tin.

Điều đáng nói, mặc dù việc công khai chưa thực hiện nghiêm túc nhưng cũng chưa thấy địa phương nào bị nhắc nhở vì chậm, chưa công khai. Hay chăng là đến dịp sốt đất, Bộ Xây dựng lại ban hành công văn đôn đốc các địa phương tiếp tục thực hiện việc đăng tải các đồ án quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị thuộc thẩm quyền phê duyệt cấp tỉnh, huyện quy định tại Luật Xây dựng, Luật Quy hoạch đô thị lên cổng thông tin Quy hoạch xây dựng và Quy hoạch đô thị Việt Nam.

Từ thực tế này cho thấy, việc sửa đổi, bổ sung Nghị định số 117/2015/NĐ-CP không chỉ khắc phục những vướng mắc nêu trên theo hướng đơn giản, dễ dàng thu thập thông tin, bảo đảm mục tiêu quản lý, mà có bảo đảm các điều kiện tổ chức triển khai (nguồn lực, tài chính...); đồng thời về lâu dài cần tính đến việc sửa đổi, bổ sung những quy định liên quan đến công khai quy hoạch đất đai, quy hoạch phát triển đô thị. Chánh văn phòng Hội Kiến trúc sư Việt Nam, KTS. Phạm Thanh Tùng cho rằng, phải gắn trách nhiệm người đứng đầu địa phương, các bộ phận chức năng phải chịu trách nhiệm khi các quy định về công khai, minh bạch quy hoạch.

Đình Khoa