Quảng Ninh quyết tâm giữ vững thành quả chống dịch, hoàn thành các mục tiêu đề ra trong năm

Dồn lực cho những tháng cuối năm

- Thứ Hai, 02/08/2021, 05:52 - Chia sẻ
Dù dịch bệnh Covid-19 đang bùng phát trở lại trên diện rộng và có diễn biến hết sức phức tạp tại nhiều địa phương trong cả nước, song cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và Nhân dân tỉnh Quảng Ninh luôn xác định tinh thần không bi quan, dao động, biến khó khăn, thách thức thành động lực. Mục tiêu quan trọng hàng đầu của tỉnh từ nay đến cuối năm là tiếp tục thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả mục tiêu kép; hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội đã đề ra trong năm. Qua đó, giữ vững “địa bàn an toàn, ổn định và đà tăng trưởng trong trạng thái bình thường mới”, tạo nền tảng vững chắc cho sự phát triển của những năm tiếp theo.
Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Xuân Ký kiểm tra tiến độ công trình trọng điểm - cầu Cửa Lục 1 (TP Hạ Long)
Ảnh: Q.M.G

Nhiều kết quả toàn diện, ấn tượng

Khép lại 6 tháng đầu năm 2021, tỉnh tiếp tục là điểm sáng của cả nước trong phát triển kinh tế - xã hội với tốc độ tăng trưởng GRDP đạt cao (8,02%), đứng thứ 4 so với các tỉnh, thành trong vùng đồng bằng sông Hồng. Tổng thu NSNN đạt 23.300 tỷ đồng, bằng 46% dự toán năm 2021, bằng 92% cùng kỳ năm 2020. Trong đó, thu nội địa đạt 18.209 tỷ đồng, bằng 47% dự toán, bằng 100% so cùng kỳ.

Đáng chú ý, tỉnh đã ưu tiên nguồn lực lớn trong đẩy mạnh đầu tư, xây dựng các dự án, công trình quan trọng, động lực, từ các nguồn vốn ngân sách, vốn ngoài ngân sách. Qua đó, nhanh chóng hoàn thiện, đồng bộ kết cấu hạ tầng, nhất là hạ tầng về giao thông, các khu kinh tế, khu công nghiệp... Đây là nền tảng quan trọng giúp Quảng Ninh tiếp tục là điểm sáng về thu hút đầu tư. Tính riêng 6 tháng đầu năm, tổng vốn ngoài ngân sách thu hút trên địa bàn tỉnh đạt trên 276.000 tỷ đồng, gấp 5,1 lần kịch bản. Trong đó, cấp mới và điều chỉnh giấy chứng nhận đầu tư cho 24 dự án có vốn đầu tư trong nước và nước ngoài, với tổng vốn đăng ký và tăng thêm là 24.133 tỷ đồng; phê duyệt mới và điều chỉnh chủ trương đầu tư cho 32 dự án vốn trong nước, với tổng vốn đăng ký là gần 252.000 tỷ đồng.

Trong công tác cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, những nỗ lực không ngừng nghỉ của chính quyền các cấp trong tỉnh đã được Chính phủ, cộng đồng doanh nghiệp, người dân ghi nhận, đánh giá cao. Đến thời điểm này, Quảng Ninh là địa phương đầu tiên và duy nhất trong cả nước cùng lúc đứng đầu 4 chỉ số cải cách của quốc gia. Đặc biệt, ứng dụng công nghệ thông tin, từng bước hiện đại hóa nền hành chính được đẩy mạnh với mục tiêu phục vụ người dân, doanh nghiệp ngày một tốt hơn. Cùng với đó, tỉnh cũng được các nhà đầu tư đánh giá là thị trường tiềm năng trong tương lai với việc cung ứng lao động theo yêu cầu, trong đó có lao động chất lượng cao vào làm việc tại các khu công nghiệp, khu kinh tế.

Đáng mừng hơn, dù chịu tác động nặng nề của dịch bệnh, song tình hình hoạt động sản xuất, kinh doanh của cộng đồng doanh nghiệp tỉnh cũng ghi nhận dấu hiệu phục hồi tích cực. Thống kê của Sở Kế hoạch - Đầu tư Quảng Ninh cho thấy: 6 tháng đầu năm, toàn tỉnh có 1.030 đơn vị thành lập mới, tăng 15% cùng kỳ năm 2020, tăng 2% so với kịch bản; 100 doanh nghiệp giải thể, giảm 40% cùng kỳ; 550 doanh nghiệp hoạt động trở lại, tăng 50% cùng kỳ. Lũy kế đến hết tháng 6.2021, tổng số doanh nghiệp trên địa bàn là 18.200 với số vốn đăng ký 190.000 tỷ đồng.

Biến khó khăn thành động lực

Trong những tháng còn lại của năm 2021, trước diễn biến phức tạp của tình hình dịch bệnh trong cả nước hiện nay, Quảng Ninh luôn xác định quan điểm nhất quán là không bi quan, dao động mà phải biến khó khăn, thách thức thành động lực phát triển. Tỉnh quyết tâm phấn đấu hoàn thành các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2021 đã đề ra với tốc độ tăng trưởng GRDP đạt trên 10%; tổng thu NSNN trên địa bàn không thấp hơn 51.000 tỷ đồng. Trong đó thu ngân sách nội địa phấn đấu mức tăng cao nhất, tỷ lệ tăng tương ứng với mục tiêu tăng trưởng, thu xuất nhập khẩu đạt và vượt chỉ tiêu Trung ương giao.

Từ nhận thức nhất quán trên, tỉnh tiếp tục tập trung giữ vững sức sản xuất của các trụ cột bảo đảm hoàn thành mục tiêu tăng trưởng GRDP trên cơ sở tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của ngành than, ngành điện. Đồng thời, tạo điều kiện thuận lợi nhất để tăng tối đa sản lượng đối với các dự án công nghiệp chế biến, chế tạo để đây thực sự là động lực tăng trưởng mới và tập trung tháo gỡ khó khăn, đôn đốc các nhà đầu tư triển khai các dự án ngoài ngân sách. Đối với khu vực du lịch, dịch vụ, tận dụng mọi cơ hội an toàn trong dịch bệnh để thúc đẩy phát triển; đẩy nhanh triển khai thu hút các nhà đầu tư chiến lược về đầu tư hạ tầng cảng biển gắn với dịch vụ hỗ trợ logistics...

Song song đó, công tác quản lý đầu tư công sẽ được tăng cường bằng việc thường xuyên kiểm tra đánh giá tiến độ các dự án, kiên quyết điều chuyển vốn đối với những dự án chậm giải ngân cho những dự án có tiến độ giải ngân tốt mà còn thiếu vốn; đẩy nhanh tiến độ các dự án đầu tư ngoài ngân sách, các dự án đầu tư công trọng điểm. Triển khai đồng bộ, có hiệu quả các giải pháp chăm lo phát triển văn hóa, xã hội, con người, bảo đảm an sinh xã hội, gắn kết hài hòa với phát triển kinh tế, thu hẹp khoảng cách giàu nghèo, chênh lệch vùng miền…

Đặc biệt, trong cuộc chiến với dịch Covid-19, mặc dù, đang ở thế chủ động song tỉnh đã quán triệt đến các cấp, ngành, địa phương tuyệt đối không lơ là, chủ quan, mất cảnh giác. Tiếp tục thực hiện nghiêm túc, linh hoạt, sáng tạo các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 của Trung ương, của tỉnh theo phương châm “3 trước, 4 tại chỗ”, chủ động, tích cực, từ xa, từ sớm, từ cơ sở; tăng cường hơn nữa ý thức, trách nhiệm, nâng cao cảnh giác trong phòng, chống dịch của người đứng đầu các cấp, ngành, cơ quan, đơn vị, địa phương.

TUẤN NGUYÊN