TP. Hồ Chí Minh:

Dồn sức phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội

- Thứ Tư, 26/01/2022, 05:54 - Chia sẻ
Năm 2021 vừa qua, TP. Hồ Chí Minh đối mặt với nhiều thách thức, khó khăn do dịch Covid-19 diễn biến phức tạp. Nhưng với sự quyết tâm, đồng lòng của chính quyền và người dân, Thành phố đã dần ổn định, mở cửa trở lại. Năm 2022, Thành phố đề ra bốn nhóm nhiệm vụ, giải pháp nhằm nỗ lực phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, phấn đấu tăng trưởng Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) 6%-6,5%.

Sống chung an toàn với Covid-19

Năm 2021, dịch Covid-19 gây ảnh hưởng nặng nề đến kinh tế - xã hội TP. Hồ Chí Minh. Theo Cục Thống kê Thành phố, lần đầu tiên kinh tế Thành phố tăng trưởng âm, chuỗi cung ứng đứt gãy, thiếu hụt lao động... Thành phố có gần 512.000 người nhiễm Covid-19. Số người tử vong do bệnh dịch lên đến hơn 20.200 người. Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP. Hồ Chí Minh Nguyễn Thị Lệ cho biết, “ước tính thiệt hại kinh tế của Thành phố trong các năm 2020 và 2021 do đại dịch Covid-19 là khoảng 273.000 tỷ đồng”.

Năm 2022, TP. Hồ Chí Minh phấn đấu đạt mục tiêu tăng trưởng GRDP từ 6-6,5%
Năm 2022, TP. Hồ Chí Minh phấn đấu đạt mục tiêu tăng trưởng GRDP từ 6-6,5%

Bước sang năm 2022, thành phố đạt những kết quả rất đáng mừng trong phòng, chống dịch Covid-19. Phó Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy, Phó Trưởng ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 và phục hồi kinh tế TP. Hồ Chí Minh Phạm Đức Hải cho biết, trong 3 tuần đầu tháng 1.2022, Thành phố duy trì là vùng xanh. Số ca nhiễm mới, ca tăng nặng, ca nhập viện đều giảm mạnh. Đặc biệt số ca tử vong do Covid-19 mỗi ngày chỉ còn một con số, tạo tiền đề để Thành phố thực hiện chiến lược sống chung an toàn với Covid-19.

Đặt mục tiêu tăng trưởng GRDP từ 6 - 6,5%

Các cấp chính quyền và người dân TP. Hồ Chí Minh đã xác định chủ đề của năm 2022 là “Đoàn kết, kỷ cương, chủ động thích ứng an toàn hiệu quả, phục hồi phát triển”; phấn đấu đạt mục tiêu tăng trưởng GRDP từ 6-6,5%; giải quyết việc làm cho 300.000 lao động; tỷ lệ thất nghiệp khu vực thành thị dưới 4%... Để thực hiện những mục tiêu này, UBND Thành phố xác định 4 nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm. Trong đó, có những nội dung thành phố kiến nghị Chính phủ, các bộ, ngành quan tâm, hỗ trợ và tháo gỡ vướng mắc để địa phương thực hiện.

Một là, triển khai chiến lược tổng thể về phòng, chống dịch Covid-19 của Chính phủ phù hợp với thực tiễn của địa phương. UBND Thành phố kiến nghị Chính phủ sớm cho phép sản xuất và lưu hành rộng rãi thuốc kháng virus.

Hai là, Thành phố triển khai kế hoạch phục hồi kinh tế, tập trung hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi sản xuất, kinh doanh và triển khai các chương trình phát triển kinh tế ở các lĩnh vực theo 2 giai đoạn từ 2022 - 2025. Đáng chú ý là giai đoạn 1 (năm 2022), Thành phố tập trung phục hồi sản xuất, kinh doanh, hỗ trợ doanh nghiệp, xác định một số lĩnh vực trọng tâm để khôi phục như du lịch. UBND Thành phố kiến nghị Chính phủ cho phép nghiên cứu, vận dụng vào thực tiễn theo hướng bổ sung thêm bằng ngân sách của địa phương vào các gói hỗ trợ phù hợp với tình hình khó khăn của doanh nghiệp trên địa bàn.

Ba là, Thành phố tiếp tục nâng cao chất lượng xây dựng chính quyền đô thị gắn với mục tiêu cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tháo gỡ các điểm nghẽn để hấp thụ có hiệu quả các nguồn vốn. Với mục tiêu này, Thành phố kiến nghị Chính phủ đẩy mạnh phân cấp, phân quyền cho các địa phương, nhất là các lĩnh vực phê duyệt, điều chỉnh cục bộ quy hoạch; cấp phép các khu đô thị, khu công nghiệp; tách dự án giải phóng mặt bằng ra khỏi xây dựng.

Bốn là, Thành phố sẽ tập trung nguồn lực để triển khai các dự án phát triển hạ tầng giao thông quan trọng như các dự án đường sắt đô thị, đường Vành đai 3, cao tốc TP. Hồ Chí Minh - Mộc Bài (tỉnh Tây Ninh)... Để thực hiện mục tiêu này, Thành phố kiến nghị Chính phủ hướng dẫn chọn hình thức đầu tư khả thi nhất, ưu tiên vốn để sớm triển khai xây dựng dự án Vành đai 3.

Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Chủ tịch UBND Thành phố Phan Văn Mãi nhấn mạnh, năm 2022 là năm có ý nghĩa quan trọng, tạo nền tảng thực hiện các mục tiêu của kế hoạch 5 năm 2021 - 2025. Với những nỗ lực tự thân và sự đồng hành từ các bộ, ngành, Trung ương, Thành phố phấn đấu ổn định và phát triển kinh tế, nâng cao tính tự chủ, khả năng chống chịu, thích ứng của kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội; giữ vững ổn định chính trị, bảo đảm quốc phòng - an ninh và trật tự an toàn xã hội, thực hiện thắng lợi những mục tiêu đã đề ra.

Thảo Tâm