Đón Tết an toàn

- Thứ Ba, 25/01/2022, 06:04 - Chia sẻ
Sau 3 tuần liên tiếp TP. Hồ Chí Minh là "vùng xanh", khách về Tết qua sân bay Tân Sơn Nhất cùng các bến xe liên tỉnh tăng cao. Nhà ga, bến tàu đông đúc mỗi ngày cho cảm giác về một cuộc sống bình thường mới đã thực sự trở lại. Bởi vậy thay vì ngăn sông cấm, chợ hoặc đặt ra thêm các điều kiện không cần thiết làm khó người dân, các địa phương cần nỗ lực hỗ trợ để người dân đón tết an lành sau một năm dài vất vả, mệt mỏi vì Covid-19.

Thủ tục đi lại của hành khách đã được Bộ Giao thông Vận tải nới lỏng do tình hình dịch Covid-19 cơ bản được kiểm soát trên phạm vi toàn quốc và tỷ lệ tiêm chủng cao. Từ ngày 21.1, hành khách đi máy bay sẽ không cần giấy chứng nhận tiêm đủ liều vaccine phòng Covid-19 hoặc có giấy chứng nhận khỏi bệnh và giấy xét nghiệm. Trường hợp khách cư trú, lưu trú trước chuyến bay tại địa bàn có dịch ở cấp 4 hoặc cách ly y tế vùng (phong tỏa) mới yêu cầu có kết quả xét nghiệm âm tính có giá trị trong 72 giờ trước thời điểm bay. Đặc biệt, trẻ em dưới 12 tuổi sẽ không còn phải có giấy xét nghiệm âm tính như trước.

Với điều kiện đi lại thuận lợi hơn, cảnh vắng vẻ những ngày trước không còn nữa. Ở sân bay Tân Sơn Nhất, dòng người nối đuôi nhau xếp hàng dài trước khu vực làm thủ tục của các hãng hàng không và các dãy ghế ở nhà ga chật kín người. Vận tải đường bộ cũng khởi sắc khi hàng nghìn người về quê mỗi ngày ở các bến xe liên tỉnh. Trong khi đó, tại Hà Nội, không khí nhộn nhịp sắm Tết khắp phố phường dù thành phố vẫn có hàng nghìn ca mắc Covid-19 mỗi ngày. Khi hai thành phố lớn trong nước, dù trong hai bối cảnh khác nhau, duy trì các hoạt động bình thường trong cao điểm trước tết, điều đó cho phép các địa phương có niềm tin lớn hơn trong đón người dân xa quê về ăn tết mà vẫn duy trì được an toàn dịch bệnh.

Các chuyên gia y tế đã khẳng định dịch Covid-19 có rủi ro lây lan từ người sang người ở khoảng cách dưới 2m và không thực hiện nghiêm 5K. Bộ Y tế cũng đã điều chỉnh định nghĩa về ca bệnh Covid, ví dụ: F1 là người có tiếp xúc cơ thể trực tiếp với F0 trong thời kỳ lây truyền của F0; hoặc người đeo khẩu trang có tiếp xúc, giao tiếp trong vòng 2m hoặc trong cùng không gian hẹp, kín và tối thiểu trong thời gian 15 phút với F0 đang trong thời kỳ lây truyền… Vì vậy, người dân thực hiện nghiêm 5K và có ý thức xét nghiệm khi xuất hiện dấu hiệu ho, sốt… sẽ giúp giảm nguy cơ lây bệnh.

Do đó, thay vì hạn chế và áp đặt các biện pháp cách ly mà Bộ Y tế đã nói rõ là không cần thiết, các địa phương cần đưa ra các khuyến nghị về tránh tụ họp đông đúc, tránh ăn Tết rình rang. Các địa phương cũng nên huỷ các lễ hội không cần thiết, thay vào đó đón Tết đơn giản, gọn nhẹ để tránh lây lan dịch bệnh. Việc thay đổi một thói quen, nếp sinh hoạt cộng đồng không phải là chuyện dễ dàng nhưng vẫn có thể làm được nếu mỗi một người dân đều nêu cao ý thức phòng, chống dịch, tự giác thực hiện các khuyến cáo của Bộ Y tế, của chính quyền địa phương.

Bên cạnh chuẩn bị đón Tết an toàn, chính quyền địa phương cần tổ chức, chăm lo cho người dân, đặc biệt là những gia đình có thân nhân qua đời vì dịch bệnh; người nghèo, neo đơn, đối tượng trợ giúp xã hội - vốn bị ảnh hưởng nặng nề nhất trong các đợt dịch vừa qua. Quan tâm và trợ giúp họ để có một cái Tết đầm ấm, tươi vui, an toàn chính là sự bù đắp ý nghĩa cho những khó khăn, mất mát do dịch bệnh..

Dù đại dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp, tiềm ẩn nhiều nguy cơ khó lường nhưng sự chung sức, đồng lòng thực hiện triệt để các biện pháp phòng, chống dịch chắc chắn sẽ mang đến cái Tết an toàn, ấm áp.

Cẩm Phô