Thực hiện Chương trình OCOP Hà Nội

Đông Anh - Cánh chim đầu đàn

- Thứ Sáu, 10/07/2020, 01:21 - Chia sẻ
Với 12 chủ thể có sản phẩm được cấp sao, huyện Đông Anh đang là địa phương dẫn đầu toàn thành phố về số lượng chủ thể tham gia, được đánh giá, phân hạng trong Chương trình OCOP. Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Nguyễn Xuân Linh, Chương trình OCOP có vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế nông thôn theo hướng phát huy nội lực, gia tăng giá trị. Đồng thời, tạo động lực để các địa phương trên địa bàn huyện đẩy mạnh tái cơ cấu nông nghiệp, hướng đến nền nông nghiệp 4.0 với các sản phẩm có thể vươn ra thế giới.
Phát huy tiềm năng, lợi thế
 
Là huyện ven đô, Đông Anh có tiềm năng lớn phát triển các ngành nghề nông nghiệp, phi nông nghiệp, thủ công mỹ nghệ. Đây là tiền đề để địa phương triển khai có hiệu quả Chương trình OCOP đến năm 2020 của thành phố Hà Nội. Thực tế, trên địa bàn huyện Đông Anh đã hình thành nhiều vùng sản xuất hàng hóa tập trung, nhiều mô hình trồng trọt, chăn nuôi có giá trị kinh tế cao, an toàn đạt tiểu chuẩn quy định: Tiêu chuẩn hệ thống phân tích mối nguy và kiểm soát điểm giới hạn (HACCP), VietGAP. Đặc biệt, huyện đã hình thành được nhiều cơ sở sơ chế, chế biến để gia tăng giá trị sản phẩm nông nghiệp. Bên cạnh đó, Đông Anh cũng có nhiều làng nghề, làng nghề truyền thống được bảo tồn, phát huy, như: Bún Mạch Tràng, tương Việt Hùng, bánh chưng Liên Hà, đậu làng Chài Võng La... Các sản phẩm làng nghề của Đông Anh sản xuất ra được kiểm tra chất lượng, được gắn tem truy xuất nguồn gốc nhằm minh bạch thông tin về sản phẩm và kết nối cung cầu. Đầu năm 2018, hệ thống truy xuất nguồn gốc nông lâm thủy sản thực phẩm huyện Đông Anh chính thức đi vào hoạt động và kết nối với hệ thống truy xuất nguồn gốc của thành phố. Đến nay, trên hệ thống đã có trên 700 sản phẩm, bao gồm các sản phẩm nông nghiệp, phi nông nghiệp, làng nghề.
Sản phẩm đậu phụ xã Võng La, huyện Đông Anh tham gia Chương trình OCOP Ảnh: Tường Vy
Để ngày càng nâng cấp, hoàn thiện, phát triển sản phẩm nông nghiệp, phi nông nghiệp, dịch vụ, ngay sau khi UBND thành phố ban hành Kế hoạch 3629/KH-UBND triển khai thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm trên địa bàn đến năm 2020, UBND huyện Đông Anh đã ban hành Kế hoạch số 231/KH-UBND ngày 2.8.2019 về việc triển khai thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm huyện Đông Anh đến năm 2020. Bên cạnh đó, huyện tập trung cao độ công tác lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện Chương trình OCOP đến toàn hệ thống chính trị từ huyện đến cơ sở, đến chủ thể sản xuất và từng người dân. Theo Trưởng phòng Kinh tế huyện Nguyễn Văn Thiềng, ngay từ khi triển khai Chương trình, huyện đã tập trung rà soát các sản phẩm có tiềm năng, lợi thế thuộc 6 nhóm ngành hàng: Thực phẩm, đồ uống, thảo dược, thủ công mỹ nghệ, vải và may mặc, dịch vụ du lịch nông thôn. Cuối năm 2019, huyện Đông Anh là địa phương đầu tiên được thành phố Hà Nội lựa chọn làm điểm công tác đánh giá, phân hạng các sản phẩm OCOP. Theo đó, huyện đã thành lập Hội đồng, Tổ giúp việc Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP huyện đến năm 2020. Đồng thời, xây dựng Quy chế hoạt động của Hội đồng và lựa chọn 12 chủ thể với 20 sản phẩm thuộc 3 nhóm thực phẩm, đồ uống, thủ công, mỹ nghệ để tập trung đánh giá công bằng, khách quan, chính xác theo Bộ tiêu chí đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP. Đến nay, thành phố đã có Quyết định công nhận 20 sản phẩm OCOP huyện Đông Anh, trong đó 2 sản phẩm đạt 4 sao và 18 sản phẩm đạt 3 sao.
 
Với 12 chủ thể có sản phẩm được cấp sao, huyện Đông Anh đang là địa phương dẫn đầu toàn thành phố về số lượng chủ thể tham gia, được đánh giá, phân hạng trong Chương trình OCOP. Các chủ thể sản xuất, kinh doanh trên địa bàn huyện nhận thức rất rõ về ích của Chương trình OCOP mang lại là nâng cao giá trị và mở rộng thị trường cho sản phẩm nông sản. Do đó, họ luôn tích cực, chủ động đăng ký sản phẩm tham gia chương trình. Giám đốc HTX Ba Chữ Nguyễn Thị Huyền chia sẻ: “Do quy mô sản xuất của HTX còn nhỏ nên việc tiếp cận thị trường còn khó khăn. Tham gia chương trình OCOP, vừa qua đơn vị chúng tôi đã có 1 sản phẩm đạt 3 sao. Chúng tôi mong muốn thành phố và huyện tiếp tục hỗ trợ xây dựng thương hiệu, quảng bá sản phẩm để nâng cao giá trị cũng như mở rộng thị trường cho sản phẩm. Đây cũng là mong muốn chung của nhiều chủ thể khác khi tham gia OCOP”.
 

“Để thúc đẩy Chương trình OCOP phát triển trong thời gian tới, Đông Anh tiếp tục triển khai rà soát các tổ chức kinh tế, các sản phẩm tiềm năng để hướng dẫn, hỗ trợ các cơ sở sản xuất đăng ký tham gia chương trình; ưu tiên việc nâng cấp, phát triển các sản phẩm đã được công nhận. Bên cạnh đó, hỗ trợ, tạo điều kiện cho các cơ sở sản xuất tham gia hội chợ xúc tiến thương mại trong và ngoài thành phố, kết nối tiêu thụ sản phẩm OCOP với các siêu thị, trung tâm thương mại, tạo chuỗi liên kết bền vững, nâng cao giá trị cho người sản xuất”.

Phó Chủ tịch UBND huyện Đông Anh Nguyễn Xuân Linh

Nâng cao chất lượng sản phẩm
 
Theo đánh giá của Phó Chủ tịch UBND huyện Nguyễn Xuân Linh, Chương trình OCOP có vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế nông thôn theo hướng phát huy nội lực, gia tăng giá trị. Đồng thời, tạo động lực, để các địa phương trên địa bàn đẩy mạnh tái cơ cấu nông nghiệp, hướng đến nền nông nghiệp 4.0 với các sản phẩm có thể vươn ra thế giới. Từ những thành quả đã đạt được, trong năm 2020, huyện Đông Anh đề ra mục tiêu sẽ có 40 - 45 sản phẩm được thành phố đánh giá, phân hạng, công nhận sản phẩm OCOP từ 3 - 4 sao, tập trung ở nhóm thực phẩm, thủ công mỹ nghệ, đồ uống, du lịch… Đây là những sản phẩm nông nghiệp, phi nông nghiệp, dịch vụ có lợi thế ở địa phương hiện đang được tích cực xây dựng và phát triển thương hiệu.
 
Để tạo sức lan tỏa cho Chương trình OCOP, huyện Đông Anh đã xây dựng Đề án “Phát triển nâng cấp, hoàn thiện sản phẩm nông nghiệp, phi nông nghiệp, dịch vụ trên địa bàn huyện giai đoạn 2020 - 2025”, theo Bộ tiêu chí đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP được quy định tại Quyết định số 1048/QĐ-TTg ngày 21/8/2019 của Thủ tướng Chính phủ. UBND huyện Đông Anh cũng đã ban hành Kế hoạch xây dựng Đề án, thành lập Ban Chỉ đạo, Tổ giúp việc Ban Chỉ đạo xây dựng Đề án và triển khai khảo sát, đánh giá sản phẩm đặc trưng, đặc sản, tiềm năng, lợi thế, các loại hình tổ chức sản xuất - kinh doanh trên đia bàn huyện theo Bộ tiêu chí OCOP nhằm xây dựng một cách bài bản, đồng bộ các giải pháp thực hiện Đề án như: nâng cao chất lượng mẫu mã, bao bì, giá trị, thương hiệu sản phẩm, tạo ra sản phẩm mới từ việc đẩy mạnh chế biến, chế biến sâu, thay đổi thiết kế mẫu mã... mở rộng thị trường đầu ra cho sản phẩm. Theo Trưởng phòng Kinh tế huyện Nguyễn Văn Thiềng, đến nay huyện đã khảo sát, đánh giá được 233 sản phẩm của 84 chủ thể sản xuất. Trên cơ cở khảo sát UBND huyện đang cùng đơn vị tư vấn xây dựng Đề án OCOP giai đoạn 2020 - 2025, dự kiến trình HĐND huyện xem xét, quyết định trong tháng 6.2020.
 
Trưởng phòng Kinh tế huyện Đông Anh Nguyễn Văn Thiềng chia sẻ thêm: Mỗi sản phẩm của chủ thể sản xuất trên địa bàn muốn được cấp sao đều phải đạt các tiêu chuẩn khắt khe về thực hành sản xuất, tiêu chuẩn hệ thống phân tích mối nguy và kiểm soát điểm giới hạn, cũng như quy trình quản lý chất lượng nghiêm ngặt... Đạt được sao OCOP, sản phẩm có thể được xem là đã đạt tiêu chuẩn cao nhất về chất lượng, đủ sức cạnh tranh trên thị trường. Qua đó, giá trị nông sản hàng hóa được nâng cao, thu nhập và đời sống người dân được cải thiện - đó chính là mục tiêu xuyên suốt của chương trình.
ĐÀO CẢNH