TP Hồ Chí Minh

Đồng bộ trong xử lý rác

- Thứ Năm, 26/11/2020, 08:36 - Chia sẻ
Theo các chuyên gia, với khoảng 9.000 tấn rác thải sinh hoạt phải xử lý mỗi ngày, cao điểm có thể đến 11.000 - 12.000 tấn/ngày, dự báo đến năm 2025 là 13.000 tấn/ngày, bên cạnh việc chuyển đổi phương thức từ chôn lấp sang đốt rác phát điện, việc thu phí thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt theo khối lượng phát sinh là giải pháp cần thiết cho TP Hồ Chí Minh. Song, để làm được điều này, cần có giải pháp đồng bộ ở các khâu, từ phân loại đến thu gom, xử lý và quan trọng nhất là sự ủng hộ của người dân.

Nguy cơ ô nhiễm cao

Hiện nay, lượng rác thải tại Việt Nam là khoảng 50.000 tấn/ngày, trong đó, tại các đô thị là khoảng 35.000 tấn/ngày, chiếm tới hơn 90% là rác thải sinh hoạt. Riêng tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, mỗi ngày thải ra khoảng 8.000 - 9.000 tấn, trong đó, trên 80% được xử lý bằng công nghệ chôn lấp. Ngoài con số về rác thải sinh hoạt, mỗi ngày, TP Hồ Chí Minh còn phát sinh hơn 4.000 tấn rác thải rắn công nghiệp và 400 tấn rác thải nguy hại, trong đó, có 45 tấn rác thải y tế.

Việc phần lớn các loại rác thải không được phân loại tại nguồn, gây khó khăn cho công tác thu gom, vận chuyển, xử lý và tiềm ẩn nguy cơ gây ô nhiễm môi trường. Thực tế cho thấy, rác thải sinh hoạt ở TP Hồ Chí Minh chủ yếu có nguồn gốc hữu cơ, rác có độ ẩm cao, hầu hết không được phân loại tại nguồn, gây khó khăn cho công tác thu gom, vận chuyển, xử lý và tiềm ẩn nhiều nguy cơ ô nhiễm môi trường. Mô hình xử lý rác thải bằng công nghệ chôn lấp đang áp dụng cũng phát sinh nhiều bất cập, ảnh hưởng đến mỹ quan đô thị với chi phí cao…

Bên cạnh đó, phần lớn rác thải chưa được phân loại tại nguồn, rác được chôn lấp, tăng nguy cơ gây ô nhiễm, trong khi lượng rác này có khả năng tái chế, tái sử dụng. Về lâu dài, việc xử lý rác bằng công nghệ chôn lấp vẫn có nguy cơ ô nhiễm nguồn nước ngầm, phát sinh côn trùng, ruồi muỗi và mùi hôi… ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng, đặc biệt là ở các thành phố lớn. Trong khi đó, công nghệ chôn lấp hay sản xuất phân vi sinh từ rác thải sinh hoạt vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu ngày càng gia tăng khối lượng rác thải tại TP Hồ Chí Minh.

Công nhân thu gom rác đã được phân loại

Nguồn: ITN 

Sẽ thu phí xử lý rác thải theo khối lượng

Đại diện Sở Tài nguyên và Môi trường TP Hồ Chí Minh cho biết, để đáp ứng nhu cầu xử lý rác, thành phố đang thay đổi phương thức xử lý từ chôn lấp sang đốt rác phát điện. Theo đó, thành phố vừa chấp thuận và khởi công 3 dự án gồm nhà máy Xử chất thải rắn sinh hoạt bằng công nghệ đốt rác phát điện 2.000 tấn/ngày; nhà máy Công nghệ đốt rác phát điện 2.000 tấn/ngày; cụm nhà máy Xử lý chất thải rắn sinh hoạt 500 tấn/ngày, chất thải công nghiệp 500 tấn/ngày, chất thải nguy hại 120 tấn/ngày.

“Công nghệ đốt rác phát điện có nhiều tính ưu việt hơn so với công nghệ chôn lấp truyền thống như ít chiếm diện tích, sản xuất ra điện, ít phát tán mùi hôi hơn, phù hợp với đô thị. Tuy nhiên, với công nghệ mới này, yêu cầu quan trọng là người dân phải chung tay phân loại rác tại nguồn. Nghĩa là rác phải được phân loại ngay tại nhà, thành 2 loại chính gồm rác tái chế và rác thải còn lại” - Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TP Hồ Chí Minh Nguyễn Toàn Thắng cho biết.

Đối với rác thải rắn công nghiệp và rác thải nguy hại, TP Hồ Chí Minh cũng cho xây dựng nhà máy Xử lý và tái chế chất thải công nghiệp - chất thải nguy hại công suất 500 tấn/ngày với mục tiêu là tái chế xử lý chất thải công nghiệp, các chất nguy hại từ các nhà máy sản xuất trong và ngoài các khu công nghiệp; phòng thí nghiệm của các trung tâm phân tích, viện, trường đại học; các cơ sở y tế; cơ sở chăn nuôi… Nhà máy còn phục vụ chương trình thu hồi xe cơ giới quá hạn sử dụng của quốc gia.

Ngoài ra, từ ngày 1.1.2022, Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) có quy định sẽ thu phí thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải theo hướng người gây ô nhiễm phải trả tiền, đồng thời, tăng cường việc bắt buộc phải phân loại rác tại nguồn; rác thải sinh hoạt sẽ được thu gom theo khối lượng và tính phí. Ngoài vấn đề thu phí rác thải theo khối lượng, Luật Bảo vệ môi trường cũng khuyến khích phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn thành 5 nhóm, gồm chất thải rắn có khả năng tái chế; chất thải thực phẩm - chất thải hữu cơ dễ phân hủy; chất thải nguy hại; chất thải cồng kềnh; chất thải rắn sinh hoạt thông thường khác.

Theo các chuyên gia, thu phí thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt theo số lượng phát sinh là giải pháp cần thiết và đang được nhiều quốc gia áp dụng hiệu quả. Điều này sẽ bảo đảm nguồn tài chính cho công tác quản lý chất thải rắn. Song, cũng cần có giải pháp đồng bộ ở các khâu, từ phân loại đến thu gom, xử lý và quan trọng nhất là sự ủng hộ của người dân. Mỗi người dân cần thể hiện vai trò của mình và cộng đồng cùng tham gia giảm thiểu phát sinh rác thải, thực hiện phân loại, tái chế… nhằm tận dụng tốt hơn tài nguyên, góp phần bảo vệ môi trường.

Vân Phi