Động đất tại Việt Nam: Đề xuất một đường hướng nghiên cứu

- Thứ Ba, 27/05/2008, 00:00 - Chia sẻ
Động đất là kết quả của hiện tượng đứt gãy thình lình sâu bên dưới mặt đất, do sự di chuyển trái chiều của hai khối địa chất dọc theo một hệ thống đường đứt gãy thẳng đứng hoặc trượt ngang. Động đất tại Việt Nam có kiểu mẫu đứt gãy ngang.

      Trên lãnh thổ Việt Nam có ít nhất hai hệ thống đứt gãy chính: Hệ thống Three Pagodas–Wang Chao và hệ thống Ailao Shan–Red River. Lý thuyết kiến tạo “chùi” (extrusion tectonic, 1982, 1986) do Tappoinnier cùng các đồng nghiệp đưa ra, giải thích rằng khối Ấn Độ sau khi tách khỏi cổ lục địa Gondwana ở Nam bán cầu, di chuyển lên phía Bắc đã va chạm và nén ép vào khối lục địa Eurasia vào khoảng 50 triệu năm trước. Kết quả này đưa đến việc thành lập rặng Hymalaya. Các lực nén ép dữ dội nơi đây phát triển, xé toạc ra hai bên về hai phía Đông Tây. Về phía Đông chúng xé phần lục địa Indochina, vùng Đông Nam châu Á, theo hệ thống toạc Three Pagodas-Wang Chao vào khoảng 35 triệu năm trước và động đất hẳn đã hoạt động mãnh liệt dọc theo hệ thống này vào thời điểm đó. Khối ÂÆn Độ di chuyển xa hơn về phía Bắc, sâu hơn vào lục địa Trung Quốc, các lực tác động không còn mạnh mẽ để đẩy các địa khối di chuyển nén ép nhau dọc theo hệ thống đường đứt gãy Three Pagoda–Wang Chao. Do đó, động đất nơi đây trở nên yếu đi và gần như không còn hoạt động vào khoảng 17 triệu năm trước. Với vị trí mới, va chạm và nén ép giữa India và Eurasia xa hơn về phía Bắc, Indochina lại bị xé toạc, nhưng với một vị trí tương ứng cũng xa hơn về phía Bắc - hệ thống đứt gãy Ailao Shan–Red River (ASRR). Động đất lại hoạt động mãnh liệt dọc theo hệ thống toạc mới này theo sau mốc 17 triệu năm trước. Cường độ động đất theo sau đó giảm dần, hoặc đã chấm dứt vào khoảng 5 triệu năm trước, khi khối India lại tiếp tục đi xa hơn nữa về phía Bắc và các lực kiến tạo không còn phát triển nhiều trên hệ thống ASRR. Với cùng một mô hình kiến tạo, India lại di chuyển nén ép sâu hơn vào Eurasia về phía Bắc, hệ thống đứt gãy Altyn–Tagh trong lãnh thổ Trung Quốc hiện nay, là hệ thống mới nhất, động đất hoạt động dữ dội dọc theo hệ thống đứt gãy này suốt từ 5 triệu năm trước cho đến hiện tại.

06-De-xuat-14808-300A2dung ca 2 anh.jpg

      Như vậy, có thể nói rằng động đất khó xuất hiện tại miền Nam Việt Nam và nếu có ở miền Bắc Việt Nam, thì chỉ xuất hiện hạn chế. Tuy nhiên thực tế cho thấy trong những năm gần đây, động đất được ghi nhận xuất hiện ở cả hai miền như trong báo cáo của các cơ quan thăm dò và khảo cứu động đất. Tại miền Nam, động đất có vẻ như chỉ có tính bộc phát nhất thời, không thường xuyên. Hiện nay, chưa có những khảo cứu về nguyên nhân gây ra các trận động đất này hoặc có liên quan đến khả năng tái hoạt động của hệ thống Three Pagodas-Wang Chao hay không?  Nhưng các nghiên cứu của giáo sư Clarence Allen về động đất ở vùng Vân Nam, Trung Quốc dọc theo hệ thống ASRR (1984), lại đưa ra một cảnh báo thật đáng ngại về nguy cơ động đất ở miền Bắc Việt Nam. Tác giả cho rằng sự yên lặng bất thường của động đất trên phần cuối hệ thống ASRR trong lãnh thổ Việt Nam, có thể được xem như là phần “seismic gap” của hệ thống. Theo thuật từ chuyên môn động đất, “seismic gap” là một đoạn trên hệ thống đứt gãy, nơi hoạt động động đất hầu như rất ít xảy ra so với các đoạn khác của hệ thống. Đây là nơi đất đá dọc hai bên mặt đứt gãy khá cứng, kháng cự lại sự đứt gãy khi hai địa khối di chuyển. Sự yên lặng của chúng chỉ là thời gian cần thiết để chúng gom tụ năng lượng đến một mức độ nào đó có thể phá vỡ mối liên kết này. Động đất xảy ra tại các vùng “seismic gap” rất ít, không thường xuyên nhưng ngược lại cường độ sẽ mạnh và gây nhiều tàn phá. Chúng ta có thể nhìn thấy trên bản đồ, mật độ động đất tập trung rất nhiều dọc theo hệ thống đứt gãy Điện Biên Phủ, nhánh  của hệ thống ASRR, nhưng lại thưa thớt trên phần cuối của hệ thống, trên vùng châu thổ miền Bắc, và chúng ta có thể đồng ý với tác giả về nhận định này. Dầu vậy, tác giả cũng xác định rằng tần số xuất hiện của động đất ở phần cuối hệ thống ASRR khá thưa (vài ngàn năm) và cần nhiều khảo cứu hơn nữa để có những kết luận chính xác hơn. 
      Trước những trận động đất xảy ra gần đây, một số thông tin trong nước cho rằng Hà Nội có thể phải hứng chịu động đất đến cấp 8.0 độ richter, dựa trên những tài liệu lịch sử. Tuy nhiên, chúng ta khó thể tìm được những chứng cớ lịch sử cho thấy kinh đô các vương triều chúng ta xưa kia đã từng bị đổ nát vì những trận động đất đến cấp 8.0. Những thông tin này rất chủ quan và thiếu thực tế, gây hoang mang cho dân chúng cũng như ảnh hưởng đến các dự án, kế hoạch đầu tư trong nước. Đối mặt với nguy cơ động đất có thể xảy ra tại Việt Nam người viết có một số đề nghị: Thứ nhất, cần chú trọng đến việc phổ biến các kiến thức cơ bản về động đất cũng như các biện pháp giúp bảo đảm an toàn khi động đất xảy ra. Cần nghiên cứu và phát triển các phương án, các phương tiện, hệ thống tích trữ thực phẩm, phương tiện giao thông, thông tin, bệnh viện... để sẵn sàng đối phó kịp thời khi động đất xảy ra. Hệ thống đê chống lụt của sông Hồng cần được nghiên cứu và gia cố để kháng cự động đất ở mức độ nào đó... Thứ hai, chúng ta cần phát triển ngành khảo cứu cổ địa chấn (paleoseismology). Đây có lẽ là bước cơ bản và cần thiết có thể giải quyết toàn bộ vấn đề. Kết quả khảo cứu sẽ cung cấp các số liệu về xác suất, tần số và cường độ xuất hiện của động đất trong vùng. Trên bình diện phát triển quốc gia, với kết quả có được từ nghiên cứu cổ địa chấn, chúng ta sẽ có những dữ kiện cần thiết để hướng dẫn phát triển nghiên cứu phân vùng động đất, thiết kế các tiêu chuẩn xây dựng... Nghiên cứu cổ địa chấn cũng giúp chúng ta có được dữ kiện cần thiết để đàm phán với các đối tác trong nước cũng như ngoài nước về các tiêu chuẩn trong xây dựng nhà máy, cơ sở công nghiệp một cách hợp lý và đồng thuận.
      Động đất là thiên tai không thể tránh được. Cho đến thời điểm hiện tại chưa có biện pháp nào có thể dự đoán chính xác ngày giờ xảy ra động đất. Vì thế, chuẩn bị là phương cách tối ưu nhất. Hiểu biết động đất để có thể sống chung và tồn tại được với chúng.

Tiến sỹ Nguyễn Anh Tuấn
Đại học Tổng hợp San Jose, Mỹ

Nguyễn Anh Tuấn