Ban Quản lý Khu công nghiệp Nam Định

Đồng hành vượt khó

- Chủ Nhật, 01/08/2021, 09:45 - Chia sẻ
Thực hiện Kế hoạch số 54 của UBND tỉnh Nam Định về phòng, chống dịch Covid-19 tại các khu công nghiệp, Ban Quản lý các Khu công nghiệp tỉnh đã phối hợp với các sở, ngành, các huyện, thành phố tập trung triển khai kế hoạch phòng, chống dịch tại cơ sở sản xuất kinh doanh và khu, cụm công nghiệp theo các nguyên tắc bảo đảm thực hiện mục tiêu kép vừa phòng, chống dịch vừa hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Thực hiện mục tiêu kép

Nghị quyết 04 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao năng lực cạnh tranh, xúc tiến và thu hút đầu tư đã đề ra mục tiêu: Giai đoạn 2021 - 2025, tổng vốn thu hút đầu tư trên địa bàn tỉnh đạt trên 80 nghìn tỷ đồng, trong đó, đầu tư trực tiếp nước ngoài đạt trên 2 tỷ USD, đầu tư trong nước đạt trên 30 nghìn tỷ đồng.

Theo Ban Quản lý Khu công nghiệp tỉnh Nam Định, trong 6 tháng đầu năm 2021, trong bối cảnh đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, các cấp, các ngành và cả hệ thống chính trị tập trung cao độ triển khai thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch trên địa bàn tỉnh; kiên định thực hiện “mục tiêu kép” vừa tập trung thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội vừa triển khai có hiệu quả công tác phòng, chống dịch Covid-19. Ban Quản lý đã tăng cường chỉ đạo thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch Covi-19, đồng thời, triển khai, thực hiện có hiệu quả “Tháng hành động vì an toàn thực phẩm”, “Tháng hành động về an toàn, vệ sinh lao động”, phối hợp với Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh, Sở Y tế và các đơn vị có liên quan tổ chức diễn tập công tác phòng, chống dịch Covid-19 tại Khu công nghiệp Hòa Xá.

Hàng tháng, Ban Quản lý các Khu công nghiệp tỉnh ban hành các văn bản gửi các doanh nghiệp đôn đốc hướng dẫn về tăng cường bảo đảm an toàn phòng, chống dịch Covid-19 tại doanh nghiệp trong sản xuất, kinh doanh. Trong đó, yêu cầu lãnh đạo các doanh nghiệp tiến hành tự đánh giá nguy cơ lây nhiễm và các biện pháp phòng, chống dịch tại đơn vị theo hướng dẫn của cơ quan y tế. Thường xuyên rà soát, cập nhật kế hoạch, phương án phòng chống dịch, chủ động sẵn sàng khi có dịch. Thường xuyên cập nhật, lập danh sách các trường hợp người lao động có liên quan đến các địa điểm, trên các phương tiện vận tải công cộng, đến từ các địa phương có dịch, yêu cầu người lao động ký cam kết thực hiện đầy đủ các biện pháp phòng, chống dịch và chịu trách nhiệm trước pháp luật nếu sai phạm.

Trưởng Ban Quản lý các Khu công nghiệp tỉnh Nam Định Trần Minh Hoan cho biết, trong 6 tháng đầu năm, mặc dù các doanh nghiệp khu công nghiệp phải đối mặt với rất nhiều khó khăn do tác động của dịch Covid-19, song, với sự chỉ đạo sâu sát, quyết liệt của lãnh đạo tỉnh và Ban Quản lý các khu công nghiệp, sự phối hợp chặt chẽ giữa các ban, ngành chức năng trong tỉnh đã tháo gỡ khó khăn kịp thời cho các doanh nghiệp. Hoạt động sản xuất kinh doanh của 150 doanh nghiệp trong các khu công nghiệp cơ bản ổn định, bảo đảm việc làm và thu nhập cho người lao động.

Khu công nghiệp Bảo Minh

Nguồn: ITN 

Tạo điều kiện thuận lợi nhất

Tổng kết 6 tháng đầu năm 2021 của Ban Quản lý Khu công nghiệp tỉnh Nam Định cho thấy, giá trị sản xuất công nghiệp đạt 12 nghìn tỷ đồng, bằng 46,26% kế hoạch năm (25.940 tỷ đồng); giá trị xuất khẩu đạt 450 triệu USD, bằng 45% kế hoạch năm (1 tỷ USD); nộp ngân sách Nhà nước đạt 200 tỷ đồng; tạo việc làm cho trên 4,5 vạn người lao động với thu nhập bình quân đạt 6,3 triệu đồng/người/tháng. Bên cạnh đó, Ban đã vận động các doanh nghiệp ủng hộ hơn 10 tỷ đồng cho quỹ phòng, chống Covid-19. Đồng thời, với công tác phòng, chống dịch, Ban đã phối hợp với các sở, ngành, địa phương, đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến, thu hút đầu tư, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các doanh nghiệp về đầu tư tại các khu công nghiệp của tỉnh, đặc biệt ưu tiên thu hút đầu tư các dự án có vốn đầu tư lớn, công nghệ hiện đại, thân thiện với môi trường.

Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Nam Định Mai Văn Quyết cho biết, tỉnh đề ra các giải pháp quan trọng với các nội dung như đẩy nhanh tiến độ đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng một số khu cụm công nghiệp để thu hút các nhà đầu tư thứ cấp; phấn đấu sớm lấp đầy khu công nghiệp Dệt may Rạng Đông; hoàn thành đầu tư hạ tầng khu công nghiệp Mỹ Thuận; mở rộng khu công nghiệp Bảo Minh; đề xuất triển khai khu công nghiệp Hồng Tiến và các khu công nghiệp theo quy hoạch; tháo gỡ vướng mắc khu công nghiệp Mỹ Trung để đi vào hoạt động. Hoàn thiện hạ tầng các cụm công nghiệp như Yên Bằng, Thanh Côi, Hải Vân, Thịnh Lâm, Mỹ Tân… Xây dựng, nâng cấp hệ thống lưới điện, cấp nước, viễn thông và hạ tầng xã hội đáp ứng yêu cầu sản xuất, kinh doanh tại các khu, cụm công nghiệp.

Bên cạnh đó, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, đẩy mạnh hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp. Tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư tiếp cận thông tin về quy hoạch, hỗ trợ đẩy nhanh tiến độ thực hiện các thủ tục pháp lý về dự án đầu tư như đất đai, đê điều, môi trường. Phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan, đơn vị trong công tác giải phóng mặt bằng. Thường xuyên đôn đốc, tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ thực hiện của các dự án để sớm hoàn thành đưa vào hoạt động, tạo nguồn thu cho ngân sách.

Phương Thanh