Hà Nam

Đồng lòng giải quyết khó khăn trong xây dựng nông thôn mới

- Thứ Sáu, 05/02/2021, 06:52 - Chia sẻ
Triển khai Chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM) với xuất phát điểm thấp (chỉ đạt 5,7 tiêu chí), song với nỗ lực của cả hệ thống chính trị toàn tỉnh, tỉnh Hà Nam đã trở thành một trong 8 tỉnh của cả nước có 100% số xã được công nhận đạt chuẩn NTM. Kinh nghiệm của tỉnh cho thấy, việc chính quyền và người dân đồng lòng giải quyết mọi khó khăn trong quá trình thực hiện chính là chìa khóa thành công của tỉnh.

Phát huy vai trò chủ thể của người dân

Triển khai xây dựng NTM, xã Xuân Khê, huyện Lý Nhân chú trọng đầu tư phát triển hệ thống hạ tầng. Trong đó, ưu tiên hoàn thiện đường giao thông nông thôn, đường nội đồng và kiên cố hóa kênh mương thủy lợi. Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền đã được đẩy mạnh nhằm thay đổi nhận thức của Nhân dân, chủ động tham gia thực hiện chương trình xây dựng NTM với nhiều cách làm sáng tạo.  Đến nay, tổng diện tích đất được người dân hiến đạt gần 500.000m2. Tiêu chí số 17 về môi trường cũng được xã làm tốt khi người dân đều có ý thức thực hiện. Đến nay, toàn xã đã có hố rác phân loại rác thải tại trên 90% hộ gia đình. Xã cũng thành lập 11 tổ dân cư tự quản và 12 tổ thu gom rác thải với 12 xe chuyên chở rác với kinh phí hoạt động từ nguồn đóng góp người dân (2.000 đồng/khẩu/tháng). Năm 2018, Xuân Khê tiếp tục được lựa chọn là 1 trong 6 xã điểm xây dựng xã NTM kiểu mẫu giai đoạn 2018 - 2020 (mỗi huyện, thành phố, thị xã chọn 1 xã). Đúng 1 năm sau, xã đã được UBND tỉnh công nhận đạt chuẩn xã NTM kiểu mẫu.

Phát huy vai trò chủ thể của người dân trong xây dựng NTM tại Hà Nam Ảnh: Thanh Bình
Phát huy vai trò chủ thể của người dân trong xây dựng NTM tại Hà Nam
Ảnh: Thanh Bình

Từ điểm sáng Xuân Khê, nhiều địa phương khác của huyện Lý Nhân đã học hỏi và triển khai thực hiện hiệu quả chương trình xây dựng NTM. Chủ tịch UBND huyện Nguyễn Thành Thăng cho biết: Những khó khăn trong quá trình thực hiện đều được cả hệ thống chính trị tìm cách giải quyết. Lý Nhân đã trở thành huyện cuối cùng về đích. Qua đó, giúp Hà Nam trở thành một trong 8 tỉnh của cả nước có 100% số xã được công nhận đạt chuẩn NTM; 6/6 huyện, thị, thành phố của tỉnh đều được công nhận đạt chuẩn và đã hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM cấp huyện.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Nam Nguyễn Đức Vượng chia sẻ: Tỉnh bắt tay thực hiện chương trình xây dựng NTM với xuất phát điểm của các xã thấp (bình quân chỉ đạt 5,7 tiêu chí/xã). Bên cạnh đó, tỉnh cũng xác định được khó khăn của một địa phương có nguồn lực hạn chế, sản xuất nông nghiệp manh mún, nhỏ lẻ… Vì vậy, trong quá trình thực hiện, Hà Nam chú trọng phát huy vai trò chủ thể của người dân; chú trọng tuyên truyền, vận động làm thay đổi nhận thức của cán bộ và Nhân dân; xóa dần tư tưởng trông chờ, thụ động trong triển khai thực hiện. Thông qua những hoạt động trên đã giúp khơi dậy tinh thần đoàn kết giúp nhau phát triển sản xuất, xóa đói giảm nghèo; vận động các nguồn lực đóng góp từ Nhân dân để xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn như hiến đất làm đường, xây dựng các công trình dân sinh nông thôn… “Phần thưởng xứng đáng cho mọi sự cố gắng là tỉnh đã được Thủ tướng Chính phủ ký quyết định công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM vào ngày 31.12.2020 với tiêu chí bình quân/xã đạt 19 tiêu chí, tăng bình quân 13,3 tiêu chí/xã so với năm 2010”, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đức Vượng cho biết.

Lấy nông nghiệp công nghệ cao làm nòng cốt

Với những kết quả quan trọng đã đạt được, tỉnh Hà Nam xác định tiếp tục thực hiện hiệu quả chủ trương cơ cấu lại nông nghiệp, phát triển kinh tế nông thôn gắn với xây dựng NTM. Tỉnh tập trung phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao nhằm tạo ra khối lượng nông sản hàng hóa chất lượng cao, quy mô lớn, có giá trị gia tăng cao, khả năng cạnh tranh lớn. Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đức Vượng, thời gian tới, tỉnh sẽ lấy các khu công nghệ cao làm nòng cốt để khuyến khích ứng dụng công nghệ vào sản xuất nông nghiệp. Để triển khai, tới đây, tỉnh sẽ ban hành một số chính sách theo hướng khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Ưu tiên bố trí ngân sách đầu tư hạ tầng khu công nghệ cao, thu hút nguồn lực trong Nhân dân, các doanh nghiệp để phát triển sản xuất các sản phẩm nông nghiệp có lợi thế. Phát triển các mô hình ứng dụng khoa học, công nghệ tham gia liên kết chuỗi sản xuất đạt hiệu quả kinh tế cao... “Hà Nam sẽ tập trung xây dựng vùng trọng điểm sản xuất nông nghiệp tại các huyện Lý Nhân, Bình Lục và thành phố Phủ Lý với trọng tâm là 6 khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao với diện tích trên 652ha”, ông Vượng cho biết.

Cũng theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đức Vượng: Tỉnh có nhiều tiềm năng để phát triển loại hình du lịch nông nghiệp, nông thôn. Gắn phát triển du lịch sinh thái, du lịch làng nghề với xây dựng NTM là vấn đề đang được Hà Nam chú trọng với nhiều giải pháp và phía trước còn nhiều việc phải làm.

Theo Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Lê Xuân Huy: Việc phát triển nông nghiệp gắn kết du lịch sẽ lại hiệu quả tích cực, vừa quảng bá, tạo đầu ra tại chỗ cho sản phẩm nông nghiệp, vừa tạo thêm các sản phẩm du lịch mới hấp dẫn. Phát triển du lịch nông thôn cũng sẽ thúc đẩy, là nền tảng xây dựng NTM bền vững trong những năm tiếp theo. Thời gian tới, Hà Nam sẽ phát triển theo hướng du lịch xanh dựa trên nền tảng khai thác hợp lý và hiệu quả các nguồn tài nguyên, phát triển gắn với bảo vệ môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học. Khu vực xác định phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn sẽ bao gồm: Các huyện Lý Nhân, Bình Lục và phía đông huyện Duy Tiên.

Thanh Bình