Tác động của Covid-19 lên hệ thống an sinh xã hội Hàn Quốc

Động lực để cải cách

- Thứ Sáu, 25/09/2020, 08:30 - Chia sẻ
Hàn Quốc đã trải qua ba cuộc khủng hoảng kinh tế kể từ khi phi hạt nhân hóa vào năm 1987. Đó là cuộc khủng hoảng tài chính châu Á (1997 - 1999), cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu (2008 - 2009) và cuộc khủng hoảng kinh tế do Covid-19 gây ra hiện nay. Giống như hai cuộc khủng hoảng trước đó, Covid-19 đã làm lộ ra nhiều điểm yếu nhưng đồng thời tạo động lực mới cho việc mở rộng hỗ trợ phúc lợi xã hội ở xứ sở kim chi.

Nhìn lại bài học cũ

Theo trang web của Diễn đàn Đông Á (EAF), giáo sư khoa Hành chính công, kiêm Giám đốc Viện Nghiên cứu nhà nước phúc lợi tại Đại học Yonsei cho biết, để đối phó với cuộc khủng hoảng tài chính châu Á, chính phủ tiến bộ của Tổng thống lúc bấy giờ là Kim Dae-jung đã quyết định mở rộng an sinh xã hội. Năm 1998 do hậu quả của khủng hoảng, nền kinh tế Hàn Quốc suy giảm 5,8% và tỷ lệ thất nghiệp tăng lên hơn 8%. Hàn Quốc đã không chuẩn bị cho tình trạng thất nghiệp hàng loạt. Chương trình Bảo hiểm việc làm (EIS), vốn mới được áp dụng năm 1995 và ban đầu chỉ bao trùm 4,1% trong số 13,6 triệu lao động của đất nước, đã không thể đối phó được. Hậu quả là, nghèo đói tăng vọt trong khi bình đẳng thu nhập giảm sút. Tuy nhiên, hậu quả xã hội ảm đạm đó đã thúc đẩy mạnh mẽ các cải cách phúc lợi xã hội, bao gồm cả việc mở rộng phạm vi bao phủ của EIS cũng như giới thiệu chương trình hỗ trợ công toàn dân.

Việc mở rộng an sinh xã hội đã giúp Hàn Quốc hoạt động tốt hơn trong cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu. Nền kinh tế định hướng xuất khẩu của đất nước đã bị tác động mạnh bởi cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu do xứ sở kim chi phụ thuộc rất nhiều vào ngoại thương. GDP giảm 3,4% trong quý IV năm 2008 và 4,2% trong quý II năm 2009. Tuy nhiên, các vấn đề xã hội không nghiêm trọng như trong cuộc khủng hoảng tài chính châu Á. EIS đã giúp các công ty xuất khẩu duy trì việc làm bằng cách cung cấp các khoản trợ cấp được sử dụng cho việc nghỉ hưởng lương và giảm giờ làm việc thay vì sa thải. Trợ cấp thất nghiệp và trợ cấp công cũng hoạt động tương đối tốt.

Trong khi đó khủng hoảng Covid-19 đã đưa ra nhiều thách thức hỗn hợp cho Hàn Quốc, mặc dù Chính phủ đã ứng phó khá thành công cuộc khủng hoảng y tế do virus SARS-CoV-2 gây ra. Tương tự như Trung Quốc, số trường hợp dương tính được xác nhận đã tăng đột ngột vào tháng 2 và đạt mức cao nhất vào ngày 3.3 với 851 ca nhiễm mới. Tuy nhiên, từ thời điểm này, các trường hợp được xác nhận dương tính hàng ngày đã giảm xuống mức thấp nhất là khoảng 30 vào tháng 8 và dao động quanh mức 100 vào tháng 9.

Phản ứng thành công trên là nhờ chính sách xét nghiệm trên quy mô lớn, cách ly bệnh nhân nhiễm bệnh, theo dõi hoạt động di chuyển và cách ly nhanh chóng những ai bị phơi nhiễm. Việc ngăn chặn thành công đã giảm thiểu tác động kinh tế bất lợi của Covid-19 đối với nền kinh tế Hàn Quốc, vốn giảm 3,3% trong quý II năm 2020. Ngược lại, hầu hết quốc gia Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) khác đã phải trải qua thời kỳ suy thoái kinh tế tồi tệ nhất kể từ cuộc đại suy thoái kinh tế những năm 1930, với suy giảm đáng báo động ở Nhật Bản (27,8 %), Mỹ (33 %) và Liên minh châu Âu (12,1 %).

Những lao động tự làm chủ Hàn Quốc chịu nhiều tác động tiêu cực từ đại dịch Covid-19  

Nguồn: ITN 

Lấp đầy lỗ hổng

Tuy nhiên, đại dịch Covid-19 đã làm lộ ra không ít lỗ hổng trong mạng lưới an toàn xã hội của Hàn Quốc, đặc biệt là đối với những cá nhân làm nghề tự do vì biện pháp giãn cách xã hội khiến nhiều nơi bị phong tỏa, tác động mạnh mẽ đến các doanh nghiệp nhỏ. Hàn Quốc là nước sở hữu khu vực kinh doanh nhỏ đáng kể, với việc tự doanh chiếm khoảng 25% tổng số việc làm. Điều đáng nói là, những lao động tự làm chủ này không được EIS bảo hiểm, cũng như thường không đủ điều kiện nhận trợ cấp công với tư cách là người sở hữu tài sản. Vì vậy, bảo vệ các chủ doanh nghiệp nhỏ trên khỏi tổn thất đã trở thành mục tiêu cấp thiết trong chương trình nghị sự chính sách mới của đất nước kim chi.

Hàn Quốc đang thảo luận về hai lựa chọn chính sách. Một lựa chọn là thu nhập cơ bản toàn dân, vốn rất được Tổng thống Moon Jae-in kỳ vọng. Lựa chọn khác là mở rộng EIS theo hai cách. Đầu tiên là thay thế EIS bằng hệ thống bảo hiểm thất nghiệp kiểu Đan Mạch dựa trên tổng thu nhập của một cá nhân bất kể loại việc làm. Những người làm việc tự do và làm nghề tự do sẽ có nghĩa vụ đăng ký vào hệ thống này. Thứ hai là cung cấp trợ cấp thất nghiệp kiểu Đức cho những đối tượng không được bảo hiểm với điều kiện họ phải tham gia tìm kiếm việc làm hoặc đào tạo.

Những người ủng hộ thu nhập cơ bản toàn dân đã thành công đưa ra một biến thể chính sách như vậy, đó là Chương trình Cứu trợ khẩn cấp (ERA) toàn dân trong cuộc tổng tuyển cử vào tháng 4 giữa lúc Covid-19 đang hoành hành. ERA ban đầu được chính phủ đề xuất để bảo vệ các cá nhân không nằm trong EIS, nhưng tranh luận giữa phe cầm quyền và phe đối lập đã dẫn đến sự ra đời của ERA chung bao trùm toàn dân.

Là một phần của ERA, chính phủ đã chi 1.000.000 won ( khoảng 900 USD) cho các hộ gia đình có 4 thành viên và 400.000 won (350 USD) cho các hộ gia đình 1 người vào tháng 5. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử Hàn Quốc, chính phủ hỗ trợ tiền trợ cấp, bất kể rủi ro và nhu cầu xã hội. ERA một lần tiêu tốn 14,3 nghìn tỷ won (12 tỷ USD) - vượt xa tổng chi phí trợ cấp thất nghiệp vào khoảng 9.000 tỷ won (7,6 tỷ USD) vào năm 2019.

Những người ủng hộ hệ thống EIS chỉ trích ERA là sinh ra từ chủ nghĩa dân túy và một mạng lưới an toàn không hiệu quả đối với những cá nhân tự kinh doanh. Họ chỉ ra rằng, mức trợ cấp 400.000 won của ERA cho hộ gia đình 1 người chỉ bằng 1/5 trợ cấp thất nghiệp hàng tháng.

Sau bầu cử, Chính phủ Hàn Quốc đã tách ERA ra khỏi vai trò như thu nhập cơ bản toàn dân. ERA thứ hai, sẽ được thanh toán vào cuối tháng 9 này, đã được sửa đổi thành tiền trợ cấp có chọn lọc dành cho các doanh nghiệp nhỏ, người lao động không thường xuyên và người làm nghề tự do bị ảnh hưởng nặng nề bởi suy thoái kinh tế kéo dài. Chính phủ cũng thông qua giải pháp cung cấp các khoản trợ cấp thất nghiệp thử nghiệm trong 6 tháng cho những cá nhân tìm việc không thuộc phạm vi bảo hiểm của EIS.

Chính phủ hiện chuẩn bị lộ trình cho chương trình bảo hiểm việc làm toàn dân, theo đó tất cả những ai tham gia hoạt động kinh tế đều có thể nộp đơn xin trợ cấp thất nghiệp nếu bị mất thu nhập. Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 đã làm lộ ra không ít điểm yếu trong hệ thống an sinh xã hội, Hàn Quốc không còn cách nào khác, phải tích cực cải cách mới mong đối phó được với khó khăn mà khủng hoảng kinh tế gây ra.

Ngọc Minh