Động lực giúp doanh nghiệp phục hồi

- Thứ Ba, 23/11/2021, 07:02 - Chia sẻ
Nhằm tạo điều kiện cho các doanh nghiệp vượt qua khó khăn, Thủ tướng Chính phủ vừa yêu cầu các bộ, ngành, địa phương đẩy mạnh triển khai có hiệu quả Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa. Theo Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa TP. Hà Nội MẠC QUỐC ANH, đây là quyết sách đúng, kịp thời nhằm giúp doanh nghiệp có động lực phục hồi mạnh mẽ trong thời gian tới.

Đẩy nhanh quá trình phục hồi

- ­Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành văn bản số 1590/TTg-ĐMDN về đẩy mạnh triển khai Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa. Theo ông, điều này sẽ có ý nghĩa thế nào với cộng đồng doanh nghiệp?

­­ - Trước hết, phải khẳng định rằng việc Thủ tướng ban hành văn bản này trong bối cảnh hiện nay là hết sức đúng đắn, kịp thời bởi cộng đồng doanh nghiệp nhỏ và vừa là đối tượng chịu thiệt hại nặng nề nhất của đại dịch Covid-19.

Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa có hiệu lực từ ngày 1.1.2018 với những quy định thực sự tiến bộ, tạo thuận lợi cho hoạt động của doanh nghiệp. Tuy vậy, sau hơn 3 năm triển khai nhìn chung vẫn chưa được như mong đợi.

Nguyên nhân trước tiên là ở cấp địa phương cơ bản vẫn chưa giao cụ thể cho đơn vị nào đứng ra làm đầu mối thực hiện chính, trong khi đáng ra phải phân định rõ điều này mới gắn trách nhiệm cụ thể để phát huy hiệu quả, và khi đó đối tượng thụ hưởng là doanh nghiệp mới biết phải bám vào ai, vào cơ quan nào. Thêm nữa, để Luật được cụ thể hóa thì cần các nghị định, thông tư hướng dẫn, song việc ban hành các văn bản này lại rất chậm, có khi mất nhiều tháng. Ngoài ra, sự phối hợp giữa các cấp ngành trong việc giám sát thực hiện Luật, bao gồm cả vai trò của các hiệp hội doanh nghiệp vẫn chưa được phát huy…

Trong bối cảnh chúng ta đang tính đến việc khôi phục kinh tế, doanh nghiệp nhỏ và vừa chiếm trên 90% tổng số doanh nghiệp thì việc rà soát, đánh giá thực hiện Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa thực sự quan trọng và đặc biệt cần thiết. Chúng tôi tin tưởng với chỉ đạo này của Thủ tướng giao trực tiếp nhiệm vụ cho các bộ, ngành, địa phương, hiệp hội, tức là sẽ triển khai Luật theo định lượng thay vì định tính như trước sẽ giúp cộng đồng doanh nghiệp nhỏ và vừa có động lực để đẩy nhanh quá trình phục hồi.

- Cũng theo văn bản này, Thủ tướng yêu cầu các địa phương phải đổi mới mô hình hoạt động của Quỹ bảo lãnh tín dụng doanh nghiệp nhỏ và vừa. Cụ thể, quỹ này cần đổi mới ra sao?

- Quỹ bảo lãnh tín dụng với doanh nghiệp nhỏ và vừa thực sự rất có ích với cộng đồng doanh nghiệp nhưng thực tế doanh nghiệp không mấy mặn mà. Nguyên nhân bởi việc bảo lãnh tín dụng vẫn dựa trên tài sản bảo đảm hoặc phương án sản xuất, kinh doanh khả thi; phải bảo toàn vốn. Do vậy, nhiều địa phương rất thận trọng, ban hành điều kiện chặt chẽ chẳng khác nào đi vay vốn ngân hàng thương mại nên doanh nghiệp sẽ chọn vay vốn từ ngân hàng hơn. Vì thế, theo tôi, cần đổi mới quỹ này theo hướng có chấp nhận rủi ro thay vì chỉ lo bảo toàn vốn, đồng thời cắt bớt điều kiện để doanh nghiệp dễ tiếp cận hơn.

	Doanh nghiệp vừa, nhỏ và siêu nhỏ bị tác động nặng nề nhất bởi dịch Covid-19. Nguồn: Báo Sài gòn Giải phóng
Doanh nghiệp vừa, nhỏ và siêu nhỏ bị tác động nặng nề nhất bởi dịch Covid-19.
Nguồn: Báo Sài gòn Giải phóng

Hãy thực thi đúng!

- Theo ông, cộng đồng doanh nghiệp nhỏ và vừa cần gì nhất lúc này từ phía các cơ quan quản lý?

-  Chúng tôi cần các cơ quan quản lý thực thi đúng quy định hiện hành, đặc biệt là theo Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, theo chỉ đạo của Thủ tướng. Như vậy chắc chắn sẽ giúp cộng đồng doanh nghiệp vượt qua khó khăn. Cùng với đó, khâu giám sát thực thi để đánh giá, tổng kết là rất quan trọng, qua đó kịp thời điều chỉnh những quy định gây cản trở doanh nghiệp. Khi thực thi đúng cũng sẽ bảo đảm cho các văn bản hướng dẫn nhanh chóng được ban hành, giảm tối đa độ trễ chính sách. Đồng thời, các hướng dẫn triển khai càng cụ thể, chi tiết sẽ giúp cấp dưới triển khai nhanh chóng, đồng bộ.  

- Vậy còn về phía doanh nghiệp?

- Nhìn từ đợt dịch Covid-19 vừa qua, tôi cho rằng quan trọng nhất là doanh nghiệp phải đầu tư về con người, thị trường, công nghệ và đặc biệt phải có quỹ trích lập dự phòng rủi ro để đề phòng những lúc khó khăn về tài chính, tiền tệ, dịch bệnh.

- Ông nhìn nhận thế nào về triển vọng chuyển đổi số trong doanh nghiệp nhỏ và vừa?

- Đây là một xu thế tất yếu và cộng đồng doanh nghiệp đang rất nỗ lực, tích cực triển khai. Song, để đẩy nhanh quá trình này và tăng hiệu quả, Nhà nước cần hỗ trợ về công nghệ, đào tạo con người cũng như tài chính và thị trường. Đặc biệt, với tài chính, cần cắt giảm tối đa điều kiện cho doanh nghiệp.

- Xin cảm ơn ông!

Tạo thuận lợi để doanh nghiệp tiếp cận tín dụng

Theo Văn bản số 1590/TTg-ĐMDN ngày 18.11.2021 về đẩy mạnh triển khai Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, Thủ tướng giao Ngân hàng Nhà nước nghiên cứu, tiếp tục có các chính sách phù hợp để các tổ chức tín dụng tập trung vốn cho vay doanh nghiệp nhỏ và vừa, tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp tiếp cận vốn tín dụng.

Thủ tướng cũng giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổng kết, đánh giá, đề xuất sửa đổi, bổ sung Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa vào thời điểm thích hợp; khẩn trương trình Thủ tướng Chương trình Hỗ trợ chuyển đổi số trong doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh giai đoạn 2021 - 2025. Bên cạnh đó, sớm hoàn thiện, khai thác hiệu quả Cổng thông tin quốc gia về doanh nghiệp để tổng hợp, chia sẻ miễn phí thông tin về các chương trình, chính sách, mạng lưới tư vấn viên hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa để doanh nghiệp, người dân tiếp cận nhanh chóng, khoa học…

 

Minh Châu thực hiện