Từ thành công chuyến thăm của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và Đoàn đại biểu cấp cao Quốc hội Việt Nam đến một số nước châu Âu

Động lực mới cho sự phát triển của đất nước

- Thứ Ba, 14/09/2021, 08:07 - Chia sẻ
Khi bắt đầu chuyến công tác tại một số nước châu Âu, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chia sẻ với các thành viên Đoàn đại biểu cấp cao Quốc hội Việt Nam rằng, chúng ta phải chuyển tải được thông điệp, hình ảnh về đất nước Việt Nam với một Quốc hội hành động, là quốc gia có trách nhiệm, chủ động, tích cực trong hợp tác đa phương, có chính sách đối ngoại rộng mở, khát khao phát triển, nỗ lực vươn lên trong đại dịch. Sau gần 7 ngày với hơn 70 hoạt động song phương và đa phương, cấp cao và bên lề, chuyến thăm của Chủ tịch Quốc hội và Đoàn đã “thành công trọn vẹn, vượt mong đợi”, không chỉ chuyển tải được thông điệp đến bạn bè quốc tế, các đối tác mà còn góp phần tạo động lực mới cho sự phát triển của đất nước.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ thăm Đại sứ quán Việt Nam tại Bỉ
Ảnh: Doãn Tấn

Phản ánh sâu sắc ý nguyện của người dân

Dấu ấn một Quốc hội hành động, chủ động, tích cực và trách nhiệm trong chuyến công tác của Chủ tịch Quốc hội và Đoàn thể hiện trước hết ở những đóng góp thực chất tại Hội nghị các Chủ tịch Quốc hội thế giới lần thứ 5 (WCSP5). Sau gần hai năm bị “đóng băng” bởi đại dịch Covid-19 và những thách thức từ sự trỗi dậy của chủ nghĩa đơn phương, WCSP5 được tổ chức theo hình thức trực tiếp tại Cộng hòa Áo với sự tham dự của hơn 140 nhà lãnh đạo Quốc hội trên toàn thế giới đã làm sống động trở lại chủ nghĩa đa phương và ngoại giao nghị viện đa phương.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã tham dự và có tới 5 bài phát biểu gồm cả trực tiếp và gửi đến các phiên họp toàn thể, phiên thảo luận chuyên đề của Hội nghị khẳng định sự ủng hộ của Việt Nam trong việc thúc đẩy ngoại giao nghị viện đa phương, gia tăng vai trò của Liên minh Nghị viện thế giới (IPU) nói chung và nghị viện mỗi nước nói riêng tham gia giải quyết các vấn đề toàn cầu, đặc biệt là những vấn đề có tính thời sự cấp thiết hiện nay như phòng, chống đại dịch Covid-19, phục hồi, phát triển sau đại dịch, ứng phó với biến đổi khí hậu, an ninh lương thực, an ninh nguồn nước...

Trong các cuộc tiếp xúc nhân dịp Hội nghị, Chủ tịch IPU Duarte Pacheco, Tổng Thư ký IPU Martin Chungong, Lãnh đạo Nghị viện các nước đều hoan nghênh và đánh giá rất cao quan điểm của Chủ tịch Quốc hội Việt Nam về việc nghị viện cần thể hiện vai trò dẫn dắt, đồng hành với Chính phủ, thúc đẩy hợp tác đa phương, kết nối, gia tăng nguồn lực, phát huy sự nỗ lực, sức sáng tạo của mỗi người dân, doanh nghiệp để vượt qua đại dịch Covid-19, bảo vệ tính mạng, sức khỏe của người dân, gìn giữ môi trường hòa bình, phục hồi và phát triển kinh tế bền vững. Trong tiến trình đó, người dân phải là trung tâm cho mọi nỗ lực và chính sách quốc gia. Hòa bình và phát triển bền vững chỉ có thể đạt được khi người dân được bảo đảm cơ bản các điều kiện sống an toàn và hạnh phúc, ấm no. Để sớm vượt qua và phục hồi sau đại dịch Covid-19, phải thực hiện công bằng vaccine cho mọi người; củng cố hệ thống y tế tự cường; hợp tác sản xuất vaccine; chuyển đổi số quốc gia gắn với nâng cao kỹ năng số cho người lao động; tạo thuận lợi cho sản xuất, lưu thông hàng hóa và dịch vụ; mở cửa cho việc đi lại qua biên giới nhưng bảo đảm an toàn y tế...

Các đề xuất cụ thể của Chủ tịch Quốc hội ta đã được thể hiện đậm nét trong Tuyên bố chung của Hội nghị. Đơn cử như về vaccine phòng Covid-19, Tuyên bố đã khẳng định sự ủng hộ của các nhà lãnh đạo nghị viện trên toàn thế giới đối với hoạt động nghiên cứu, ứng phó nhanh chóng và chuẩn bị sẵn sàng tốt hơn cho đại dịch thông qua việc tăng cường hợp tác giữa các quốc gia; tăng cường hợp tác quốc tế trong lĩnh vực nghiên cứu và phát triển, sản xuất và phân phối vaccine cũng như nâng cao khả năng tiếp cận và giá thành hợp lý; vaccine phải được phân phối nhanh chóng, công bằng, bình đẳng và phổ quát trên toàn cầu…

Sự thuyết phục trong các đề xuất của Chủ tịch Quốc hội Việt Nam tại WCSP5 là bởi đã phản ánh sâu sắc ý nguyện của người dân về một thế giới hòa bình, phục hồi và phát triển bền vững, như Chủ tịch Quốc hội đã nhấn mạnh với các nhà lãnh đạo nghị viện: “Những người dân mà chúng ta là đại diện đang thúc giục chúng ta vượt qua các khác biệt, chung tay hành động nhanh hơn, mạnh mẽ hơn”.

Quyết tâm đưa quan hệ đối tác toàn diện lên tầm cao mới

Với tâm thế chủ động, hành động, đi vào thực chất, trong chuyến thăm làm việc với Liên minh châu Âu (EU)/Nghị viện châu Âu (EP), Vương quốc Bỉ, thăm chính thức Phần Lan, Chủ tịch Quốc hội liên tục có các cuộc làm việc với các nhà lãnh đạo của bạn, trao đổi cụ thể về những vấn đề cùng quan tâm, từ đó, bàn biện pháp thúc đẩy quan hệ hợp tác song phương cả về chính trị, kinh tế, đầu tư, thương mại và đặc biệt là về đầu tư giữa Việt Nam và EU, giữa Việt Nam và các nước.

Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Vũ Hải Hà cho biết, các nhà lãnh đạo bạn đều đánh giá Việt Nam là đối tác tin cậy và quan trọng ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Hai bên quyết tâm đưa quan hệ đối tác toàn diện mang tính chiến lược Việt Nam - EU lên tầm cao mới; đồng thời có nhận thức rất sâu sắc về việc thúc đẩy nghị viện các nước thành viên EU sớm phê chuẩn Hiệp định Bảo hộ đầu tư Việt Nam - EU (EVIPA).

Không chỉ thúc đẩy qua kênh chính thức, cấp cao, trong những ngày ở Áo, Bỉ, Phần Lan, Chủ tịch Quốc hội đã trực tiếp tham dự 3 tọa đàm doanh nghiệp với hàng trăm doanh nghiệp lớn của 3 nước và châu Âu đang tìm hiểu môi trường đầu tư, cơ hội hợp tác tại Việt Nam; đồng thời tiếp, làm việc với rất nhiều doanh nghiệp, trong đó có những doanh nghiệp hàng đầu châu Âu như Tập đoàn Deme, Tập đoàn Ørsted Đan Mạch, Tập đoàn GC International Hà Lan, Tập đoàn ExxonMobil, Công ty International Investment, Tập đoàn Siemens, Nokia…

Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, vừa qua, doanh nghiệp châu Âu chưa thực sự quan tâm tới thị trường Việt Nam, cũng chưa thấy hết được cơ hội mà Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) cũng như EVIPA mang lại cho chính họ. Lần này, Chủ tịch Quốc hội đã trực tiếp trao đổi, nhấn rất mạnh với các nhà đầu tư châu Âu rằng EVFTA, EVIPA là cơ hội cho cả hai bên. Hiện nay Việt Nam đã có 17 hiệp định thương mại tự do song phương và đa phương, trong đó có những hiệp định thương mại tự do thế hệ mới có thị trường rộng lớn và tiềm năng phát triển rất lớn như Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP, bao gồm các nước ASEAN và 5 đối tác gồm Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia, New Zealand)…

Điểm khác biệt của các hiệp định này với EVFTA là không tách riêng nội dung về đầu tư và thương mại. Do đó, với xu hướng phục hồi kinh tế sau đại dịch, nhà đầu tư từ thành viên các hiệp định này sẽ vào được ngay. Việt Nam rất mong muốn tiếp cận khoa học công nghệ, công nghệ nguồn của các nước tiên tiến như châu Âu nhưng nếu EVIPA chậm được phê chuẩn thì các doanh nghiệp châu Âu có thể sẽ bị lỡ nhịp. Vì thế, chính các doanh nghiệp, các hiệp hội doanh nghiệp cũng cần thúc giục Chính phủ, nghị viện các nước sớm phê chuẩn EVIPA để tận dụng tối đa cơ hội khi EVFTA và EVIPA song hành với nhau.

Không chỉ trao đổi cởi mở, thẳng thắn mà trên cương vị là người đứng đầu cơ quan lập pháp Việt Nam, Chủ tịch Quốc hội còn đưa ra những cam kết mạnh mẽ trong việc thực hiện các nội dung hợp tác đã ký, việc tạo lập môi trường kinh doanh tốt nhất hướng đến các chuẩn mực của OECD và Quốc hội sẽ giám sát việc triển khai thực hiện cam kết của Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương.

Sự coi trọng của các doanh nghiệp châu Âu đối với thị trường Việt Nam qua chuyến thăm lần này khác hẳn so với tất cả những lần trước. Họ đã coi Việt Nam là một đối tác quan trọng trong khu vực Đông Nam Á và đã coi Việt Nam là người bạn lớn, đối tác tin cậy”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng chia sẻ. Ông cũng cho biết, các doanh nghiệp châu Âu rất quan tâm tới lĩnh vực cơ sở hạ tầng, năng lượng tái tạo, y tế, giáo dục - đào tạo, chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo… Đây là những lĩnh vực hết sức cần thiết mà Việt Nam đang có chủ trương khuyến khích, thu hút đầu tư từ các doanh nghiệp châu Âu.

Đã có nhiều hợp đồng, nhiều biên bản ghi nhớ được ký kết nhân chuyến thăm với giá trị lên tới hàng tỷ USD. Nhưng điều đặc biệt hơn nữa là các doanh nghiệp châu Âu thể hiện thiện chí để chúng ta được tiếp cận và chuyển giao công nghệ. “Đây là vấn đề hết sức mới, trước đây vô cùng hiếm khi các doanh nghiệp đầu tư vào Việt Nam. Lần này, họ vừa chuyển từ thương mại sang đầu tư nhiều bên. Trong đầu tư có cả những sản phẩm dịch vụ dựa trên công nghệ nền tảng số, có cả chuyển giao công nghệ và triển khai sản xuất, máy móc thiết bị... Điều này rất khác và tôi rất ấn tượng trong kết quả chuyến thăm lần này của Chủ tịch Quốc hội”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh.

Cùng với ngoại giao kinh tế, kết quả “ngoại giao vaccine” thông qua chuyến thăm lần này theo Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường là hết sức tích cực ở cả bình diện đa phương và song phương. Cùng với các đề xuất đã được ghi nhận tại Tuyên bố chung của Hội nghị các Chủ tịch Quốc hội thế giới lần thứ 5 - sẽ trở thành cam kết thúc đẩy hành động của IPU và nghị viện các nước ở cấp độ toàn cầu và mỗi quốc gia, Chủ tịch Quốc hội đã liên tục đề cập đến vấn đề tiếp cận vaccine, chuyển giao công nghệ sản xuất vaccine phòng Covid-19 tại tất cả các cuộc làm việc với lãnh đạo EU, Hội đồng châu Âu, Bỉ, Phần Lan, lãnh đạo nghị viện các nước đối tác và tại các cuộc tiếp, làm việc với các doanh nghiệp châu Âu, Đại sứ Việt Nam và cộng đồng người Việt tại các nước…

Thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, bằng mọi cách, mọi kênh để có được nguồn vaccine sớm nhất, nhanh nhất, ngay trước chuyến thăm, Chủ tịch Quốc hội đã gửi thư cho lãnh đạo EU và lãnh đạo Nghị viện các nước thành viên EU đề nghị ủng hộ, hỗ trợ Việt Nam thông qua việc cung cấp các nguồn vaccine còn dôi dư, thuốc điều Covid-19, trang thiết bị y tế và chuyển giao công nghệ sản xuất vaccine. Cùng với 200.000 liều vaccine do Chính phủ Bỉ, Slovakia trao tặng đã được Đoàn công tác bàn giao ngay khi xuống máy bay, trong chuyến thăm lần này, Chủ tịch Hội đồng châu Âu cho biết EU dự kiến sẽ hỗ trợ khoảng 500 triệu liều vaccine qua cơ chế COVAX cho các nước ASEAN và Việt Nam trong thời gian tới.

Lãnh đạo EU, EP cũng khẳng định sẽ vận động các nước thành viên tăng cường hỗ trợ, giúp Việt Nam tiếp cận các nguồn cung vaccine còn dư, hỗ trợ việc chuyển giao công nghệ sản xuất vaccine. Nhiều thỏa thuận hợp tác về thử nghiệm lâm sàng, mua, chuyển nhượng, chuyển giao công nghệ sản xuất vaccine cũng đã được doanh nghiệp Việt Nam ký với các đối tác châu Âu nhân dịp này như Công ty Cổ phần Dược phẩm T&T và Công ty HYPRA Human Health S.L.U (Tây Ban Nha) ký thỏa thuận hợp tác về thử nghiệm lâm sàng và mua vaccine phòng, chống Covid-19 với số lượng dự kiến 50 triệu liều, tổng giá trị hợp đồng khoảng 375 triệu Euro, tương đương với hơn 10 nghìn tỷ đồng và chuyển giao công nghệ để sản xuất vaccine Covid-19 tại Việt Nam.

Hơn 70 hoạt động đa phương và song phương đã được Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và Đoàn đại biểu cấp cao Quốc hội Việt Nam hoàn thành trong thời gian chưa đầy 7 ngày tại 3 nước. Để có thể hoàn thành lịch trình “rất căng” ấy, Chủ tịch Quốc hội và Đoàn đã tranh thủ từng giờ, tận dụng từng cơ hội, kể cả các cuộc tiếp xúc bên lề, ăn trưa/ăn sáng kết hợp làm việc để trao đổi, thúc đẩy hợp tác song phương và đa phương.

Thành công của chuyến thăm, như Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Lê Minh Hoan chia sẻ là có rất nhiều việc phải triển khai ngay, phải có chương trình hành động với tầm nhìn chiến lược, nhưng có thể khẳng định rằng, thành công “trọn vẹn, vượt mong đợi” của chuyến công tác sẽ góp phần tạo động lực mới cho sự phát triển của đất nước.

Phạm Thúy