Động lực phục hồi kinh tế từ RCEP

- Thứ Sáu, 26/11/2021, 05:37 - Chia sẻ
Có hiệu lực vào ngày 1.1.2022, Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) được kỳ vọng là động lực mới thúc đẩy quá trình phục hồi và phát triển kinh tế trong bối cảnh Việt Nam đã bắt đầu thích ứng với đại dịch, chuyển sang trạng thái bình thường mới.

Nông sản có nhiều cơ hội       

​​​​​Ngày 15.11.2020, 15 nước thành viên (trừ Ấn Độ) đã ký kết RCEP. Đến ngày 2.11.2021, 6 nước ASEAN (trong đó có Việt Nam) và 4 nước đối tác là Trung Quốc, Nhật Bản, Australia và New Zealand nộp lưu chiểu văn kiện phê duyệt, phê chuẩn Hiệp định RCEP của mình cho Tổng Thư ký ASEAN. Theo đó, Hiệp định RCEP sẽ chính thức có hiệu lực từ ngày 1.1.2022.

Theo Bộ Công thương, RCEP là thỏa thuận thương mại tự do lớn nhất thế giới với thị trường khoảng 2,2 tỷ người, chiếm khoảng 30% dân số và gần 30% GDP của toàn cầu. RCEP sẽ loại bỏ thuế quan đối với 91% hàng hóa, đồng thời tiêu chuẩn hóa các quy định về đầu tư, sở hữu trí tuệ và thương mại điện tử. Đáng chú ý, thương mại giữa Việt Nam với các đối tác RCEP chiếm hơn khoảng 55% tổng thương mại của Việt Nam năm 2020 (trong đó xuất khẩu chiếm 41%, nhập khẩu chiếm 71%); đầu tư trực tiếp từ các nước RCEP vào Việt Nam lũy kế đến tháng 10.2021 cũng chiếm tới 62% tổng đầu tư trực tiếp nước ngoài của Việt Nam.

PGS.TS. Phạm Tất Thắng, chuyên gia cao cấp của Bộ Công thương cho rằng, RCEP mở ra nhiều cơ hội khi có hiệu lực, nhưng quan trọng nhất với Việt Nam là tận dụng thế mạnh về các mặt hàng nông sản, thực phẩm để xuất khẩu sang những thị trường lớn và đông dân như Trung Quốc, ASEAN. Cùng với đó, Việt Nam có thể khai thác hiệp định này trong nhập khẩu nguyên liệu đầu vào phục vụ sản xuất với giá cả phải chăng, chất lượng ổn định. Đặc biệt, trong bối cảnh Việt Nam đã bắt đầu thích ứng với đại dịch, chuyển sang trạng thái bình thường mới thì RCEP đóng vai trò như một động lực mới thúc đẩy quá trình phục hồi và phát triển của nền kinh tế.

Báo cáo Đánh giá tác động của RCEP với nền kinh tế Việt Nam, do Dự án Hỗ trợ Chính sách Thương mại và Đầu tư của châu Âu (EU-MUTRAP) thực hiện, chỉ ra rằng, ngoài ngành xuất nhập khẩu, RCEP sẽ đem lại cơ hội và lợi ích cho ngành dịch vụ nói riêng và nền kinh tế nói chung. Người tiêu dùng sẽ được hưởng lợi với nhiều lựa chọn hơn, giá cả rẻ hơn và dịch vụ được cung cấp hiệu quả hơn. Các nhà cung cấp dịch vụ trong nước sẽ có cơ hội học hỏi kinh nghiệm quản lý hiện đại và thực tiễn kinh doanh tốt từ các nhà phân phối RCEP, từ đó có động cơ để tái cấu trúc nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ cũng như sức cạnh tranh của mình.

Nguồn: ITN

Nên luật hóa nội dung hiệp định

Tuy nhiên, Báo cáo nêu trên cũng đề cập tới những yếu điểm của Việt Nam trong quá trình hội nhập và thực thi cam kết từ các Hiệp định thế hệ mới. Thương mại hàng hóa của Việt Nam thường tập trung vào một số đối tác hoặc một số mặt hàng nhất định, khiến cho xuất khẩu có khả năng biến động cao khi có sự thay đổi nhu cầu từ các thị trường đó. Vấn đề càng trở nên thách thức hơn khi cơ cấu thương mại của Việt Nam có độ tương đồng khá cao với các nước láng giềng còn về chất lượng và giá trị gia tăng của hầu hết các sản phẩm thì vẫn khá thấp, còn phụ thuộc nhiều vào đầu vào nhập khẩu phục vụ cho sản xuất trong nước. Trong khi đó, thương mại dịch vụ còn hết sức hạn chế mặc dù đang từng bước được cải thiện.

Theo Giám đốc Economica Việt Nam TS. Lê Duy Bình, một vấn đề nữa cần cải thiện là tỷ lệ doanh nghiệp có sự chuẩn bị, hiểu biết ở mức tương đối về các hiệp định thương mại tự do còn khá khiêm tốn. Ông Bình cho rằng, không nên yêu cầu doanh nghiệp tìm hiểu đầy đủ tất cả các hiệp định thương mại, thay vào đó nên luật hóa các quy định trong các hiệp định để tiếp cận gần hơn tới các doanh nghiệp. Bên cạnh đó, các hiệp hội có vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ, tư vấn và kết nối doanh nghiệp để tạo ra được một cộng đồng lớn mạnh, vững chắc khi tham gia hoạt động thương mại quốc tế. Đồng thời, doanh nghiệp vẫn phải có chủ động tìm hiểu kỹ về các quy định thương mại quốc tế trước khi xuất khẩu sang thị trường nào đó.

PGS, TS. Phạm Tất Thắng bổ sung, thế mạnh và mong muốn của Việt Nam là xuất khẩu được nhiều nông sản nhưng chưa thực sự vượt qua được những yêu cầu về truy xuất nguồn gốc xuất xứ, chỉ dẫn địa lý, vệ sinh an toàn thực phẩm, tiêu chuẩn về thuốc bảo vệ thực vật,... Thêm vào đó là mâu thuẫn giữa nhu cầu ngày càng tăng của những thị trường rộng lớn với sự sản xuất nhỏ lẻ, manh mún của nước ta. Do đó, cần có chính sách về tích tụ ruộng đất, xây dựng mối liên kết giữa nông dân với hợp tác xã, doanh nghiệp, ngân hàng để tạo ra được nguồn hàng lớn, đồng nhất và ổn định về chất lượng.

Minh Trang