Chính sách hỗ trợ người lao động

Động lực tăng trưởng của đất nước

- Thứ Năm, 11/11/2021, 13:35 - Chia sẻ
Nhờ những chính sách hỗ trợ đa chiều và linh hoạt, nhiều lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 trên cả nước không những đã nhận được các khoản trợ cấp xã hội mà còn có việc làm ngay cả khi đã trở về quê hương tránh dịch. Hỗ trợ người lao động để thúc đẩy phục hồi kinh tế cũng là vấn đề đang được nhiều đại biểu Quốc hội quan tâm, thảo luận và tham mưu trong những ngày họp vừa qua.

Giúp người lao động tiếp cận cơ hội việc làm

Qua diễn biến của thị trường lao động, việc làm tại nhiều địa phương chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid-19 có thể thấy, một bộ phận không nhỏ người lao động bị thất nghiệp rất khó tìm được việc làm, còn nhà tuyển dụng lại khó tuyển được người đáp ứng yêu cầu công việc. Nguyên nhân là đa số người có nhu cầu tìm việc thuộc nhóm lao động phổ thông nên khó đáp ứng được tiêu chí của nhà tuyển dụng.

Do đó, ngoài các giải pháp “trợ lực” cho thị trường lao động đã, đang được triển khai thông qua các gói hỗ trợ an sinh xã hội, các cơ quan chức năng từ Trung ương đến địa phương còn chủ động thực hiện nhiều giải pháp khác. Giải pháp quan trọng là khuyến khích người lao động tham gia đào tạo, đào tạo lại, nâng cao tay nghề, chuyển đổi nghề nghiệp, tháo gỡ rào cản và tạo cơ chế thông thoáng để doanh nghiệp có thể tổ chức đào tạo, đào tạo lại cho người lao động.

Cần thêm chính sách giúp người lao động tiếp cận việc làm
Cần thêm chính sách giúp người lao động tiếp cận việc làm

Theo hướng này, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội) đã đề xuất 2 phương án đào tạo nguồn nhân lực. Phương án 1 là đưa 500.000 học sinh, sinh viên có kỹ năng cơ bản (năm thứ nhất hoặc thứ hai) đi thực hành, thực tập tại doanh nghiệp; đồng thời đưa 500.000 học sinh, sinh viên thành thạo (năm thứ hai hoặc thứ ba) vào làm việc tại doanh nghiệp.

Phương án 2 là tiếp tục đẩy mạnh tuyển sinh, tổ chức đào tạo ở các trình độ của giáo dục nghề nghiệp. Các cơ sở giáo dục nghề nghiệp cũng đang đẩy mạnh tuyển sinh lao động học nghề các trình độ. Giải pháp quan trọng khác được các bên cùng triển khai là tăng cường kết nối cung - cầu về lao động, ưu tiên giới thiệu việc làm đối với người lao động bị ảnh hưởng sâu bởi dịch Covid-19.

Hà Nội là địa phương đã làm rất tốt công tác kết nối để hỗ trợ việc làm cho người dân các tỉnh lân cận. Để giúp người lao động có điều kiện thuận lợi tiếp cận với cơ hội việc làm, mới đây, Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội đã xây dựng website với địa chỉ: https://vieclamthudo.today, kết nối liên thông giữa các sàn giao dịch việc làm tại Hà Nội với nhiều địa phương khác.

Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội Hà Nội Bạch Liên Hương cho biết, Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội đã phối hợp Trung tâm Dịch vụ việc làm các tỉnh Thái Nguyên, Bắc Ninh, Bắc Giang, Bắc Kạn, Thanh Hóa tổ chức phiên giao dịch việc làm trực tuyến kết nối 6 tỉnh, thành phố sẽ diễn ra vào ngày 28.10, tuyển dụng gần 1.000 lao động, mức lương 5 - 18 triệu đồng.

Tính đến đầu tháng 11.2021, thành phố đã giải quyết việc làm cho 116.100 lao động, đạt 72,5% kế hoạch giao trong năm. Ngoài những chính sách, giải pháp đã triển khai, năm 2021, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội TP. Hà Nội sẽ phối hợp với các ngành, địa phương điều tra cung - cầu về lao động đến cấp cơ sở, từ đó đề xuất các giải pháp hỗ trợ giải quyết việc làm khả thi.

Chiến lược giúp phục hồi kinh tế

Những giải pháp “trợ lực” cho thị trường lao động đã được nhiều đại biểu Quốc hội đánh giá cao, ngay tại phiên thảo luận về Kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021. Nhiều đại biểu đã dành sự quan tâm cho các chính sách an sinh, hỗ trợ người lao động nhằm thúc đẩy phục hồi kinh tế.

Nói về vấn đề này, đại biểu Trần Văn Khải (Hà Nam) cho rằng, cần đẩy mạnh kết nối cung - cầu lao động; kiến tạo các động lực về cơ hội, hỗ trợ tài chính, ổn định cuộc sống tại các địa bàn có nhu cầu lao động lớn; tạo sinh kế cho người lao động tìm việc làm tăng thu nhập bảo đảm cuộc sống; triển khai các chính sách khuyến khích doanh nghiệp, người lao động tham gia đào tạo, đào tạo lại, nâng cao tay nghề, chuyển đổi nghề nghiệp cũng như một số các biện pháp tuyên truyền, hướng dẫn về bảo vệ sức khỏe phù hợp, giúp tạo tâm lý yên tâm quay trở lại làm việc cho người lao động.

Thêm vào đó, đại biểu đề nghị Quốc hội, Chính phủ có giải pháp lâu dài về nguồn lực để bảo đảm một số dịch vụ xã hội cơ bản nhằm tránh rủi ro và bảo đảm cơ hội công bằng cho toàn dân. Chính phủ có thể phải cân nhắc đến việc bội chi ngân sách và chuẩn bị một khoản ngân sách bất thường để giải quyết các tình huống bất thường.

Trong khi đó đại biểu Phạm Văn Thịnh (Bắc Giang) cho biết, trong bối cảnh Covid-19 hiện nay, doanh nghiệp đề nghị nâng mức trần giờ làm thêm lên 400 giờ/năm. Điều này nhằm giúp doanh nghiệp có thể sản xuất kịp đơn hàng cho đối tác, ổn định chuỗi cung ứng toàn cần, đồng thời tăng thu nhập cho người lao động.

"Các doanh nghiệp thiết tha mong muốn Chính phủ, Quốc hội có văn bản sớm về việc này. Nếu không, doanh nghiệp rất lo lắng về việc sẽ bị xử phạt hành chính hoặc bị đình chỉ sản xuất" - đại biểu đoàn Bắc Giang nói thêm.

_______________

Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29.5.2020 của Chính phủ

Tùng Dương