Động lực đẩy mạnh phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội

- Thứ Năm, 13/01/2022, 06:13 - Chia sẻ
Kỳ họp bất thường lần thứ Nhất của Quốc hội đã chính thức khép lại với nhiều dư âm ấn tượng trong cử tri và Nhân dân cả nước. Chia sẻ với phóng viên Báo Đại biểu Nhân dân, đại diện lãnh đạo HĐND, UBND các địa phương cho biết: những quyết đáp kịp thời của Quốc hội đã đáp ứng đúng, trúng yêu cầu, đòi hỏi cấp bách của đất nước; tạo động lực đẩy mạnh phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội sau thời gian dài chịu ảnh hưởng to lớn từ đại dịch Covid-19; củng cố vững chắc niềm tin của cử tri và Nhân dân đối với Đảng, Nhà nước.

Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị VÕ VĂN HƯNG: Đúng và trúng yêu cầu cấp bách của thực tiễn

Kỳ họp bất thường lần thứ Nhất của Quốc hội Khóa XV là kỳ họp đặc biệt, chưa từng có tiền lệ trong lịch sử 76 năm hoạt động của Quốc hội. Được tổ chức kết hợp hình thức trực tiếp tại hội trường và trực tuyến với điểm cầu các Đoàn ĐBQH địa phương, các ĐBQH tại 63 điểm cầu đã tích cực tham gia thảo luận làm rõ nhiều vấn đề; hiến kế cho Quốc hội nhiều ý kiến sâu sắc, tâm huyết, chất lượng… Những quyết đáp kịp thời của Quốc hội tại kỳ họp đã đáp ứng đúng, trúng yêu cầu, đòi hỏi cấp bách của đất nước hiện nay. Như nhấn mạnh của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ trong phát biểu bế mạc kỳ họp “tinh thần và kết quả của Kỳ họp bất thường lần thứ Nhất đã tạo ra khí thế mới, thời cơ mới”…; thể hiện sự tích cực, chủ động đổi mới của Quốc hội; sự phối hợp tích cực, trách nhiệm của Chính phủ trên tinh thần chuẩn bị kỹ lưỡng, từ sớm, từ xa.

Trong số các nội dung được Quốc hội thông qua tại kỳ họp này, tôi đặc biệt đánh giá cao Nghị quyết về chính sách tài khóa, tiền tệ để hỗ trợ Chương trình phục hồi kinh tế - xã hội. Trong bối cảnh nền kinh tế nước ta đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức mới bởi diễn biến phức tạp, khó lường của dịch Covid-19, như: chi phí đầu vào tăng cao, tình trạng thiếu hụt lao động ở các doanh nghiệp, tốc độ phục hồi sản xuất còn chậm chạp… việc Quốc hội thông qua Nghị quyết về chính sách tài khóa, tiền tệ với quy mô gần 350.000 tỷ đồng sẽ tạo đột phá, khơi thông “mạch máu” của nền kinh tế. Đồng thời, thể hiện cam kết, hành động của lãnh Đảng và Nhà nước theo phương châm “dĩ bất biến, ứng vạn biến” của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Với quyết sách kịp thời, đúng đắn đó, tin tưởng kinh tế - xã hội của đất nước sẽ có nhiều khởi sắc; tạo nền tảng cho sự phát triển trong những năm tới, là tiền đề để hoàn thành mục tiêu tăng trưởng GDP bình quân 6,5 - 7%/năm trong giai đoạn 2021 - 2025 như Quốc hội đề ra.

Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Vĩnh Phúc NGUYỄN TRUNG HẢI: Tiếp tục khẳng định tinh thần chủ động, đổi mới, sáng tạo 

Với tinh thần tích cực, trách nhiệm cao, Kỳ họp bất thường lần thứ Nhất, Quốc hội Khóa XV đã hoàn thành nội dung, chương trình đề ra. Việc tổ chức kỳ họp theo hình thức kết hợp trực tiếp tại hội trường và trực tuyến với điểm cầu các đoàn ĐBQH địa phương bảo đảm công tác phòng, chống dịch Covid-19 song vẫn duy trì không khí dân chủ, công khai theo đúng quy định; giúp cho ĐBQH đang công tác ở địa phương tiết kiệm được thời gian đi lại. Đặc biệt, góp phần quan trọng vào thành công của kỳ họp là sự điều hành linh hoạt, khoa học của Chủ tọa.

Trong số các nội dung được Quốc hội thông qua tại kỳ họp này, tôi đánh giá cao Nghị quyết về chính sách tài khóa, tiền tệ để hỗ trợ Chương trình phục hồi kinh tế - xã hội. Đây là những cơ chế, chính sách mang đậm tính đột phá, có sức lan tỏa lớn, được triển khai nhanh, đúng đối tượng, phù hợp với tình huống đặc biệt sẽ giúp sớm phục hồi và thúc đẩy sự phát triển giai đoạn 2021 - 2025 cũng như các năm tiếp theo; bảo đảm cho nền kinh tế tránh rơi vào suy thoái và suy giảm các động lực tăng trưởng trong dài hạn. Đồng thời, khẳng định cam kết mạnh mẽ của Việt Nam trong hỗ trợ và cải cách, tăng niềm tin của người dân, doanh nghiệp và tín nhiệm của quốc gia với cộng đồng quốc tế…

Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Hưng Yên TRẦN THỊ TUYẾT HƯƠNG: Động lực phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội

Mặc dù diễn ra trong thời gian rất ngắn nhưng với tinh thần khẩn trương, khoa học, dân chủ và trách nhiệm cao, Kỳ họp bất thường đầu tiên trong lịch sử Quốc hội Việt Nam đã thành công tốt đẹp. Kỳ họp tiếp tục khẳng định hình ảnh Quốc hội đổi mới, thực sự đáp ứng được yêu cầu phát triển của đất nước và nguyện vọng của cử tri, Nhân dân. Đúng như đánh giá của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Kỳ họp “bất thường” sẽ trở thành hoạt động “bình thường” của Quốc hội nhằm đáp ứng kịp thời đòi hỏi cấp bách của thực tiễn. Tại kỳ họp này, các đoàn ĐBQH, các ĐBQH đã phát huy dân chủ, tập trung nghiên cứu, thảo luận sôi nổi, hiến kế và đóng góp nhiều ý kiến tâm huyết, sâu sắc. Các cơ quan của Quốc hội, Chính phủ và cơ quan liên quan đã nỗ lực tối đa trong tổng hợp, tiếp thu, giải trình đầy đủ, nghiêm túc các ý kiến của ĐBQH để thông qua 1 luật và 4 nghị quyết.

Thực tế cho thấy, đất nước trong quá trình hoàn thiện thể chế nên việc sửa đổi và ban hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư công, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư, Luật Đầu tư, Luật Nhà ở, Luật Đấu thầu, Luật Điện lực, Luật Doanh nghiệp, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt và Luật Thi hành án dân sự sẽ kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về cơ chế, chính sách và quy trình, thủ tục để thúc đẩy đầu tư, hỗ trợ sản xuất, kinh doanh, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền; thể chế hóa các văn kiện của Đảng và thực hiện các nghị quyết của Quốc hội.

Đặc biệt, Nghị quyết về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội được thông qua đã bám sát chủ trương, định hướng của Đảng; đưa ra các chính sách hỗ trợ với quy mô, nguồn lực đủ lớn, có mục tiêu trọng tâm, trọng điểm, xác định đúng đối tượng cần hỗ trợ. Đông đảo cử tri và Nhân dân kỳ vọng về con số 350.000 tỷ đồng thời gian sắp tới sẽ là “điểm tựa” vững chắc để các cấp, các ngành chủ động trong công tác phòng, chống dịch Covid-19 và phục hồi, phát triển bền vững kinh tế - xã hội… Tinh thần chủ động, trách nhiệm và kết quả của Kỳ họp bất thường lần thứ Nhất, Quốc hội Khóa XV sẽ tạo ra những khí thế mới, thời cơ mới để thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2022 và cả giai đoạn 2021 - 2025; củng cố vững chắc niềm tin của Nhân dân đối với Đảng, Nhà nước.

D. ANH - T. HIẾU - B. HỢP thực hiện