Đồng Nai: Đẩy nhanh tiến độ chi hỗ trợ cho người lao động

- Thứ Ba, 26/10/2021, 15:05 - Chia sẻ
Là một trong những địa phương chịu sự ảnh hưởng lớn bởi tác động của đợt dịch Covid-19 lần thứ 4, cùng với nhiều giải pháp cụ thể, thiết thực, tỉnh Đồng Nai cũng tích cực, chủ động triển khai thực hiện việc rà soát, lập danh sách và chi hỗ trợ kịp thời, giúp người lao động sớm vượt qua khó khăn của dịch bệnh.

Hỗ trợ người lao động vượt qua khó khăn

Có số lượng lớn người lao động được hỗ trợ theo Nghị quyết số: 68/NQ-CP, gần 4 tháng qua, TP. Biên Hòa đã tập trung cao độ trong việc rà soát, hướng dẫn, lập danh sách các đối tượng và thực hiện chi hỗ trợ cho người dân. Đặc biệt, nhiều cán bộ, nhân viên tại Phòng Lao động, Thương binh và Xã hội và các phường, xã đã làm việc cả ngày nghỉ và buổi tối đề rà soát, xét duyệt các đối tượng nhằm trình UBND tỉnh phê duyệt để hỗ trợ nhanh, giúp người dân sớm vượt qua khó khăn của dịch bệnh.

đoàn công tác khảo sát phòng trọ, nắm bắt tình hình nhận hỗ trợ của người dân ở P.Hiệp Hòa (TP.Biên Hòa)
Đoàn công tác khảo sát phòng trọ, nắm bắt tình hình nhận hỗ trợ của người dân ở phường Hiệp Hòa (TP. Biên Hòa)

Theo đại diện UBND TP. Biên Hòa, thành phố được UBND tỉnh phê duyệt hỗ trợ cho trên 350 nghìn đối tượng với số tiền hơn 560 tỷ đồng. UBND thành phố đã chi trả cho trên 310 nghìn đối tượng với tổng số tiền gần 492 tỷ đồng, đạt 88% so với số lượng được phê duyệt. Các đối tượng được hỗ trợ gồm lao động tự do, người ở trọ, người lang thang, cơ nhỡ, công nhân bị ảnh đến việc làm…

Tuy nhiên, trong quá trình triển khai vẫn còn gặp một số khó khăn nhất định do TP. Biên Hòa có dân số đông, đối tượng người lao động được hỗ trợ rất lớn, nhưng nhân lực các phường, xã tập trung cho công tác phòng, chống dịch nên ảnh hưởng đến tiến độ chi trả cho người dân. Để khắc phục, thành phố đã thành lập tổ giải quyết chế độ an sinh xã hội tại 30 phường, xã, giao nhiệm vụ cho từng thành viên trong tổ để đẩy nhanh tiến độ chi hỗ trợ cho người lao động. Đồng thời, ghi nhận phản ảnh, giải quyết kiến nghị của người dân liên quan đến công tác an sinh và các chính sách hỗ trợ.

Tại huyện Trảng Bom, đến nay huyện đã rà soát, xét duyệt và chi hỗ trợ cho các đối tượng với số tiền trên 160 tỷ đồng. Việc chi trả được triển khai thực hiện kịp thời, đúng quy định. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện vẫn còn một số hạn chế trong việc xác định đối tượng thụ hưởng là lao động tự do, công nhân bị ngưng việc, tạm hoãn hợp đồng lao động.

Đại diện UBND huyện Trảng Bom cho biết, hiện bình quân mỗi ngày huyện nhận hồ sơ của khoảng 40 doanh nghiệp về hỗ trợ cho người lao động bị ảnh hưởng đến việc làm do dịch bệnh, công tác rà soát rất áp lực, nhất là các doanh nghiệp tập trung đông lao động. Ngoài ra, việc lập danh sách đối tượng thụ hưởng ở một số xã, thị trấn còn chậm so với quy định do người dân nằm trong khu vực cách ly y tế, phong tỏa nên khó tiếp cận hướng dẫn làm hồ sơ.

Trong khi đó, đại diện Phòng Lao động, Thương binh và Xã hội huyện Vĩnh Cửu cho hay, từ khi UBND tỉnh ban hành quyết định ủy quyền cho địa phương phê duyệt danh sách và kinh phí hỗ trợ người lao động, việc rà soát, cập nhật danh sách và phê duyệt nhanh hơn. Tính đến ngày 22.10, tổng số kinh phí đã phê duyệt chi hỗ trợ cho các đối tượng theo Nghị quyết 68 của huyện là gần 210 tỷ đồng, số tiền đã chi trên 48 tỷ đồng. Về xử lý kiến nghị của người dân qua tổng đài 1022, huyện đã tiếp nhận 1.822 phản ánh của người dân và đã xử lý 1.626 phản ánh.

Tuy nhiên, quá trình thực hiện hỗ trợ người lao động trên địa bàn có nhiều cán bộ cấp xã là F0, F1 phải cách ly nên việc hướng dẫn, tiếp nhận hồ sơ của người dân bị ảnh hưởng. Ngoài ra, nhiều lao động nộp hồ sơ cùng lúc ở nhiều nơi hoặc sử dụng cả số chứng minh nhân dân và căn cước công dân để nộp hỗ trợ nên khó khăn trong việc chống trùng lặp danh sách hỗ trợ.

Bảo đảm không để sót đối tượng khó khăn

UBND tỉnh Đồng Nai vừa thành lập 4 đoàn đi kiểm tra việc thực hiện hỗ trợ cho người lao động và doanh nghiệp bị ảnh hưởng do đại dịch Covid-19 tại các địa phương trong tỉnh. Tại các buổi kiểm tra, lãnh đạo UBND tỉnh đã ghi nhận những nỗ lực của các địa phương trong việc rà soát, lập danh sách và chi hỗ trợ kịp thời cho người lao động.

Theo Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội Nguyễn Thị Thu Hiền, ngành đang phối hợp xử lý tốt các thông tin người dân kiến nghị qua tổng đài 1022, chủ yếu liên quan đến giải quyết chế độ theo Nghị quyết 68 của Chính phủ về chi trả tiền hỗ trợ cho đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Đặc biệt, từ khi được ủy quyền cho địa phương cấp huyện xét duyệt, chi hỗ trợ, việc giải quyết chế độ này đã nhanh hơn.

Tại cuộc họp Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh với các địa phương ngày 22.10, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Hồng Lĩnh đánh giá cao Sở Lao động, Thương binh và Xã hội đã phối hợp với tổng đài 1022 xử lý thông tin liên quan đến an sinh xã hội kịp thời. Tuy nhiên, cần lưu ý đẩy nhanh việc chi trả gói hỗ trợ theo Nghị quyết 68. Nếu người lao động đã về quê thì phải gửi hỗ trợ qua tài khoản ATM, hoặc ủy quyền cho người khác nhận thay để chuyển về quê cho người cần được nhận.

Ngoài ra, lãnh đạo UBND tỉnh cũng đề nghị các huyện, thành phố cần tiếp tục bám sát các quy định trong việc thực hiện chi trả gói hỗ trợ của Nhà nước, bảo đảm không để sót đối tượng khó khăn do dịch bệnh. Đồng thời, nêu cao trách nhiệm của từng cán bộ, quan tâm sâu sát cơ sở, đẩy mạnh công tác tuyên truyền về gói hỗ trợ. Các địa phương cũng tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc tổ chức thực hiện các chính sách hỗ trợ, nhất là các đối tượng vừa được mở rộng.

Nhật Phương