Động thái không bất ngờ

- Thứ Hai, 28/09/2020, 06:40 - Chia sẻ
Đúng như dự đoán, nữ thẩm phán Amy Coney Barrett của Tòa phúc thẩm liên bang khu vực số 7 đã chính thức được Tổng thống Mỹ Donald Trump đề cử thay thế Thẩm phán Tòa án Tối cao Ruth Bader Ginsburg mới qua đời. Là người theo trường phái bảo thủ, nếu được Thượng viện thông qua, bà không chỉ trở thành phụ nữ thứ 5 trong lịch sử nước Mỹ phục vụ tại Tòa án Tối cao, mà còn có khả năng tạo thuận lợi cho ông chủ Nhà Trắng đương nhiệm trong cuộc bầu cử tổng thống ngày 3.11 tới.

Nhân vật được lựa chọn

Đây là lần thứ hai, bà Amy Coney Barrett, 48 tuổi, “lọt vào mắt” của Tổng thống Donald Trump để đề cử vào vị trí thẩm phán Tòa án Tối cao. Cách đây 2 năm, bà từng nằm trong danh sách ứng viên được xem xét thế chỗ thẩm phán Anthony Kennedy, 82 tuổi, người chủ động xin nghỉ hưu sau 3 thập kỷ phục vụ tại cơ quan tư pháp quan trọng của xứ sở cờ hoa. Tuy nhiên, người được chọn lúc đó lại là ông Brett Kavanaugh.

Để giải thích cho quyết định mới nhất của mình, Tổng thống Donald Trump đã không tiếc lời ca ngợi bà Barrett là “một trong những bộ óc pháp lý sáng láng và tài năng nhất của đất nước”, có “thành tích nổi bật, trí tuệ vượt trội, trình độ cao cũng như lòng trung thành bất khuất với Hiến pháp”, và “sẽ phục vụ vì sự công bằng của luật pháp”. Trước đó, ông từng khẳng định, người thay thế cố thẩm phán Ginsburg phù hợp nhất là “một phụ nữ”.

Nguồn: AP

Phát biểu sau khi được tổng thống đề cử, bà Barrett khẳng định “thẩm phán là người áp dụng luật”, “không phải là người hoạch định chính sách”, đồng thời cam kết nếu được Thượng viện xác nhận, sẽ không đảm nhận vị trí mới vì lợi ích nhóm hay của riêng mình, mà “tôi sẽ đảm nhận vai trò này để phục vụ các bạn”.

Bà Barrett sinh năm 1972 tại thành phố New Orleans, bang Louisiana, nhưng đang sống tại thành phố South Bend, bang Indiana, cùng chồng và 7 người con. Từng đảm nhiệm vị trí thư ký của cố Thẩm phán Tòa án Tối cao Antonin Scalia - người vốn nổi tiếng là nhân vật bảo thủ hàng đầu tại cơ quan này trước khi qua đời năm 2016, bà được Tổng thống Donald Trump giao đảm nhiệm vị trí thẩm phán trong Tòa phúc thẩm khu vực liên bang số 7 năm 2017. Bà cũng từng là giáo sư luật Hiến pháp và tố tụng dân sự tại Đại học Notre Dame danh tiếng.

Theo The New York Times, với quan điểm bảo thủ, lá phiếu mang tính quyết định của bà Barrett về nhiều vấn đề pháp lý có thể sẽ “xóa bỏ” những thành quả mà cố thẩm phán Ruth Bader Ginsburg, một người theo đường lối cấp tiến, đã làm việc cả đời để đạt được.

Khả năng chiến thắng cao

Theo kế hoạch, bà Barrett sẽ gặp các thượng nghị sĩ để bắt đầu quá trình xác nhận. Ủy ban Tư pháp Thượng viện dự kiến bắt đầu phiên điều trần 4 ngày để xem xét đề cử của bà vào ngày 12.10, cho phép các đảng viên Cộng hòa tổ chức bỏ phiếu trước cuộc bầu cử ngày 3.11. Sau đó, ứng viên sẽ trở thành tân thẩm phán Tòa án Tối cao nếu được đa số thượng nghị sĩ tại Thượng viện bầu chọn. Theo giới quan sát, bà Barrett nhiều khả năng sẽ giành thắng lợi, do đảng Cộng hòa đang kiểm soát Thượng viện.

Thực tế, thời điểm bổ nhiệm vị trí thẩm phán Tòa án Tối cao hiện là vấn đề gây tranh cãi gay gắt giữa hai đảng. Đảng Dân chủ muốn quyết định trên chỉ được đưa ra sau cuộc bầu cử tháng 11 tới do lo ngại khả năng thay đổi cân bằng của tòa khi Tổng thống Donald Trump có cơ hội bổ nhiệm thêm một thẩm phán theo đường lối bảo thủ, sau các ông Neil Gorsuch và Brett Kavanaugh. Điều này cũng dễ hiểu bởi nhiệm kỳ của thẩm phán tòa tối cao là trọn đời. Nếu được Thượng viện thông qua, Tòa án Tối cao Mỹ sắp tới sẽ có 6 thẩm phán tư tưởng bảo thủ và 3 thẩm phán theo chủ nghĩa tự do.

Theo Reuters, các nghị sĩ Dân chủ tại Hạ viện dự kiến sẽ trình một dự luật giới hạn nhiệm kỳ thẩm phán tòa tối cao xuống còn 18 năm. Dự luật cũng quy định mỗi tổng thống trong nhiệm kỳ 4 năm chỉ được phép bổ nhiệm tối đa 2 thẩm phán tòa tối cao. Tuy nhiên, sửa đổi trên thực rất phức tạp và tốn thời gian, bởi đòi hỏi phải sửa đổi cả Hiến pháp. Tòa án Tối cao Mỹ gồm 8 thẩm phán và 1 chánh án. Hàng năm, 9 thành viên này sẽ cùng bỏ phiếu để ra quyết định về các vấn đề pháp lý quan trọng trong nước. Phán quyết của tòa trở thành án lệ có tính cột mốc và ràng buộc với quyết định của tòa cấp dưới.

Trong khi đó, tổng thống đương nhiệm cũng như đảng Cộng hòa lại thúc đẩy nỗ lực sớm tìm ra người đảm nhiệm vị trí trên. Bởi theo giới phân tích, việc bố trí nhân sự kế nhiệm sẽ trở thành nhân tố mới tác động trực tiếp tới cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm nay. Tòa án Tối cáo chính là cơ quan có tiếng nói cuối cùng đối với kết quả bầu cử chung cuộc.

Linh Anh Tổng hợp