Khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo

Đột phá để phát triển nhanh và bền vững

- Thứ Ba, 21/07/2020, 15:23 - Chia sẻ
Đó là thông điệp Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại Hội nghị “Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo - Một trụ cột cho phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam” do Bộ Khoa học và Công nghệ và Đại sứ quán Australia tại Việt Nam và Liên minh Đổi mới Phát triển Quốc tế (IDIA) tổ chức ngày 15.5, tại Hà Nội.

Ba câu hỏi lớn

Theo Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Chu Ngọc Anh, khoa học và công nghệ (KH - CN) có vai trò quan trọng trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Chính sách về KH - CN đã được tập trung hoàn thiện với nhiều quy định tiến bộ và đổi mới. Hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia được hình thành và chuyển dịch theo hướng đưa doanh nghiệp trở thành trung tâm. Phong trào khởi nghiệp sáng tạo đã lan tỏa mạnh mẽ trong xã hội; tiềm lực KH - CN quốc gia được củng cố; thị trường KH - CN bước đầu gắn kết hoạt động KH - CN với sản xuất, kinh doanh. Hệ thống các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, bảo vệ và thực thi quyền sở hữu trí tuệ dần đáp ứng yêu cầu phát triển và hội nhập quốc tế. Theo đánh giá của Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO), trong những năm gần đây, Việt Nam luôn tăng hạng trong xếp hạng Chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu, dẫn đầu nhóm quốc gia có thu nhập trung bình thấp, xếp thứ 45/126 quốc gia, trong đó nhóm chỉ số về tri thức - công nghệ của Việt Nam xếp thứ 28.


Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dự Hội nghị Khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo
Ảnh: Chí Tuấn

Tuy nhiên, cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ tư đang diễn ra mạnh mẽ, mang tới nhiều cơ hội và thách thức cho mỗi quốc gia trong chặng đường phát triển, trong đó có Việt Nam. Chính vì vậy, Bộ trưởng Chu Ngọc Anh đề nghị các đại biểu tập trung hiến kế để khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo trở thành trụ cột cho phát triển kinh tế - xã hội. “Tại hội nghị này, tôi mong muốn các chuyên gia, đại biểu cùng trao đổi, thảo luận nhằm giải đáp 3 câu hỏi lớn đó là: Làm thế nào để KH - CN và đổi mới sáng tạo trở thành trụ cột cho phát triển kinh tế - xã hội một cách thực chất và hiệu quả đối với Việt Nam? Làm thế nào để thúc đẩy hơn nữa và liên kết giữa các thành tố trong hệ sinh thái đổi mới sáng tạo quốc gia với doanh nghiệp là trung tâm; nâng cao năng lực công nghệ của doanh nghiệp? Khuyến nghị cụ thể gì với Việt Nam trong thời gian tới”, Bộ trưởng Chu Ngọc Anh bày tỏ.

Chuyển đổi số có thể làm tăng 1,1% GDP mỗi năm

Ngay sau lời chia sẻ tâm huyết của Bộ trưởng Bộ KH - CN, các chuyên gia, tổ chức quốc tế đã đưa ra một số xu thế chủ đạo và các kịch bản lớn có thể tác động nhiều đến nền kinh tế Việt Nam như kịch bản chuyển đổi số, kịch bản xuất khẩu số, kịch bản công nghệ, kịch bản truyền thống... Mỗi kịch bản đều có khả năng tác động đến tăng trưởng GDP hàng năm của Việt Nam. Theo bà Lucy Cameron, chuyên gia của Tư vấn nghiên cứu cao cấp CSIRO, Việt Nam có vị thế phù hợp để thúc đẩy kinh tế số. Chuyển đổi số sẽ đem lại khoảng 1,1% tăng trưởng GDP mỗi năm cho Việt Nam đến năm 2045. Bà cũng nhận định, tăng trưởng của Việt Nam khá nhanh và toàn diện, chỉ sau Trung Quốc và có nền tảng phù hợp để chuyển đổi số. Bà Lucy Cameron cho hay: Trước đây Việt Nam gia tăng sản xuất, đẩy mạnh chuyển giao công nghệ, thúc đẩy dựa trên tăng trưởng truyền thống. Tuy nhiên, để bứt phá cần chú trọng đến công nghệ cao, tập trung vào phát triển KH - CN và đổi mới sáng tạo với những định hướng mới. “Chúng tôi tin Việt Nam có cơ hội to lớn trong việc tận dụng công nghệ số để có những đột phá trong thời gian tới nhờ lực lượng lao động trẻ”, bà Lucy Cameron khẳng định.

Bà Caitlin Wiesen, đại diện thường trú của UNDP tại Việt Nam chỉ ra những thách thức trong phát triển của Việt Nam, như khó khăn trong việc chuyển đổi từ mô hình tăng trưởng dựa vào tài nguyên thiên nhiên sang mô hình tăng trưởng mới; rủi ro trong bẫy thu nhập trung bình thấp. Bên cạnh đó, cuộc Cách mạng 4.0 mang lại cơ hội nhưng cũng tạo ra không ít thách thức cho việc tạo ra việc làm. Tự động hóa và trí tuệ nhân tạo được cho là sẽ cướp đi cơ hội của nhiều người lao động trong các ngành công nghiệp, điện tử, ngân hàng. Ngoài ra còn rủi ro về mất bình đẳng và môi trường.

Hoàn thiện chính sách khuyến khích đổi mới sáng tạo

Phát biểu kết luận hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định: “Người Việt Nam có đầy đủ tố chất bẩm sinh cho sự sáng tạo, nếu có đủ những dưỡng chất tốt sẽ tạo ra những con người xuất sắc và tâm huyết đóng góp cho đất nước vì sự phồn thịnh của đất nước”. Tuy nhiên, Thủ tướng cho rằng, chúng ta cần phải nhìn thẳng vào thực tiễn để thấy phát triển KH - CN và đổi mới sáng tạo của Việt Nam còn nhiều hạn chế, bất cập.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ ra 5 nội dung quan trọng yêu cầu các bộ, ngành, các địa phương thực hiện, trong đó tiếp tục hoàn thiện khung pháp lý và cơ chế chính sách. Tập trung hoàn thiện hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia với doanh nghiệp là trung tâm, gắn kết chặt chẽ giữa viện nghiên cứu, trường đại học với doanh nghiệp nhằm kiến tạo và tích lũy tài sản trí tuệ, tạo ra nguồn nhiên liệu mới cho tăng trưởng kinh tế nhanh, bao trùm và bền vững. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu Bộ KH - CN làm đầu mối phối hợp các bộ, ngành, tổ chức liên quan tham mưu cho Chính phủ một số vấn đề lớn như đề xuất chính sách khuyến khích và thúc đẩy đổi mới sáng tạo trong khu vực doanh nghiệp, coi doanh nghiệp là trung tâm của hệ thống đổi mới sáng tạo. Thúc đẩy liên kết các mạng lưới đổi mới sáng tạo trong và ngoài nước; nghiên cứu thành lập ngân hàng dữ liệu quốc gia về KH - CN và đổi mới sáng tạo; áp dụng mô hình đối tác công - tư (PPP) nhằm khuyến khích doanh nghiệp tham gia nhiều hơn vào các hoạt động đổi mới sáng tạo; xây dựng chính sách nhằm thu hút và cộng tác với các chuyên gia giỏi ở trong và ngoài nước, đặc biệt là cộng đồng các nhà khoa học Việt Nam ở nước ngoài…

Đặc biệt, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu Bộ KH - CN sớm hoàn thiện Chỉ thị thúc đẩy, hấp thụ phát triển KH - CN và hoạt động đổi mới sáng tạo, bao gồm quỹ phát triển KH - CN của doanh nghiệp. Khẩn trương trình Chính phủ Đề án hoàn thiện thể chế thu hút nguồn lực xã hội đầu tư cho KH - CN và đổi mới sáng tạo, nhất là từ doanh nghiệp; trình Thủ tướng phê duyệt Điều lệ về tổ chức và hoạt động của Quỹ Đổi mới công nghệ quốc gia; trình Thủ tướng phê duyệt Chiến lược sở hữu trí tuệ quốc gia… “Mỗi chúng ta, mỗi bộ, ngành, địa phương, tổ chức, các loại hình doanh nghiệp ngồi đây, sau ngày hôm nay, bắt tay vào hành động cụ thể, từ việc có các hoạt động thúc đẩy sáng kiến, cải tiến, đổi mới sáng tạo; đồng thời, đầu tư và sử dụng hiệu quả KH - CN, đổi mới sáng tạo như là một đột phá phát triển nhanh và bền vững”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói trước 300 đại biểu dự hội nghị. 

NHẬT ANH