Đủ điều kiện để trường học mở cửa trở lại

- Thứ Năm, 20/01/2022, 06:19 - Chia sẻ
Tại Hội thảo trực tuyến về tổ chức hoạt động dạy học trực tiếp bảo đảm an toàn phòng, chống dịch trong các cơ sở giáo dục diễn ra ngày 19.1, nhiều chuyên gia  khẳng định, trong bối cảnh hiện nay, khi tỷ lệ tiêm vaccine cao, các điều kiện về thuốc chữa đã có những cải thiện, điều kiện phòng chống dịch và hiểu biết của người dân về phòng chống dịch được nâng cao… thì việc từng bước mở cửa trường học là cần thiết.

Tỷ lệ lây nhiễm Covid-19 trong trường học thấp

Vụ trưởng Vụ Giáo dục Thể chất, Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Thanh Đề cho biết, đến 15.1, số học sinh 12 - 17 tuổi trên cả nước được tiêm vaccine mũi một chiếm 90,1%, mũi hai đạt hơn 72%. Số cán bộ, giáo viên, nhân viên được tiêm vaccine mũi hai đạt hơn 82%; mũi ba hơn 28%. Ở đợt bùng dịch thứ tư, toàn ngành giáo dục có hơn 130.000 cán bộ, giáo viên, giảng viên, học sinh, sinh viên nhiễm Covid-19. Đến 18.1, chỉ còn gần 4.800 người đang điều trị. Tại TP. Hồ Chí Minh, sau thời gian thí điểm học trực tiếp, có 130 ca mắc Covid-19 trong trường học, chiếm 0,02%. Tại Bắc Giang, tỷ lệ cán bộ, giáo viên, nhân viên và học sinh nhiễm là 0,009%. Theo Bộ Giáo dục và Đào tạo, tỷ lệ này là rất thấp.

Học sinh Trường Trung học cơ sở Liên Ninh (huyện Thanh Trì, Hà Nội) sát khuẩn tay trước khi vào lớp học
Ảnh: Vũ Hà

Chia sẻ về điều kiện mở cửa trường học trở lại trong bối cảnh “bình thường mới”, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn cho biết, qua gần hai năm phòng chống dịch, các địa phương tổ chức dạy học rất linh hoạt. Tuy nhiên, việc học online ảnh hưởng nhiều đến khả năng tiếp thu kiến thức, kỹ năng xã hội, hoạt động thể chất và sức khỏe tâm thần nên Bộ Y tế ủng hộ đưa học sinh quay trở lại trường. Hiện, tỷ lệ bao phủ hai mũi vaccine trên cả nước đã gần 100% và Bộ Y tế đang chuẩn bị kế hoạch tiêm cho trẻ 5 - 11 tuổi. Đây là tiền đề quan trọng để tổ chức hoạt động dạy học bình thường trong thời gian tới.

"Thực tế, tỷ lệ tử vong vì Covid-19 trên toàn quốc chủ yếu ở nhóm trên 50 tuổi; với nhóm tuổi từ 18 đến 49, tỷ lệ này khoảng 15%; nhóm 0 - 17 tuổi, tỷ lệ rất nhỏ, chỉ chiếm 0,42%. Vì vậy, đây là thời điểm hết sức hợp lý bởi các hoạt động của xã hội đều đã bình thường hóa, nên, chúng ta cần có bước chuyển cho học sinh đi học trực tiếp. Cụ thể, cân nhắc việc cho học sinh từ 12 - 17 tuổi đến trường sau Tết Nguyên đán vì tỷ lệ tiêm chủng cao. Với trẻ 0 - 17 tuổi, các tỉnh thành cần có kế hoạch sớm đưa học sinh trở lại trường, không nên quá lo lắng chờ tiêm chủng bao phủ diện rộng mới cho học sinh đi học trở lại vì tỷ lệ nhóm tuổi này chuyển nặng và tử vong vì Covid-19 là rất thấp", Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn đề xuất.

Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn đề nghị lãnh đạo các địa phương, Sở Giáo dục và Đào tạo cần khẩn trương, cương quyết, chu đáo trong quá trình chuẩn bị đưa học sinh trở lại, kể cả học sinh trung học đã tiêm vaccine hay trẻ mầm non, tiểu học chưa tiêm. Trong đó, đưa học sinh đã tiêm vaccine trở lại trường sau Tết Nguyên đán là một yêu cầu bắt buộc.

Để trẻ đến trường an toàn

Mặc dù đã có tiền đề cần thiết để tổ chức hoạt động dạy học một cách bình thường trong thời gian tới, tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng, vẫn cần điều kiện đủ là làm sao tạo điều kiện tốt nhất cho các em đến trường an toàn. Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương Trần Minh Điển nhấn mạnh đến 4 yếu tố: Tiếp tục bao phủ vaccine, đặc biệt vaccine cho trẻ em đến tuổi đi học (từ 5 tuổi trở lên); xây dựng 5K thành “văn hóa phòng ngừa Covid-19” và lan tỏa 5K tới trẻ em ở gia đình và trong nhà trường; nêu cao trách nhiệm của gia đình, cha mẹ quan tâm chăm sóc trẻ thường xuyên; phối hợp giữa ngành Giáo dục và Y tế trong ứng phó linh hoạt với dịch bệnh Covid-19 ở nhà trường.

Từng là tâm dịch, nhưng Bắc Giang vẫn duy trì dạy học trực tiếp một cách an toàn. Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bắc Giang Mai Sơn cho biết,  đến nay, toàn tỉnh có 362 học sinh và 22 giáo viên F0, mặc dù F0 vẫn còn nhiều và phát sinh hàng ngày, tỉnh này vẫn có 543 trường duy trì dạy học trực tiếp, chỉ 17 trường tổ chức dạy học trực tuyến và 189 trường tổ chức dạy học kết hợp, còn 11 trường mầm non cho trẻ nghỉ học.

Chia sẻ kinh nghiệm, ông Sơn cho biết, để duy trì hoạt động giáo dục trong bối cảnh “sống chung an toàn” với dịch Covid-19 hiện nay theo Nghị quyết số 128/NQ-CP của Chính phủ, từ thực tiễn chỉ đạo 2 năm qua, Bắc Giang yêu cầu các cơ sở giáo dục phải quán triệt thực hiện nghiêm túc các quy định về phòng, chống dịch Covid-19 theo chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh; kiểm soát tốt việc phòng dịch tại trường học; xét nghiệm tầm soát cho học sinh và 3 lần 1 ngày đối với giáo viên được phân công dạy nhiều lớp. Cùng với đó, quản lý y tế chặt chẽ đối với khách, phụ huynh học sinh đến làm việc, dạy học, giao dịch, đưa đón học sinh. Hiện Bắc Giang chỉ đạo, riêng đối với khách đến làm việc, giao dịch, liên hệ công tác, dạy học tại cơ sở giáo dục phải trình giấy xét nghiệm kết quả âm tính với  SARS-COV-2 (còn thời hạn) trước khi làm việc. 

Liên quan đến hoạt động dạy học có các đối tượng khác nhau, Bắc Giang duy trì 3 phương án dạy học là trực tiếp, trực tuyến và kết hợp trực tuyến và trực tiếp.  Tăng cường phòng học trang bị máy móc dạy trực tuyến, bảo đảm mỗi khối lớp trong trường học sẽ có 1 lớp học dạy trực tuyến đáp ứng việc dạy học kết hợp trực tuyến và trực tiếp, để học sinh đang cách ly tại nhà vẫn có thể học song song với các bạn trên lớp.  Đặc biệt, “tỉnh Bắc Giang nghiêm khắc chấn chỉnh và yêu cầu người đứng đầu trường học xử lý không để dịch bệnh xuất hiện trong trường học quá 1 tuần, sau 1 tuần, trường học phải mở cửa trở lại, kéo dài sẽ chịu trách nhiệm”, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bắc Giang Mai Sơn nói.

Minh Vân