Du lịch có dấu hiệu khởi sắc!

- Thứ Ba, 30/11/2021, 05:46 - Chia sẻ
Theo công bố của Tổng cục Thống kê, khách quốc tế đến Việt Nam trong tháng 11.2021 đạt trên 15 nghìn lượt người, tăng 42,4% so với tháng 10.2021. Đây là tín hiệu lạc quan, cho thấy ngành du lịch đang có sự phục hồi sau một thời gian dài gần như bị “đóng băng” vì giãn cách do dịch.

Dịch Covid-19 đã làm cho khu vực dịch vụ gặp khó khăn nghiêm trọng, đặc biệt là du lịch, lưu trú, ăn uống, vận tải hành khách. Tính chung 11 tháng năm 2021, khách quốc tế đến nước ta đạt 140,1 nghìn lượt người, giảm 96,3% so với cùng kỳ năm trước. Hàng loạt doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh du lịch đóng cửa, điều này đồng nghĩa với hàng nghìn lao động trong lĩnh vực này không có việc làm.

Sau một chuỗi ngày dài ảm đạm vì lượng khách quốc tế sụt giảm thì việc đón 15 nghìn lượt khách du lịch quốc tế đến Việt Nam trong tháng 11 cho thấy ngành du lịch đang có những dấu hiệu khởi sắc.

Có được tín hiệu lạc quan này là do từ tháng 11, Chính phủ cho phép thí điểm đón khách quốc tế theo các chương trình du lịch trọn gói, thông qua các chuyến bay thuê chuyến và thương mại quốc tế tại các khu vực, cơ sở dịch vụ du lịch được lựa chọn. Trong giai đoạn này có 5 địa phương đón khách du lịch quốc tế gồm: Thành phố Phú Quốc (Kiên Giang), Khánh Hòa, Quảng Nam, Đà Nẵng và Quảng Ninh.

Để ứng phó với dịch, thời gian qua, ngành du lịch đã có những chiến lược để sẵn sàng cho hoạt động trở lại của “ngành công nghiệp không khói” trong tình hình mới. Hiệp hội Du lịch Việt Nam đã phát động Chương trình “Khôi phục du lịch nội địa toàn quốc”, theo đó, với định hướng khôi phục và phát triển du lịch trong trạng thái “sống chung với Covid-19”. Trong đó, yếu tố an toàn cho khách du lịch, cho những người hoạt động trong lĩnh vực du lịch và cho cả xã hội đã trở thành một yêu cầu bắt buộc cho ngành du lịch.

Cùng với đó, chiến lược bao phủ vaccine đã và đang được triển khai tích cực đã mở ra cơ hội thuận lợi trong việc thu hút khách du lịch trong nước và quốc tế. Việc Chính phủ cho phép mở cửa dần các tuyến bay cũng góp phần tạo thu hút khách quốc tế đến Việt Nam.

Khi mà dịch Covid-19 vẫn còn diễn biến phức tạp, với sự xuất hiện các biến thể mới, việc tiếp tục “đóng cửa” đối với các lĩnh vực nói chung, du lịch nói riêng không phải là một biện pháp mang lại hiệu quả. Đã đến lúc, chúng ta phải có những giải pháp mang tính linh hoạt, thích ứng và bảo đảm khả thi để cho ngành du lịch phục hồi và phát triển. Điều quan trọng là phải bảo đảm yêu cầu phát triển an toàn trong đại dịch.

Vậy, đâu là giải pháp để ngành du lịch thích ứng trong tình hình hiện nay? Đây không chỉ là trăn trở của những nhà quản lý, của những người làm trong lĩnh vực này. Tại Kỳ họp thứ Hai, Quốc hội Khóa XV vừa qua, nhiều đại biểu Quốc hội cũng đã hiến kế để ngành du lịch có thể phục hồi và phát triển trong đại dịch. Đại biểu Nguyễn Minh Tâm (Quảng Bình) cho rằng, cần hỗ trợ tài chính và đào tạo lại người lao động, doanh nghiệp du lịch. Theo đó, hỗ trợ tài chính trực tiếp cho các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ, lực lượng lao động, người dân kinh doanh dịch vụ du lịch cộng đồng, tăng cường kích hoạt và khả năng tiếp cận các quỹ, nguồn vốn đầu tư và khoản tín dụng, gia hạn trả nợ.

Bên cạnh đó, xây dựng môi trường du lịch an toàn để kích thích nhu cầu du lịch đang bị "nén" trong nhiều tháng qua. Một trong những giải pháp ưu tiên đó là ban hành các chính sách và triển khai các biện pháp an toàn cho khách du lịch tại các điểm đến để tạo sự tin tưởng cho khách du lịch. Ngoài ra, cần sự có kết nối với các quốc gia để làm "ấm" lại thị trường du lịch, đại biểu đề nghị.

Cùng với những giải pháp trên, nhiều ý kiến cho rằng, cần khai thác một cách có hiệu quả thị trường du lịch nội địa. Muốn vậy, cần đẩy mạnh liên kết vùng giữa các địa phương, hợp tác chặt chẽ giữa ngành du lịch và các bên cung ứng dịch vụ liên quan như hàng không, sản xuất hàng hóa, dịch vụ phục vụ khách du lịch gắn với ứng dụng công nghệ thông tin.

Sự khởi sắc đã trở lại. Nhưng tín hiệu lạc quan này mới chỉ là sự khởi đầu. Điều quan trọng là cần có chiến lược cũng như giải pháp lâu dài để ngành du lịch thích ứng, phát triển bền vững trong tình hình dịch bệnh như hiện nay. Đặc biệt rất cần sự hỗ trợ về cơ chế, chính sách cụ thể của Nhà nước đối với lĩnh vực này.

Lê Hùng