Du lịch Hòa Bình chủ động thích ứng trong tình hình mới

- Thứ Hai, 08/11/2021, 04:59 - Chia sẻ
Hòa Bình là địa phương có nhiều lợi thế phát triển du lịch. Vì vậy, ngay sau khi kiểm soát được dịch bệnh Covid-19 và trở thành “vùng xanh” trên bản đồ phòng, chống dịch quốc gia, tỉnh đã tập trung thực hiện nhiều giải pháp kích cầu; thúc đẩy quá trình chuyển đổi số nhằm phục hồi đà tăng trưởng, tạo sức bật cho du lịch địa phương.

UBND tỉnh sẽ xây dựng Hòa Bình thành điểm đến hấp dẫn với các sản phẩm du lịch đặc trưng, là trung tâm du lịch lớn nhất của khu vực trung du và miền núi phía Bắc. Phát huy tối đa lợi thế để phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn, nâng cao tỷ trọng ngành du lịch trong cơ cấu của tỉnh, có đóng góp tích cực cho phát triển kinh tế - xã hội, tạo việc làm cho lao động địa phương, thúc đẩy các ngành kinh tế liên quan khác cùng phát triển.

Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Hòa Bình
BÙI THỊ NIỀM

Nỗ lực phục hồi

Những năm gần đây, du lịch Hòa Bình đang có tốc độ tăng trưởng nhanh, không chỉ giữ ổn định về lượng khách mà tổng doanh thu về du lịch đạt trên 10%/năm. Từ đó, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, bảo tồn bản sắc văn hóa các dân tộc, tạo việc làm, tăng nguồn thu ngân sách, nâng cao đời sống cho người dân. Tuy nhiên, từ năm 2020 đến nay, đại dịch Covid-19 đã tác động tiêu cực tới mọi mặt đời sống kinh tế - xã hội. Riêng lĩnh vực du lịch của tỉnh không chỉ bị ảnh hưởng về tăng trưởng, doanh thu mà công tác thu hút nguồn lực đầu tư phát triển, mở rộng cũng gặp rất nhiều khó khăn. 

Trước thực tế này, ngay sau khi Chính phủ ban hành Nghị quyết số 128/NQ-CP ngày 11.10.2021 quy định tạm thời “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19”;  Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành Văn bản số 3862/BVHTTDL ngày 18.10.2021 hướng dẫn tạm thời việc thực hiện Nghị quyết trong hoạt động văn hóa, thể thao và du lịch, UBND tỉnh Hòa Bình đã công bố cấp độ dịch Covid-19 của địa phương. Đáng mừng là tỉnh nằm trong nhóm có mức nguy cơ thấp trong trạng thái bình thường mới. Đây được xem là điều kiện quan trọng để toàn tỉnh phục hồi các hoạt động kinh tế - xã hội, trong đó có du lịch.

Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Bùi Thị Niềm chia sẻ: Để khởi động lại ngành du lịch, ngày 29.10 vừa qua, Sở đã mời nhiều doanh nghiệp lữ hành và các cơ quan truyền thông ở Trung ương và địa phương tham dự Chương trình kích cầu du lịch tỉnh Hòa Bình để thu hút khách du lịch đến địa bàn. Đồng thời, đẩy mạnh chương trình hợp tác liên kết phát triển du lịch, kết nối du lịch với các tỉnh, thành phố, đặc biệt là kết nối các “vùng xanh”, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp lữ hành hoạt động đưa đón khách. Bên cạnh đó, tỉnh cũng tập trung hỗ trợ cho các đơn vị hoạt động du lịch theo chính sách, chế độ quy định của Nhà nước; đẩy nhanh việc tiêm vaccine cho người lao động tại các hoạt động kinh doanh dịch vụ, du lịch.

“Dịch Covid-19 đã có những ảnh hưởng lớn đến hoạt động của ngành du lịch cả về lữ hành, lưu trú, nhà hàng, dịch vụ... Sau khi dịch bệnh được khống chế, tùy theo diễn biến của dịch, nếu thuận lợi, tỉnh sẽ tổ chức một số sự kiện văn hóa, thể thao và du lịch quy mô lớn, tạo cơ hội thu hút thêm du khách. Đây cũng là dịp để các doanh nghiệp giới thiệu, quảng bá sản phẩm du lịch địa phương. Hiện nay, Hiệp hội Du lịch tỉnh và các thành viên cũng đang xây dựng, phát triển sản phẩm du lịch mới độc đáo, hấp dẫn để sẵn sàng đón, phục vụ khách trong hai tháng cuối năm 2021 và những năm tiếp theo”, bà Niềm chia sẻ thêm.

Du khách đến tham quan, nghỉ dưỡng đều phải khai báo y tế theo đúng quy định về phòng, chống dịch
Ảnh: T. Tâm

Tập trung chuyển đổi số

Từ cuối tháng 9.2021, tỉnh Hòa Bình đã cho phép các khu/điểm du lịch được hoạt động trở lại. Tuy nhiên, trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh hiện nay, ngành du lịch của tỉnh cũng phải chủ động thích ứng để phục hồi và tìm hướng phát triển bền vững mới. Trong đó, chuyển đổi số là một trong những giải pháp then chốt để chuyển đổi mô hình, cách thức hoạt động của ngành du lịch.

Theo Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Bùi Thị Niềm, chuyển đổi số là một trong những giải pháp để chuyển đổi mô hình, hoạt động của ngành du lịch phù hợp với xu hướng mới. Hiện, UBND tỉnh đang xây dựng Đề án chuyển đổi số tỉnh Hòa Bình giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030. Sở sẽ tham mưu cho UBND tỉnh thực hiện nội dung chuyển đổi số ngành du lịch để nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước, xây dựng và cung cấp hệ thống thông tin, sản phẩm và dịch vụ du lịch; đẩy mạnh công tác tuyên truyền quảng bá, xúc tiến đầu tư để thu hút khách du lịch đến với tỉnh.

Bên cạnh đó, tỉnh cũng sẽ tập trung phát triển du lịch chuyển từ “số lượng” sang “chất lượng”, có trọng tâm, trọng điểm; bảo đảm sản phẩm du lịch có thương hiệu và tính cạnh tranh cao đáp ứng yêu cầu của các thị trường mục tiêu. Đồng thời, chú trọng công tác quy hoạch; tập trung huy động các nguồn vốn đầu tư kết cấu hạ tầng, ưu tiên đầu tư hạ tầng du lịch trong Quy hoạch tổng thể phát triển Khu du lịch quốc gia hồ Hòa Bình nhằm khai thác hiệu quả, tiềm năng, thế mạnh phát triển du lịch của tỉnh… “Với sự vào cuộc tích cực của các cấp, ngành, địa phương cũng như của các tổ chức, cá nhân, chắc chắn du lịch Hòa Bình sẽ đạt được mục tiêu trở thành ngành kinh tế mũi nhọn trong thời gian tới và là điểm đến hấp dẫn đối với du khách trong nước và quốc tế”, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Bùi Thị Niềm chia sẻ.

Trần Tâm