Sổ tay:

Dự liệu những tranh chấp có thể phát sinh

- Thứ Bảy, 27/02/2021, 07:44 - Chia sẻ
Trong lĩnh vực xây dựng, vấn đề tiến độ thi công là một trong những yếu tố quan trọng và thường được thỏa thuận, quy định chặt chẽ khi soạn thảo, ký kết hợp đồng giữa Chủ đầu tư và Nhà thầu. Tuy nhiên, trên thực tế, phần lớn các công trình xây dựng đang không hoàn thành đúng như tiến độ trên hợp đồng.

Liên quan đến vấn đề này, Luật Xây dựng năm 2014 đã có quy định về quản lý tiến độ thực hiện dự án đầu tư xây dựng; Nghị định số 37/2015/NĐ-CP quy định rõ về thời gian, tiến độ thực hiện hợp đồng xây dựng và quy định về điều chỉnh tiến độ hợp đồng xây dựng. Tuy vậy, trong quá trình thực hiện hợp đồng và nhất là trong thời điểm dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến phức tạp đã dẫn đến việc nhiều dự án đã và đang bị chậm tiến độ xây dựng và phát sinh tranh chấp giữa các bên. Nếu các tranh chấp này đã được dự liệu ngay trong hợp đồng thì khi phát sinh các bên sẽ có cơ chế giải quyết, nhưng nếu tranh chấp này chưa được dự liệu trong hợp đồng thì sẽ dẫn tới việc giải quyết kéo dài và gây thiệt hại cho các bên.

Có thể thấy, nguyên nhân chính dẫn đến phát sinh tranh chấp tiến độ trong xây dựng xuất phát từ việc hợp đồng xây dựng giữa các bên không đầy đủ và không rõ về nội dung như phạm vi công việc, yêu cầu chất lượng, giá hợp đồng, thanh toán hợp đồng…; Thực hiện hợp đồng không đúng thỏa thuận về bàn giao mặt bằng, thanh toán hợp đồng, chất lượng sản phẩm, điều chỉnh hợp đồng... ; nguyên nhân bất khả kháng do bão lũ, thiên tai… Đó là chưa kể đến việc pháp luật liên quan hợp đồng xây dựng còn nhiều chồng chéo, chưa rõ ràng, chưa đồng bộ hệ thống quy chuẩn, tiêu chuẩn, định mức, đơn giá…

Bên cạnh đó, thực tế về nhận thức của doanh nghiệp trong hợp đồng liên quan đến chậm tiến độ xây dựng còn nhiều hạn chế khi bản thân các doanh nghiệp chưa hiểu hết về các dạng hợp đồng; sợ mất lòng chủ đầu tư (chủ yếu là doanh nghiệp vừa và nhỏ); chưa tiếp cận được dạng hợp đồng FIDIC  một trong những hợp đồng mẫu điển hình được ban hành bởi Hiệp hội tư vấn kỹ sư quốc tế; thiếu cán bộ kỹ thuật chuyên trách về tiến độ; thường tự làm hồ sơ mời thầu theo mẫu nên chưa lường hết được các trường hợp sẽ phát sinh; chưa quan tâm cách tính % khối lượng công việc đã thực hiện, định kỳ…

Đơn cử, trong một vụ án tranh chấp tại Trung tâm trọng tài, trong hợp đồng yêu cầu nhà thầu phải xin các giấy phép để đưa công trình vào vận hành. Khi công trình phải đưa vào vận hành cuối năm 2019, phía nhà thầu gặp khó khăn trong việc xin một loại giấy phép và phía chủ đầu tư đã tiến hành can thiệp, hỗ trợ đứng ra xử lý vụ việc. Tuy nhiên, giao kết giữa chủ đầu tư và nhà thầu không được thể hiện bằng văn bản mà thông qua lời, qua đó dẫn đến việc cuối năm 2019, giấy phép vẫn chưa được cấp và nhà thầu yêu cầu giãn tiến độ (EOT) nhưng phía chủ đầu tư đã phản đối, cho rằng nhà thầu phải chịu trách nhiệm về việc chậm tiến độ. Qua đó, cho thấy việc không thể hiện bằng văn bản, không xác định rõ trách nhiệm, phạm vi công việc khi có sự thay đổi trong hợp đồng của các bên đã dẫn đến việc các dự án không bảo đảm hoàn thành theo tiến độ trong hợp đồng, dẫn đến phát sinh tranh chấp và những hậu quả pháp lý ngoài ý muốn.

Chính vì lẽ đó, để hạn chế phát sinh các tranh chấp liên quan đến chậm tiến độ trong xây dựng, các doanh nghiệp khi tham gia ký kết hợp đồng đều phải dự kiến và soạn thảo các điều khoản một cách chi tiết và dự trù được những rủi ro, tranh chấp phát sinh kéo dài, gây ảnh hưởng đến tiến độ thi công, chất lượng công trình cũng lợi ích kinh tế của hai bên. Ngoài ra, cần thỏa thuận chặt chẽ về điều kiện đơn phương chấm dứt hợp đồng, tạm ngừng thực hiện Hợp đồng cũng như xây dựng cơ chế phạt vi phạm, bồi thường thiệt hại trong trường hợp bên nhà thầu không bảo đảm tiến độ, chất lượng công trình hoặc trường hợp chủ đầu tư vi phạm nghiêm trọng về nghĩa vụ nghiệm thu theo phần, hoặc vì một lý do nào đó gây ảnh hưởng đến tiến độ thi công của nhà thầu.

Nguyễn Ngân