Đưa cuộc sống vào luật để kiến tạo sự phát triển

- Thứ Bảy, 06/11/2021, 05:06 - Chia sẻ
Theo TS. NGUYỄN VĂN HIỂN, ĐBQH, Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, với cách làm chủ động, chuẩn bị kỹ lưỡng từ sớm, từ xa, huy động được sự tham gia của các chuyên gia, nhà khoa học, chất lượng 7 dự án luật trình Quốc hội tại đợt 1 họp trực tuyến Kỳ họp thứ Hai ngày càng được nâng cao. Tới đây, trên cơ sở Định hướng Chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội Khóa XV, Quốc hội đã có “kim chỉ nam” để tiếp tục đưa cuộc sống vào luật để luật pháp thực hiện ngày càng tốt hơn vai trò kiến tạo sự phát triển của đất nước.

Hoạt động nghiên cứu bám sát quy trình xây dựng pháp luật

- Thưa ông, tại đợt 1 họp trực tuyến, Kỳ họp thứ Hai, Quốc hội đã cho ý kiến về 7 dự án luật. Đây cũng là 7 dự án luật đầu tiên của Quốc hội Khóa XV. Ông đánh giá như thế nào về chất lượng các dự luật này?

- Qua thực tế theo dõi, tôi nhận thấy chất lượng 7 dự án luật trình Quốc hội tại đợt họp trực tuyến rất tốt, từ công tác chuẩn bị hồ sơ, xây dựng báo cáo đánh giá tác động, lấy ý kiến của đối tượng chịu sự tác động, ý kiến của các cơ quan có liên quan, ý kiến chuyên gia đến việc hoàn thiện dự thảo luật, dự thảo văn bản hướng dẫn thi hành luật đều rất tốt.

Các cơ quan thẩm tra đều vào cuộc từ rất sớm, đúng như chỉ đạo của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ là công tác xây dựng pháp luật phải chủ động, chuẩn bị từ sớm, từ xa, phối hợp chặt chẽ trên tinh thần cầu thị. Với cách làm này, ngay từ khi dự án luật chưa trình sang cơ quan thẩm tra, các Ủy ban của Quốc hội đã tổ chức nhiều cuộc tọa đàm, hội thảo, thu thập thông tin từ nhiều nguồn khác nhau để đến khi cơ quan soạn thảo trình sang sẽ không còn bị động, khắc phục tình trạng “bắc nước sôi chờ gạo”. Những nội dung trong dự án luật còn nhiều ý kiến khác nhau, các cơ quan của Quốc hội cũng vào cuộc từ sớm, thu thập đủ thông tin, nêu quan điểm và có sự phối hợp rất chặt chẽ giữa cơ quan trình, cơ quan thẩm tra. Có thể nói, trong hoàn cảnh phải thích ứng với tác động phức tạp của dịch bệnh Covid-19, Quốc hội tiến hành họp tổ trực tuyến, họp trực tuyến, nhưng sự thay đổi này không làm ảnh hưởng đến chất lượng xây dựng pháp luật.

- Trong công tác chuẩn bị vừa qua có thể thấy dấu ấn khá đậm nét của Viện Nghiên cứu lập pháp (NCLP), nhất là qua việc phối hợp với các cơ quan chủ trì thẩm tra tổ chức các cuộc tọa đàm, hội thảo, huy động các chuyên gia tham gia đóng góp ý kiến về từng dự án luật, thưa ông?

- Ngày 29.9 vừa qua, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 05/2021/UBTVQH15 quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Viện NCLP. Trong đó, xác định rất rõ, Viện NCLP cần phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng, tham gia từ sớm vào quá trình xây dựng pháp luật. Đây là nền tảng pháp lý quan trọng để Viện triển khai các hoạt động của mình, bám sát và phục vụ trực tiếp cho hoạt động của Quốc hội, của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và các cơ quan của Quốc hội.

Có thể nói rằng, Viện NCLP đã rất nỗ lực, phối hợp cùng với các Ủy ban chủ trì thẩm tra dự án luật và các chuyên gia, nhà khoa học có kinh nghiệm, uy tín cao để tổ chức các hội thảo, tọa đàm khoa học, lấy ý kiến về từng dự án luật, theo sát tiến độ từng dự thảo luật như: Giai đoạn trình cơ quan thẩm tra, giai đoạn trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội, giai đoạn trình Quốc hội. Mỗi mốc thời gian như vậy đều được Viện NCLP theo sát các dự thảo, tham vấn ý kiến các chuyên gia uy tín trên các lĩnh vực có liên quan. Kết quả của sản phẩm nghiên cứu phục vụ trực tiếp cho Chủ tịch Quốc hội, các Phó Chủ tịch Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, cơ quan thẩm tra và cơ quan trình dự án luật. Khi dự án luật trình Quốc hội, những thông tin này được chuyển đến 500 đại biểu Quốc hội như một tài liệu tham khảo, góp ý trực tiếp vào dự án luật. Viện NCLP rất vinh dự khi nhận được sự ghi nhận,  động viên, đánh giá tích cực từ lãnh đạo Quốc hội, Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội, các đại biểu Quốc hội về các tài liệu do Viện NCLP chuẩn bị. Đây là sự động viên, khích lệ tinh thần và là động lực rất lớn đối với những người làm công tác khoa học như chúng tôi.

Đại biểu Quốc hội phát biểu trực tuyến tại đợt 1, Kỳ họp thứ Hai, Quốc hội Khóa XV từ điểm cầu tỉnh Cà Mau

Mọi công đoạn của quy trình lập pháp đều đặt dưới sự giám sát của Quốc hội

- Theo ông, từ 7 dự án luật đầu tiên này, có thể rút ra kinh nghiệm gì cho công tác xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Khóa XV? 

- Dù mới chỉ là kết quả bước đầu, nhưng kết quả tích cực là rất rõ nét. 

Thứ nhất là, sự chỉ đạo sát sao của Chủ tịch Quốc hội, các phó chủ tịch Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và sự vào cuộc với tinh thần trách nhiệm cao của tất cả các chủ thể tham gia vào quy trình lập pháp với quan điểm công tác xây dựng pháp luật phải chủ động hơn, chuẩn bị từ sớm, từ xa, phối hợp chặt chẽ, trách nhiệm giữa các chủ thể liên quan. 

Thứ hai, quy trình xây dựng lập pháp bản thân nó đã là một quy trình khoa học, từ bước kiến nghị, đề xuất xây dựng luật, đánh giá tác động (về kinh tế - xã hội, thủ tục hành chính, tác động về giới) đến xây dựng chính sách, trình trước cơ quan thẩm tra, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Quốc hội. Nếu không tuân thủ tốt quy trình này, không thực sự coi trọng hoặc xem nhẹ một mắt xích nào đó sẽ ảnh hưởng đến chất lượng của dự án luật, nhất là tính hình thức trong một công đoạn nào đó của quy trình xây dựng luật. Đơn cử, nếu một dự án luật đã bỏ qua giai đoạn đánh giá tác động, hoặc đánh giá tác động một cách hình thức, hoặc làm ngược quy trình, tức là xây dựng xong dự thảo luật mới đánh giá tác động... Đó đều là những quy trình không khoa học và nguy hại hơn là sẽ làm cho các đại biểu đánh giá sai về chất lượng dự án luật và từ đó có thể quyết định không chính xác.

 Tôi tin tưởng rằng, với cách làm ngày càng chủ động, sát sao của Quốc hội, mọi công đoạn của quy trình lập pháp đều đặt dưới sự giám sát của Quốc hội, ngay từ khi cơ quan trình đề xuất chính sách cho đến khi xây dựng dự án luật, thẩm định, thẩm tra, thảo luận và thông qua như vừa qua thì chất lượng dự án luật sẽ ngày càng tốt hơn.

Thứ ba, mặc dù bây giờ mới là Kỳ họp thứ Hai của Quốc hội Khóa XV, nhưng qua theo dõi có thể thấy năng lực, trách nhiệm, trí tuệ của các đại biểu Quốc hội đã được thể hiện rất rõ qua các ý kiến phát biểu, tranh luận, góp ý vào các dự án luật. Đây là yếu tố đặc biệt quan trọng góp phần vào kết quả chung trong quá trình xây dựng luật.  

Thứ tư, chúng ta đặc biệt coi trọng việc tham vấn ý kiến của các chuyên gia, nhà khoa học, các cơ quan chuyên môn, các trường, viện nghiên cứu trong các khâu của quy trình lập pháp.

Thứ năm, phát huy tinh thần dân chủ, khoa học trong nghiên cứu, xây dựng pháp luật.

Nhờ những yếu tố trên, chất lượng các dự án luật ngày càng được nâng cao, trên quan điểm chúng ta nỗ lực đưa cuộc sống vào các dự án luật, đến lượt nó, các đạo luật sau khi ban hành sẽ đi vào cuộc sống một cách tự nhiên, thực hiện tốt vai trò tạo hành lang pháp lý kiến tạo phát triển đất nước.

 - Ông có suy nghĩ như thế nào về định hướng Chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội Khóa XV vừa được Bộ Chính trị thông qua? 

- Trước đây, chúng ta đã có Nghị quyết của Quốc hội về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh 5 năm, nhưng quá trình triển khai đã bộc lộ những hạn chế. Trong chương trình ghi rõ tên các dự luật cụ thể cho giai đoạn 5 năm và quy định cứng thời điểm phải xây dựng, trình Quốc hội trong khi lại chưa có tổng kết, đánh giá, xây dựng chính sách cụ thể, trong quá trình triển khai thấy không phù hợp thì điều chỉnh sau và thực tế là chúng ta phải điều chỉnh khá nhiều. Sau này, chúng ta không ban hành Nghị quyết của Quốc hội về Chương trình xây dựng luật pháp, pháp lệnh 5 năm nữa mà chỉ ban hành Nghị quyết về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh hàng năm.

Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh hàng năm rất linh hoạt, nhưng cũng có điểm yếu, đó là dễ dẫn đến sự bị động, nhất là sự bị động của các cơ quan thẩm tra và Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Tình trạng đưa vào, rút ra các dự án luật nhiều cũng có nguyên nhân từ vấn đề này.

Do đó, trên cơ sở chuẩn bị của Đảng đoàn Quốc hội, vừa qua, Bộ Chính trị đã ban hành Kết luận số 19 - KL/TW về Đề án Định hướng Chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội Khóa XV. Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã phối hợp với Thường trực Ban Bí thư và các cơ quan hữu quan tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc triển khai Kết luận số 19 - KL/TW.

Trên cơ sở đánh giá nhu cầu hoàn thiện pháp luật trong thời gian tới, Đảng đoàn Quốc hội đã đưa ra các định hướng ưu tiên, các quan điểm chỉ đạo, trên cơ sở đó, giao trách nhiệm cho các cơ quan rà soát từng lĩnh vực cụ thể, các đạo luật liên quan từ đó mới đưa ra các đề xuất cụ thể, thứ tự ưu tiên xây dựng các dự luật cụ thể cho từng năm. Có thể thấy, Đề án được làm rất công phu, xác định 8 nhóm định hướng lớn, 70 định hướng cụ thể và 137 nhiệm vụ lập pháp. Định hướng xây dựng pháp luật của nhiệm kỳ là "kim chỉ nam" để chúng ta xây dựng lộ trình hoàn thiện pháp luật hàng năm đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. 

Hướng đi đúng đắn cùng với sự chỉ đạo sát sao của lãnh đạo Quốc hội, phát huy trí tuệ của gần 500 đại biểu Quốc hội và các chủ thể tham gia vào quy trình lập pháp như cách làm vừa qua, chắc chắn chúng ta sẽ hoàn thành tốt định hướng Chương trình xây dựng pháp luật với các đạo luật ngày càng chất lượng, ổn định, có tuổi thọ cao hơn, tạo hành lang pháp lý thông thoáng cho sự phát triển đất nước.

 - Xin cảm ơn ông!

Hoàng Ngọc thực hiện