Đưa giới trẻ đến gần Quốc hội

- Thứ Sáu, 30/10/2020, 09:19 - Chia sẻ
Sau khi tham quan Nhà Quốc hội và trải nghiệm phiên họp mô phỏng phiên họp toàn thể của Quốc hội, nhiều học sinh thấy hoạt động của Quốc hội không xa vời, mà rất gần gũi. Khai tâm và hướng tâm, chương trình đã truyền cảm hứng cho giới trẻ quan tâm hơn tới các vấn đề của đất nước và thấy rõ hơn vai trò, trách nhiệm công dân của mình...

Đó là ý kiến của nhiều đại biểu tại hội thảo trực tuyến (Việt Nam và Nhật Bản) “Chương trình Giáo dục trải nghiệm về Quốc hội Việt Nam”, do Văn phòng Quốc hội và Cơ quan hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) tổ chức ngày 29.10.

Trải nghiệm hoạt động của Quốc hội

Từ năm 2015, sau khi chính thức được đưa vào vận hành, Nhà Quốc hội đã trở thành một điểm tham quan hấp dẫn, thu hút sự quan tâm của nhiều cơ quan, tổ chức, khách tham quan trong nước và quốc tế. Được sự đồng ý của Lãnh đạo Văn phòng Quốc hội, tháng 9.2017, Vụ Thông tin đã lần đầu tiên thí điểm tổ chức thành công chương trình Giáo dục trải nghiệm về Quốc hội Việt Nam, thu hút sự quan tâm của công chúng, đặc biệt là các thầy, cô giáo, học sinh, sinh viên. Trên cơ sở đó, chương trình được xem là một nội dung quan trọng, tiến hành thường xuyên, nhằm nâng cao hiểu biết của nhân dân, đặc biệt là thế hệ trẻ, về Quốc hội.

Theo Vụ trưởng Vụ Thông tin Hoàng Minh Hiếu, từ tháng 9.2017 đến nay, Văn phòng Quốc hội đã tổ chức hơn 40 phiên giáo dục trải nghiệm về Quốc hội cho hơn 3.600 học sinh, sinh viên của một số trường trung học cơ sở, trung học phổ thông, đại học trên địa bàn Hà Nội và một số tỉnh, thành phố.

Quốc hội là cơ quan đại diện của nhân dân, trong quá trình hoạt động, sự gắn kết của Quốc hội với cử tri rất quan trọng. Khi nhận thức của người dân về Quốc hội không đầy đủ thì sự tham gia của người dân vào các hoạt động của Quốc hội sẽ hạn chế. Theo ông Hoàng Minh Hiếu, năm 2011, Vụ Thông tin tổ chức một cuộc điều tra khảo sát về nhận thức của công chúng với Quốc hội, và kết quả chỉ 20% có nhận thức đầy đủ về tổ chức và hoạt động của Quốc hội. Khi tòa nhà Quốc hội được hoàn thành, trong số công chúng tham quan, học sinh, sinh viên tham gia khá hạn chế, chỉ hơn 18%. Trong khi đó, người lớn tuổi tham quan Nhà Quốc hội thường tìm hiểu ý nghĩa văn hóa, giá trị công trình, hơn là hiểu biết về tổ chức và hoạt động Quốc hội; học sinh, sinh viên quan tâm tới tổ chức và hoạt động Quốc hội nhiều hơn.

Chương trình Giáo dục trải nghiệm về Quốc hội Việt Nam được tổ chức trên cơ sở học tập kinh nghiệm của Quốc hội Nhật Bản và một số nước khác. Tại Nhật Bản chương trình Trải nghiệm đặc biệt Thượng nghị viện Nhật Bản được thực hiện trong 17 năm, đón hơn 1,3 triệu học sinh tham gia... Theo ông Hiếu, đây là mô hình khá phù hợp với Việt Nam. Chương trình Giáo dục trải nghiệm về Quốc hội Việt Nam hướng tới 3 mục đích: Tìm hiểu về Quốc hội, những giá trị dân chủ mà Quốc hội đang đại diện, qua đó học sinh hiểu được sự tham gia của người dân vào hoạt động của Quốc hội; kết hợp phổ biến pháp luật, giúp các em hiểu được nội dung các dự án luật; góp phần rèn luyện kỹ năng: Làm việc tập thể, thuyết trình...

Chương trình giúp học sinh tìm hiểu và trải nghiệm hoạt động của Quốc hội

Mở rộng và lan tỏa

Có số học sinh tham gia đông đảo nhất trong 3 năm thực hiện chương trình Giáo dục trải nghiệm về Quốc hội Việt Nam, Hiệu trưởng Trường THCS Đoàn Thị Điểm (Hà Nội) Đặng Văn Tiến chia sẻ: Trường đã tổ chức 3 khóa cho học sinh lớp 8 tham gia chương trình, bởi có bộ môn liên quan trực tiếp là Giáo dục công dân, nội dung học về Nhà nước và pháp luật. Qua đó cho thấy đây là chương trình ý nghĩa, bổ ích, thiết thực, thú vị với học sinh. Các em được tham gia trải nghiệm thực tế, mô phỏng hoạt động Quốc hội, được trang bị kiến thức tốt và tạo niềm đam mê học tập. Chương trình không những phù hợp với học sinh lớp 8 mà còn phù hợp với học sinh các lớp học khác, ngoài môn Giáo dục công dân, có thể tích hợp với môn Lịch sử và các môn có liên quan để lồng ghép kiến thức liên môn...

“Hoạt động này vô cùng thiết thực với học sinh, nhất là khi nhiều em hiện nay có xu hướng du học, qua các kỳ thi vào các trường ở nước ngoài, các em thường hiểu biết về lịch sử, luật pháp và Quốc hội của các nước nhiều hơn là Quốc hội Việt Nam. Hy vọng đây sẽ là hoạt động thường niên của nhà trường, cho học sinh THCS, THPT được tham gia, có thể trực tiếp hoặc trực tuyến” - Hiệu trưởng Trường THPT Chuyên Hà Nội - Amsterdam Trần Thùy Dương chia sẻ.

Nhiều ý kiến khẳng định, chương trình cho giáo viên, học sinh có cơ hội đến gần Quốc hội, để thấy Quốc hội thực sự thân dân, gần dân. Tuy nhiên, chương trình cần mở rộng hơn với nhiều đối tượng, có nhiều cách tiếp cận khác nhau. Phó Giám đốc Học viện Tài chính Trương Thị Thủy cho rằng, chương trình có thể mở rộng, gắn sinh viên với các vấn đề của đất nước, có thể cho giảng viên, sinh viên học các chuyên ngành khác nhau dự thính khi Quốc hội thảo luận các dự án luật liên quan... Chương trình cần hoàn thiện cách thức tổ chức, nội dung, hệ thống tài liệu... Đặc biệt, kịch bản phiên họp mô phỏng phiên họp toàn thể của Quốc hội cần được thiết kế mở, để giới trẻ được sáng tạo, thể hiện chính kiến; có thể sự tham gia của ĐBQH để lắng nghe tâm tư, ý kiến của giới trẻ...

Theo Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Phạm Tất Thắng, việc giáo dục thế hệ trẻ những kiến thức cơ bản về hệ thống chính trị, tổ chức và hoạt động của bộ máy nhà nước nói chung và về Quốc hội nói riêng có vai trò rất quan trọng. Điều này xuất phát trước hết từ vai trò của thế hệ trẻ trong việc phát triển đất nước. Tuổi trẻ là lứa tuổi tràn đầy nhiệt huyết, ham hiểu biết, dễ tiếp thu cái mới và thường ước muốn được cống hiến cho cộng đồng. Trong khi đó, những kiến thức cơ bản về sự vận hành của bộ máy nhà nước có tính đặc thù, cần được chuyển tải một cách thường xuyên, liên tục và qua những cách thức sáng tạo, để từ đó công dân có hiểu biết sâu sắc về tổ chức và hoạt động của các cơ quan nhà nước và về vai trò của bản thân trong việc tham gia các hoạt động chính trị, đóng góp cho cộng đồng.

Thảo Nguyên