Đưa nguyện vọng của cử tri vào nghị trường kỳ họp

- Thứ Ba, 09/11/2021, 06:25 - Chia sẻ
Ngày thảo luận đầu tiên về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và công tác phòng, chống dịch Covid-19 của đợt 2, Kỳ họp thứ Hai, Quốc hội Khóa XV được truyền hình trực tiếp đã thu hút sự quan tâm của đông đảo cử tri và Nhân dân, đặc biệt là những vấn đề liên quan đến công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19. Cử tri đánh giá cao tinh thần trách nhiệm của các đại biểu với những phát biểu sâu sắc, đề xuất nhiều giải pháp thiết thực, khả thi, nhất là đã mang được tâm tư, nguyện vọng của cử tri vào nghị trường kỳ họp Quốc hội.
ĐBQH Trần Văn Khải (Hà Nam) đề nghị Chính phủ chỉ đạo các địa phương có phương án hỗ trợ người lao động quay trở lại làm việc - Ảnh: Quang Khánh
ĐBQH Trần Văn Khải (Hà Nam) đề nghị Chính phủ chỉ đạo các địa phương có phương án hỗ trợ người lao động quay trở lại làm việc  
Ảnh: Quang Khánh

Không chỉ đầu tư về ngân sách cho y tế cơ sở

Đồng tình với những ý kiến của đại biểu tại phiên họp khi đánh giá cao vai trò của Quốc hội, Chính phủ, Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các bộ, ngành, cấp ủy, chính quyền địa phương, các đoàn thể, sự đồng thuận của Nhân dân, các lực lượng tuyến đầu chống dịch, các tình nguyện viên đã chủ động tham gia tích cực trách nhiệm trong công tác phòng, chống dịch. Tuy nhiên, cử tri Nguyễn Văn Sơn (quận Ba Đình, Hà Nội) cũng rất tán thành quan điểm của ĐBQH Phạm Khánh Phong Lan (TP. Hồ Chí Minh) khi cho rằng, mặc dù nước ta đã tương đối kiểm soát được tình hình và đang nỗ lực để từng bước thích ứng an toàn, linh hoạt với dịch bệnh, tuy nhiên thẳng thắn nhìn nhận sự hy sinh, mất mát quá nhiều, điển hình là rất nhiều trẻ em TP. Hồ Chí Minh đã thành trẻ mồ côi vì dịch Covid-19.

Vì vậy, vấn đề không chỉ đại biểu mà đông đảo cử tri và Nhân dân quan tâm hiện nay (nhất là khi tỷ lệ số ca nhiễm đang không ngừng tăng lên) chính là những định hướng, giải pháp căn cơ, nhất là khẩn trương hoàn thiện Chiến lược tổng thể ứng phó hiệu quả với đại dịch Covid-19 trong tình hình mới để chủ động, linh hoạt hơn trong khống chế tỷ lệ nhiễm, giảm được số ca nặng, giảm tử vong - cử tri bày tỏ ý kiến.

Theo dõi phiên họp được truyền hình trực tiếp, đông đảo cử tri và Nhân dân tán thành cao quan điểm của các ĐBQH khi cho rằng, việc chuyển hướng chiến lược phòng, chống dịch phù hợp với tình hình mới từ Zero Covid sang thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 là cần thiết; đồng thời, phấn khởi với con số: Tính đến hết ngày 7.11, cả nước đã tiêm được 90 triệu liều vaccine, tỷ lệ dân số từ 18 tuổi trở lên được tiêm đạt 84,13% được ĐBQH Phạm Văn Thịnh (Bắc Giang) thông tin, bởi đây là chiến lược cơ bản, lâu dài trong công tác phòng, chống dịch và bảo đảm sức khỏe, tính mạng cho Nhân dân.

Cùng với đẩy mạnh chiến lược tiêm phòng để sớm đạt được tỷ lệ miễn dịch cộng đồng, có kế hoạch tiêm mũi 3, đẩy mạnh sản xuất vaccine nội để sớm chủ động được nguồn cung, cử tri Phạm Văn Thao (TP. Vĩnh Yên, Vĩnh Phúc) cho rằng, ý thức cộng đồng và tinh thần trách nhiệm của mỗi người dân với tính mạng, sức khỏe của chính mình và những người xung quanh mới là "liều vaccine" hữu hiệu nhất như ĐBQH Nguyễn Anh Trí (Hà Nội) nhấn mạnh tại phiên thảo luận. Bởi, thời gian qua có nhiều cá nhân vô ý thức trách nhiệm đã làm lây lan dịch bệnh ra cộng đồng, gây nguy hiểm cho sức khỏe của chính mình và những người xung quanh, mặc dù đã bị xử lý nghiêm nhưng hậu quả không thể đo đếm hết được.

Cử tri Nguyễn Văn Việt (huyện Trảng Bom, Đồng Nai) rất phấn khởi khi vấn đề mình quan tâm, trăn trở lâu nay là đầu tư phát triển tuyến y tế cơ sở đã được nhiều đại biểu đề cập đến trong phiên thảo luận. Đại dịch Covid-19 cho thấy vai trò quan trọng của hệ thống y tế cơ sở, đồng thời cũng cho thấy những yếu kém của tuyến y tế gần dân nhất này. Cử tri rất tán thành với quan điểm của các ĐBQH khi cho rằng, cần xem lại thực trạng hệ thống y tế cơ sở, đặc biệt không chỉ cần đầu tư về ngân sách mà còn phải thu hút được nguồn nhân lực có trình độ cao, hiểu biết để hệ thống này hoạt động tốt. Bởi thực tế, có những nơi trang thiết bị y tế hiện đại được đầu tư cho tuyến y tế cơ sở nhưng không phát huy được tác dụng, thậm chí không được sử dụng vì không đủ nhân lực có trình độ.

Để có thể làm giàu trên chính mảnh đất quê hương

Cùng với nỗ lực để từng bước thích ứng an toàn với dịch bệnh, một vấn đề lớn hiện nay là việc phục hồi nền kinh tế - xã hội trước những tác động to lớn của đại dịch. Theo dõi phiên thảo luận về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và công tác phòng, chống dịch Covid-19, cử tri đánh giá cao việc nhiều ĐBQH đã bày tỏ sự quan tâm đến lực lượng công nhân lao động khi đề nghị Quốc hội, Chính phủ tiếp tục quan tâm chỉ đạo một số giải pháp đối với lực lượng này. Nhất là khắc phục tình trạng lực lượng lao động đang ở các thành phố nhưng vẫn nhất quyết về quê, doanh nghiệp không giữ được lao động kể cả khi đã mở cửa, thách thức lớn đối với việc duy trì, phục hồi hoạt động sản xuất, kinh doanh. Bởi, lao động là 1 trong 3 yếu tố đầu vào của sản xuất, là yếu tố quan trọng phục hồi và phát triển sản xuất sau đại dịch.

Cử tri Phạm Thị Ngoan (Khu công nghiệp VISIP 2B, thành phố Thuận An, Bình Dương) bày tỏ xúc động khi ĐBQH đề nghị Chính phủ chỉ đạo các địa phương có phương án hỗ trợ người lao động quay lại nơi làm việc, không chỉ là kết nối cung - cầu lao động, mà còn cần kiến tạo các động lực về cơ hội, hỗ trợ tài chính, ổn định cuộc sống tại các địa bàn có nhu cầu lao động lớn, tạo sinh kế cho người lao động tìm việc làm tăng thu nhập bảo đảm cuộc sống; có chính sách khuyến khích doanh nghiệp, người lao động tham gia đào tạo, đào tạo lại, nâng cao tay nghề, chuyển đổi nghề nghiệp cũng như một số biện pháp tuyên truyền, hướng dẫn về bảo vệ sức khỏe phù hợp. Đó là mong muốn tha thiết của công nhân lao động chúng em, nếu được quan tâm như vậy, chắc chắn rất nhiều công nhân lao động sẽ yên tâm quay trở lại làm việc - cử tri tin tưởng.

Sự đứt gãy của các chuỗi cung ứng và dòng người lao động hồi hương bởi dịch bệnh cũng mở ra một cách tiếp cận mới trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Đông đảo cử tri là lực lượng công nhân lao động tán thành cao với đề xuất của ĐBQH về việc: Cần xây dựng thêm các trung tâm và các chuỗi đô thị tại các vùng kinh tế khác nhau để tạo thêm những cực tăng trưởng mới của nền kinh tế. Qua đó, không chỉ “chia lửa” cho Thủ đô Hà Nội, cho TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh miền Đông Nam Bộ mà còn có thể lan tỏa sự phát triển đến các vùng nông thôn và các tỉnh, thành phố để phát triển nền kinh tế cân bằng, an toàn, hiệu quả. Đặc biệt, người lao động không phải ly hương mà có thể ly nông để có việc làm, làm giàu trên chính mảnh đất quê hương mình.

THÁI AN